Màu xanh kỷ niệm

Lượt xem: 871929
11/1/2023 9:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài THANH LAN Ảnh HẠ MY

Tôi là người ngoại đạo, nhưng rất nhiều năm qua, vào những ngày đầu của tháng 12, tôi đã bắt tay vào việc chưng bày cây thông trong nhà của mình. Việc này với nhiều gia đình Công giáo, nó như một thông lệ nhưng với tôi nó là một kỷ niệm riêng khó phai.

 
Trước năm 1975, gia đình bên nội tôi sống “quây quần” trong một khu vực trải dài hai bên đường gần cầu Băng Ky (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh bây giờ). Tôi nói quây quần vì nhìn qua bên trái hay bên phải đều là nhà của các cô chú; ngó qua bên kia đường là nhà của bà Hai, bà Tư, ông Sáu, ông Bảy… và mọi đều theo Phật giáo. Với tôi, vui nhất lúc đó chỉ có hai mùa: một là hè, mùa thứ hai là tết Nguyên Đán. Mùa hè thì được nghỉ học đi chơi chỗ này chỗ kia. Tết đến được đi chợ tết, được mặc quần áo mới, được ăn đồ ngon, được người lớn lì xì, được theo ba mẹ đi chùa… Và trong những ngày này, thì nhà nào cũng đều có chậu mai vàng đặt ở giữa sân hay giữa phòng khách, trên đó treo thiệp tết, bao lì xì…
 

 
Không biết với các anh chị lớn hơn ra đi làm rồi thì có khác gì với tụi nhỏ không, nhưng với tôi lúc đó, đèn ngôi sao, cây thông xanh, Ông Già Noel, trái châu, dây kim tuyến… đều là “con số không” bởi tôi chưa bao giờ nhìn thấy chúng. Khi vào trung học, tôi còn nhớ, hôm đó vào giữa tháng 12, năm 1974, tiết trời se lạnh, lớp tôi được nghỉ 2 giờ đầu và được phép ra khỏi trường. Lớp học chia nhiều nhóm, nhóm thì ngồi lại sân trường, nhóm khác ra ngồi ăn vặt ở các xe bán thức ăn trước cổng trường. Tôi cùng về nhà cô bạn lấy một bức tranh mà bạn vẽ tặng tôi. Bước vào phòng khách “đập” vào mắt tôi là một cây thông Noel xanh cao ngang đầu, có gắn những trái châu nhỏ, vài dây kim tuyến quấn quanh và các hộp quà to gói giấy màu để dưới gốc cây thông. Tôi nhìn không chớp mắt vì thấy nó lạ quá, đẹp quá, và càng rực rỡ hơn khi những ngọn đèn nhấp nháy chạy quanh cây thông được bật lên. Dường như suốt buổi học hôm đó, lời giảng của thầy cô như “mộng ngoài của lớp”, đầu óc tôi cứ nghĩ về cây thông đó và những câu hỏi, tại sao người ta đặt cây thông trong nhà khi Giáng sinh đến, tại sao nhà mình không có dù mình cũng không nghèo. Hỏi thì được người nhà giải thích đại khái “vì gia đình không theo đạo Thiên Chúa”. Cây thông với những món trang trí bắt mắt kia theo tôi suốt mỗi mùa Giáng sinh.
Đến giữa những năm 80, khi kinh tế dễ thở hơn một chút, chúng tôi ra trường đi làm. Thứ mà nằm sâu trong ký ức từ nhiều năm đến lúc phải được thực hiện. Chắc cứ bị làm phiền của đám con gái từ mùa Giáng sinh này tới mùa Giáng sinh kia, ba má đã “miễn cưỡng” đồng ý cho chúng tôi được có một cây thông Noel trong nhà. Sau nhiều lần đi lại từ Sài Gòn qua Tân Định, ngắm nhìn đủ loại cây thông, chị em tôi quyết định “tậu” một cây cao quá đầu mình, tán rộng, cành xanh biêng biếc và nhiều món đồ trang trí kèm theo. Khi đem về, chúng tôi cùng nhau mở thùng, “dựng” cây, bàn chuyện đặt nó ở đâu, treo đồ trang trí ra sao, gói những hộp quà như thế nào… rôm rả mấy ngày trời.  
Những khi đó, nhà chúng tôi vui lắm, tối đến đèn trong phòng khách “bị” tắt hết, thay vào đó là những ngọn đèn màu nhấp nha nhấp nháy. Nhớ những lúc như vậy ba tôi thường tặc lưỡi bảo “mấy thứ này chỉ dành cho người có đạo, tụi bây bày đặt quá”, má tôi thì cười, “chúng thích quá biết làm sao, thôi kệ đi ông ơi”. Chị em tôi hết ngó cây thông rồi lại bắt ghế đứng lên sửa lại đôi chỗ, chỉ vậy mà có khi nảy sinh những trận cãi nho nho bởi “cái đẹp với mỗi người không giống nhau”. Cứ vậy, những món trang trí cứ bị dời từ chỗ này sang chỗ kia. Tuy không theo đạo, nhưng chúng tôi cũng “bắt chước” đến đêm 24 có một bữa réveillon gia đình. Tiệc nửa đêm thì không thể vì khuya quá, khoảng 9-10 giờ tối, cả nhà ngồi gần cây thông, đèn phòng khách được tắt bớt vì phải nhường cho dàn đèn nhấp nháy từ cây thông, các món ăn được bày hết xuống nền nhà. Cả nhà vừa ăn, vừa nghe những bài hát về Noel từ một máy cassette đặt gần đó. Rồi lại cũng cãi nhau chỉ vì “ai đó” nói “cái này để ở đây không đẹp”.
 

 
Cây thông đầu tiên ở nhà chúng tôi cũng gần chục năm, những cây về sau nhỏ dần. Màu sắc cũng thay đổi, khi là màu xanh, khi lại trắng, có năm chuyển sang vàng, nhưng cuối cùng cũng vẫn là màu xanh truyền thống. Các món trang trí kèm theo cũng được thay đổi cho phù hợp với màu sắc của cây thông. Hơn chục năm trước có thêm một Papa Noel, vai đeo chiếc túi to đầy quà, gương mặt vui cười, nhún nhẩy theo điệu nhạc.
Chị em tôi giờ mỗi người sống mỗi nơi nhưng vẫn có một điểm chung để nhớ về là mùa Giáng sinh và tết Nguyên Đán. Cứ đến đầu tháng 12, mọi người đều nhắn hỏi “nhà mình năm nay có làm cây thông không?”. Đã lớn tuổi, “sức hút” của việc chưng bày cây thông Noel cũng giảm dần, có năm định không làm, nhưng khi nhận được câu hỏi ấy, tôi lại nhớ về những chuyện xưa cũ, lại làm, chụp hình, gửi đi và câu trả lời gần như lặp lại: “Sao không thấy nó đẹp như cây thông đầu tiên của tụi mình vậy?”. 
Phải, nó không đẹp bởi vì cây thông ngày xa xưa đó, là cái đầu tiên chúng tôi có được, do chúng tôi cùng làm, có cả những cãi vã nho nhỏ, của bữa tiệc nửa đêm cùng nhau hòa với những ca khúc mùa Giáng sinh. Giờ cây thông vẫn hiện diện trong ngôi nhà khi mùa đến, nhưng những gì mà chúng tôi đã trải qua của những mùa Giáng sinh xưa giờ chỉ là hoài niệm.
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 200