Lại nói chuyện thừa, thiếu và tính khả thi

Lượt xem: 7002
9/3/2018 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS Nguyễn Trường Lưu minh hoạ Hồng Nguyên 

Chuyện thời sự trong tháng qua ảnh hưởng đến đông đảo người dân, nhất là những người chuẩn bị xây nhà là sự ra đời của nghị định 38 về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị được ban hành ngày 7.4.2010 và có hiệu lực từ ngày 25.5.2010. Tuy nhiên, thực tế của việc vận dụng nghị định này có nhiều vấn đề cần bàn. KT&ĐS giới thiệu bài viết của KTS Nguyễn Trường Lưu xung quanh những nhận xét ban đầu về Nghị Định 38. Chúng tôi mong nhận được phản hồi, trao đổi của các giới chuyên môn cũng như bạn đọc quan tâm quanh vấn đề này.  

 
 
Thừa hay thiếu
Cơ sở của nghị định này là luật Quy hoạch đô thị ngày 17.6.2009. Theo quy trình hệ thống luật hiện hành, sau nghị định ta còn chờ thông tư hướng dẫn. 
Trước khi nói về nghị định 38 cần điểm qua một chút tình hình thiết kế đô thị ở TP.HCM. Với nghị định này, trên địa bàn TP.HCM ta còn phải đợi cả thông tư hướng dẫn cũng như quy chế quản lý kiến trúc đô thị. TP.HCM hiện nay thiếu một bàn tay thiết kế và quản lý kiến trúc chung của đô thị. 
Vừa qua đã xuất hiện một số tuyến đường mới mở rộng và hình thành như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đại lộ Đông Tây và sắp tới là đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi... Tất cả các việc xây dựng ở đây đều bị “khựng” lại bởi chưa có quy chế quản lý kiến trúc, không gian thiết kế đô thị. Cả lãnh đạo thành phố, người dân đều bức xúc đòi hỏi, có thể nói là hàng ngày, hàng giờ. Nhưng đến nay chưa có quy chế này. Trên tờ Tuổi Trẻ chủ nhật ngày 4.4.2010, lãnh đạo sở Quy hoạch kiến trúc phát biểu “Khó nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất của loại hình này sở vừa làm và tự rút kinh nghiệm”. Nguyên KTS trưởng TP.HCM Lê Văn Năm cũng cho rằng “luật Quy hoạch đô thị, cơ sở pháp lý cao nhất về thiết kế đô thị nói riêng và nhiều công việc khác thuộc lãnh vực quy hoạch đô thị có hiệu lực từ ngày 1.1.2010 nhưng đến nay bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn. Vì vậy đội ngũ thiết kế đô thị của TP.HCM có nhiều lúng túng”. 
Hiểu một cách nôm na, muốn thiết kế đô thị ta cần trước hết là một quy chế. Sau đó nhà thiết kế quy hoạch, kiến trúc sư thiết kế đô thị và phải có được sự đồng thuận của người dân. Vai trò của người kiến trúc sư thiết kế đô thị ở đây là người kết nối giữa nhà quy hoạch, kiến trúc sư thiết kế công trình và người dân. Bây giờ phải đợi có quy chế thiết kế đô thị thì các dự án cần thiết kế không biết đợi đến thời gian nào? 
Do đặc thù tự thân, thiết kế đô thị là sự kết nối của hệ thống quy hoạch với tính chất từng công trình tạo ra không gian đô thị. Hiểu theo cách sở hữu thì đó là sự kết nối của tất cả “không gian của từng cái tôi” thành không gian của chúng ta, làm sao cho không gian của chúng ta đẹp, phù hợp. Bài toán khó là làm sao để không ảnh hưởng đến quyền lợi của không gian của từng cái tôi đã được định hình. Bài toán cần được đặt ra là trong hoàn cảnh nào đó, khi cần hy sinh không gian của cá nhân vì lợi ích chung thì phải có đền bù sao đó cho thoả đáng. Nếu không có được điều này thì luật hay nghị định rất khó khả thi. Có thể nói, ai cũng thấy đang thiếu hướng dẫn, thiếu quy chế về quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị. 
Trong bối cảnh đó, sau luật đã có nghị định. Có thể nói sự ra đời của một nghị định là cần thiết. Ta đã có điều kiện cần nhưng chưa có điều kiện đủ. Nghĩa là có luật, có nghị định thì vẫn còn thiếu. Nhưng nếu không nhanh chóng giải quyết cái thiếu thì luật và nghị định có mà không áp dụng được càng bằng... thừa. 
 
Hài hoà, có mấy chữ hài hoà? 
Bây giờ xin đi vào một vài chi tiết của nghị định 38. Ở đây, trong giới hạn một bài viết tôi chỉ bàn về tính khả thi. 
Khoản 3 điều 11 của nghị định có ghi: “Tại các tuyến phố chính, trục đường chính của đô thị, khu vực quảng trường trung tâm thì việc dùng màu sắc, vật liệu hoàn thiện bên ngoài công trình phải đảm bảo sự hài hoà chung cho toàn tuyến”. 
Về vấn đề này, tại các đô thị trên thế giới, trong quy hoạch chung người ta đã quy hoạch tuyến, khu vực đô thị theo từng chức năng ví dụ như khu ở, khu vực thương mại, khu vực hành chính... Các khu để ở có những quy định thậm chí có thể nói là khắc nghiệt về kiến trúc như màu sắc, cao độ...  Ngược lại, ở các khu vực công cộng, dịch vụ thì người ta có thể dùng những gam màu lộng lẫy, gây chói... vì thực ra người dân đến đó có một khoảng thời gian không dài bằng thời gian ở nhà. 
Còn ở TP.HCM, tại các khu đô thị cũ, đã có sự xáo trộn không gian chức năng khác nhau. Nhà ở thành khách sạn mini, khu thương mại chen lẫn với trường học, bệnh viện. Rất nhiều ngôi nhà đã sử dụng những vật liệu bên ngoài gây cảm giác mạnh. Chẳng hạn như một tụ điểm karaoke, một quán càphê “chơi” màu tím đậm, một căn nhà phố được cải tạo thành trung tâm ngoại ngữ dựng vách nhôm đỏ và vàng choán hết mặt tiền để gây ấn tượng. Nếu theo nghị định 38 thì những cái cũ như vậy có được tồn tại hay không? Nếu không được tồn tại thì điều đó có ảnh hưởng gì đến quyền tự do kinh doanh của người dân? 
Trở lại vấn đề đô thị mới, tuyến đại lộ Đông Tây dài 22km đi qua sáu quận là quận 2, 1, 5, 6, 8 và Bình Tân. Vấn đề là ai quản lý sự “hài hoà” ở đây? Thành phố hay quận huyện? Nếu giao về quận huyện trong trường hợp các nhà quản lý kiến trúc ở các quận huyện khác nhau có quan điểm khác nhau thì xử lý như thế nào? “hài hoà” ở quận 2 liệu có khác với “hài hoà” ở quận 8? Nếu giao về một đầu mối cho thành phố quản lý thì chúng ta sẽ có 22km đường “hài hoà” theo kiểu na ná nhau trong khi con đường có cả nhà ở đơn lẻ và chung cư, công xưởng, kho, trường học, bệnh viện? 
 
Và nguy cơ xin – cho!
Trở lại với việc dùng vật liệu “hài hoà cho khu vực quảng trường trung tâm” cũng có nhiều điều cần lưu ý. Trước đây ở TP.HCM đã xảy ra trường hợp toà nhà PDD ở đường Pasteur phải làm thêm cái chóp và từ ốp đá xám đen sang sơn phủ màu xanh vì lý do quan sát từ quảng trước UBND TP.HCM thấy cái chóp khối nhà ốp đá màu xám đen này phản cảm, phá vỡ cái bầu trời không gian của trụ sở UBND TP. HCM. Gần đây khi cấp phép cho toà nhà Bảo Việt trên đường Đồng Khởi, người ta cũng phải tính đến tầm nhìn từ phía quảng trường UBND TP.HCM. Vấn đề là quy định khoảng cách thế nào cho luật hoặc thông tư sẽ được ban hành. Khoảng cách chim bay theo tầm nhìn hay khoảng cách giao thông thực tế? 
Màu sắc và vật liệu phát triển lan toả và ảnh hưởng lẫn nhau. Vấn đề rất khó khi hiểu và xử lý chữ “hài hoà” như thế nào? Liệu quy chế kiến trúc sắp tới có cụ thể hoá chữ “hài hoà” này hay để cán bộ thụ lý tự “xử” chữ hài hoà theo ý mình.
Trong kiến trúc, có thể hiểu rất khác nhau về vấn đề này. Như trường hợp kiến trúc sư nổi tiếng Leoh Ming Pei đã đặt một kim tự tháp bằng kiếng tại bảo tàng Louvre. Đây có thể coi là một dẫn chứng kinh điển cho sự tương phản vật liệu, hình khối tạo ra sự hài hoà giữa cũ và mới. 
Từ ví dụ này, ta có thể thấy hài hoà thẩm mỹ trong kiến trúc được mở rộng theo nhiều nghĩa khác nhau. 
Trờ về với đô thị của ta, liệu có thể có đủ cán bộ năng lực để thẩm định, cảm nhận cái hài hoà trong thiết kế kiến trúc. Trong nghề, ai cũng biết bản vẽ xin phép xây dựng hiện nay chỉ là sơ phác ý tưởng cho biết tỷ lệ, độ lùi, chiều cao. Còn bản vẽ hoàn thiện, chi tiết thẩm mỹ, sẽ bổ sung ra sao vào hồ sơ xin phép xây dựng, ai là người theo dõi và quyết định cái này hài hoà với cái kia? Tôi rất lo ngại rằng nếu mọi sự không rõ ràng, không chuẩn hoá được thì sẽ đẻ ra cửa quyền, xin – cho ở đây.
 
Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống, số 48