Một câu hỏi được đặt ra là, hệ thống các ống đổ rác tại các chung cư cao tầng ở Việt Nam hiện nay được lắp đặt như thế nào? Công nghệ có đạt chuẩn không? Những quy định nào đối với ống xả rác, thang thoát hiểm và thang máy tại các chung cư? KT&ĐS đã gặp các chuyên gia xây dựng, kiến trúc sư, nhà đầu tư để trả lời những câu hỏi này.
“Lai lịch” ống đổ rác
Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, ống đổ rác là một loại ứng dụng phục vụ cho vấn đề xử lý rác tại một toà nhà chung cư. Loại hình này chỉ xuất hiện tại các toà nhà cao tầng. Ở Việt Nam, trước năm 1975 tại Sài Gòn đã xuất hiện loại ứng dụng này tại chung cư Ngân hàng đường Bà Huyện Thanh Quan. Ống đổ rác khi ấy rất đơn giản, được thiết kế theo trục đứng; vật liệu được làm bằng thép hoặc sắt; thậm chí thùng rác lúc ấy cũng chỉ là cái kho bỏ rác vào rồi xúc đi.
Theo KTS Lưu, ưu điểm của ống đổ rác này là giúp cư dân ở chung cư thuận tiện trong việc đổ rác, người ta không phải xách bịch rác từ trên lầu cao xuống dưới để đổ. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm là gây mất vệ sinh, tiếng ồn và dễ cháy. Bên cạnh đó, khi đổ rác vào ống này thì khó phân loại rác vô cơ hay hữu cơ nên sẽ gây ra mùi thối, xuất hiện giòi bọ…
Ở các nước trên thế giới, ống đổ rác ngày càng tiến bộ. Ống đổ rác không làm bằng kim loại nữa mà đã được thay thế bằng hợp chất không bám dính; có hệ thống nước và hơi để làm sạch; toàn bộ rác khi đổ vào đây sẽ được đưa xuống tầng hầm khép kín. Trong các hầm này có hệ thống ép, rác được ép thành bánh rồi mới bốc đi.
Ngày nay, hệ thống này đã được đẩy lên tầng cao hơn, đó là tất cả các ống đổ rác được đấu nối với hệ thống nhánh, miệng rác ngay ở trong bếp tại các căn hộ, người nội trợ không phải xách rác ra khỏi căn hộ của mình.
Bất cập
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội xác định nguyên nhân gây ra cháy chung cư 18 là do người dân đưa vật liệu dễ cháy vào thùng rác và ngọn lửa bắt đầu từ đây và lan lên các tầng.
Hiện trường tại chung cư trên, phòng chứa và xử lý rác được bố trí ở tầng trệt. Hệ thống thu gom chạy song song với đường dẫn thang máy nối thông từ mặt đất lên 18 tầng. Tại mỗi tầng có cửa thu gom. Tuy nhiên, vị trí cửa thu gom rác nằm đối diện với cửa thoát hiểm khiến cửa thoát hiểm lại tập trung khói dày đặc nhất khi hoả hoạn xảy ra. Đây cũng chính là nguyên nhân giải thích vì sao cư dân tầng 17, 18 đã không thể chạy bộ để thoát hiểm.
Theo khảo sát của KT&ĐS, hầu hết các ống đổ rác tại các chung cư cao tầng ở Việt Nam đều có cách lắp đặt hệ thống ống đổ rác như tại chung cư 18 tầng nêu trên. Tại TP.HCM, cách đây không lâu, chung cư Ehom Đông Sài Gòn, quận 9 cũng đã xảy ra một vụ cháy nhà để xe. Do phòng đổ rác, cầu thang thoát hiểm, cửa thang máy được bố trí nằm chung tại tầng trệt và gần nhau nên khói đen theo các lối này lan lên các tầng trên rất nhanh, bịt kín lối thoát hiểm khiến người dân vô cùng hoảng loạn. Tuy đám cháy trên không gây thiệt hại về người do lực lượng cứu hộ phản ứng nhanh nhưng nó cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với công tác chữa cháy tại các toà nhà chung cư.
Tìm hiểu của KT&ĐS cho thấy, hầu hết các dự án chung cư tại TP.HCM, các chủ đầu tư đều thực hiện đầy đủ quy định phòng cháy chữa cháy như: phải có hai lối thoát hiểm độc lập, có hệ thống phòng cháy, ống xả rác đều có cửa... và ban quản lý các chung cư đều dán thông báo hướng dẫn phòng chống cháy nổ với những nội quy chung như tắt điện, khoá bình gas trước khi người dân ra khỏi nhà. Tuy nhiên, quy định quan trọng nhất là cấm người dân không được ném chất dễ cháy vào hầm chứa rác thì hầu như chưa có.
KT&ĐS đã hỏi 20 người dân trước khi đổ rác vào ống xả rác có phân loại, kiểm tra chất dễ cháy như tàn thuốc, than cháy dở hay không thì có tới 19 người trả lời không, một người trả lời không nhớ. Hãi hùng hơn, có gia đình đốt vàng mã nhưng không nhớ mình có dập tắt đống vàng mã đó hay chưa trước khi đem đi đổ bỏ.
Khi xảy ra vụ cháy tại Hà Nội, người dân ở các toà nhà chung cư như: Nam Long (quận 9), Hoàng Anh (quận 7), Mỹ Phước (Bình Thạnh), chung cư Vạn Đô (quận 4), chung cư Mỹ Thuận (quận 8); B27 (quận 2)… đều lo sợ cháy sẽ xảy ra tại các chung cư mình đang sống. Bởi các chung cư này đều bố trí và lắp đặt nhà để xe, cầu thang thoát hiểm, ống xả rác ở bên cạnh nhau.
Còn nhớ cách đây không lâu, khi đi thực hiện bài viết về chất lượng nhà ở của các khu tái định cư trên địa bàn thành phố, ông tổ trưởng của chung cư tái định cư B27 quận 2 đã có một sáng kiến rất độc đáo đó là: khuyến cáo mỗi hộ nên sắm cho mình một cuộn dây thừng thật dài để khi xảy ra cháy nổ còn lấy cái mà đu xuống!
Đóng cửa
Theo KTS Lưu, hiện ở TP.HCM có rất nhiều chung cư đã lắp đặt hệ thống ống xả rác như trên, nhưng do quản lý không được đã khoá cửa và quay trở lại đổ rác theo kiểu thủ công. Cụ thể là tại chung cư 19/6 Kỳ Đồng, chung cư Lạc Long Quân…
Đại diện ban quản lý các chung cư trên cho biết, những hầm xả rác này không chỉ đem lại nguy cơ về hoả hoạn mà chúng còn là nơi dễ làm lây lan dịch bệnh cho cả toà nhà. Chính vì vậy, tại các chung cư này hiện nay yêu cầu người dân phải đưa rác tới một nơi tập kết cố định trong toà nhà, chứ không vứt rác qua ô chứa rác ở mỗi tầng như trước.
Bà Nguyễn Thiên Linh, sống ở khu chung cư Nam Long cho biết, việc người dân đổ rác văng vãi ra ngoài, bốc mùi hôi hoặc đổ vật cứng khiến kẹt họng rác là diễn ra thường xuyên nên gây mất vệ sinh.
Tìm hiểu của KT&ĐS được biết, tiêu chuẩn Việt Nam về nhà cao tầng, mỗi tầng bắt buộc phải có hệ thống báo cháy tự động và chữa cháy vách tường, tại bất cứ điểm nào của từng tầng phải có hai họng chữa cháy tiếp cận trong vòng ba phút kể từ khi báo động cháy.
Ngoài ra, toà nhà còn phải có hệ thống tăng áp cho toà nhà, bao gồm tăng áp cho cầu thang bộ thoát hiểm, ít nhất hai cầu thang bộ thoát hiểm và hút khói cho từng tầng để khi xảy ra cháy đảm bảo cho người dân tại khu vực cháy thoát xuống tầng một ra ngoài một cách an toàn. Mặt khác, đối với hệ thống thu rác bằng ống đổ rác đường kính một mét bắt buộc phải có hệ thống hút khí thải và hệ thống báo cháy chữa cháy phun từ trên đầu ống đổ rác mỗi khi có tín hiệu báo cháy để dập tắt ngay đám cháy...
Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chuyên môn về phòng chống cháy nổ, số lượng chung cư được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn như trên chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Công nghệ xử lý rác tại Dự án Sunrise city ở TP.HCM
Theo ông Trần Ngọc Nhật, trưởng phòng maketing của công ty Novaland, chủ đầu tư dự án Sunrise City thì tại mỗi căn hộ của dự án Sunrise City đều được trang bị máy nghiền rác gia đình, theo đó các rác thải của gia đình được ép vắt nước trước khi thải ra, giúp tránh tắc nghẽn đường ống. Phần cặn thì được đóng vào bao chứa rác chuyên dụng chuyển ra khu chứa rác chung. Rác ở mỗi căn hộ được đưa vào khu vực chứa rác chung của mỗi tầng với các bao chứa rác chuyên dụng. Sau đó, định kỳ các giờ trong ngày, rác sẽ được nhân viên vệ sinh chuyển các bao chứa rác chuyên dụng theo đường ống trong xuống điểm tập kết rác ở tầng hầm. Tiếp đến số rác này sẽ được xe nội bộ chuyển từ tầng hầm đến khu chứa rác trung tâm, độc lập bên ngoài các toà tháp. Từ trung tâm chứa rác này, sẽ được xe rác công cộng thuận tiện chuyển các bao rác đi. Do đó, chỉ nhân viên phụ trách vệ sinh của Sunrise City mới có thể vào các khu chứa rác trung tâm này.
Đặc biệt, ở mỗi phòng chứa rác ở các tầng, có lắp đặt hệ thống báo và chữa cháy tự động cảm ứng nhiệt, cảm ứng khói và cảm ứng gas. Khi có sự cố về cháy… hệ thống chữa cháy sẽ tự động phun nước và báo về trung tâm.
Bài Vũ Nguyên minh hoạ Hồng Nguyên
Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống, số 47