Bạc Liêu là xứ cơ cầu,
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu
Đến với Bạc Liêu là đến với cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử (nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước - Cà Mau), bởi lẽ đây là vùng đất có nhiều thuận lợi cho việc phát triển đờn ca tài tử và cũng là nơi sản sinh ra nhiều danh ca, danh cầm nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh. Loại hình nghệ thuật dân gian lâu đời, đặc trưng của vùng Nam bộ này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn hát ca sau những giờ lao động. Bạc Liêu luôn được mệnh danh là chiếc nôi của đờn ca tài tử Nam bộ. Đờn ca tài tử không chỉ diễn ra ở các lễ hội mà còn trong thời gian sau thu hoạch. Ngoài ra, nó có thể được chơi trong bóng mát của cây, trên thuyền hoặc trong đêm trăng sáng. Đờn ca tài tử phản ánh đúng cốt cách tâm hồn phóng khoáng yêu văn nghệ của người Bạc Liêu, vì vậy mà rất được ưa chuộng, coi trọng, được dựng thành biểu tượng trang trọng ở quảng trường trung tâm thành phố. Qua bao thăng trầm lịch sử, đờn ca tài tử đã khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng.
Chùa Xiêm Cán - ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ 19 theo lối Angkor, với sự uy nghi và kiến trúc đặc biệt, lưu giữ sắc thái văn hóa của người Khmer trên đất Nam bộ
Ngay tại thành phố Bạc Liêu, dọc theo con đường đi qua vườn nhãn cổ, từ xa đã hiện lên thấp thoáng ngôi chùa Xiêm Cán - một trong những ngôi chùa lớn và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam bộ. Ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1887, với sự uy nghi và kiến trúc đặc biệt, lưu giữ một sắc thái văn hóa đang phồn thịnh và rất đặc trưng của người Khmer. Chùa nằm trong khuôn viên rộng lớn có nhiều cây xanh tỏa bóng, không gian yên tĩnh, bầu trời trong xanh, nắng vàng soi qua kẽ lá, tiếng chim hót văng vẳng từ xa, không khí trong lành thư thái. Bao quanh chùa là một lớp hàng rào với nhiều hoa văn ấn tượng.
Chùa Xiêm Cán là một quần thể kiến trúc gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp đựng hài cốt, am, lò thiêu... Ngay phía cổng, bên trái là tượng Phật nằm trong một gian nhỏ màu vàng rực. Tòa chánh điện nằm bên phải trên một nền đất cao khoảng hơn 2 mét, có hành lang bao quanh, bên trong trang trí hoa văn độc đáo. Giữa chánh điện thờ Phật Thích Ca, đặc biệt, bốn bức tường xung quanh có rất nhiều hình vẽ giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật Thích Ca. Trên trần và các cột được trang trí nhiều hoa văn màu sắc với các phù điêu, bích họa. Hai bên chánh điện có nhiều tháp cốt và một nhà hỏa thiêu nằm dưới những tán cây mát rượi. Những tháp cốt này có cái được sơn phết và trang trí hoa văn rất đẹp, nhưng cũng có cái cổ kính với màu cũ kỹ, rêu phong, tạo nên sự sinh động về màu sắc và không khí trầm mặc.
Mái chùa cong, xếp tầng theo kiến trúc Angkor, tạo ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Dường như không chịu sự chi phối của thời gian, những đường nét kiến trúc quen thuộc với các chi tiết trang trí đúc nổi nhiều hoa văn đắp nổi tỉ mỉ cùng một màu vàng đất dịu mắt, đậm sắc thái Khmer và luôn rực rỡ dưới nắng.
Chùa Xiêm Cán nói riêng và chùa Khmer nói chung là trung tâm văn hóa của người Khmer. Đây không chỉ là nơi thờ cúng, tu đạo mà còn là nơi dạy chữ Khmer và tổ chức các lễ hội lớn, chính vì vậy, người Khmer rất coi trọng và tự hào về ngôi chùa của mình, ngôi chùa làm phong phú và đa dạng hơn cho văn hóa Việt Nam.
Những cánh quạt trắng muốt nổi bật trên nên xanh biêng biếc của bầu trời tạo nên một khung cảnh thật sinh động. Đây cũng là điểm check-in không thể thiếu mỗi khi du khách đến Bạc Liêu
Nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu chưa đầy 20km là cánh đồng điện gió lớn nhất cả nước. Hướng về phía biển Nhà Mát, những “người gác biển” khổng lồ hiện lên từ xa. Càng đến gần càng thấy choáng ngợp với sự hùng vĩ của những turbine gió dựng lên sừng sững trên nền trời mây bát ngát đẹp như một thước phim quay trong chiều hè châu Âu, với gió biển và sóng vỗ dịu êm.
Tỉnh Bạc Liêu với 56km bờ biển được đánh giá là có tốc độ gió tốt nhất cả nước. Vùng biển với những bãi bồi không có dân cư, rất thuận lợi cho việc phát triển điện gió. Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được xây dựng từ năm 2010 trở thành dự án điện gió đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long.
Cánh đồng có tổng cộng 62 quạt gió, cánh quạt dài 42m được làm bằng nhựa đặc biệt. Mỗi cột turbine cao 80m, đường kính 4m, nặng hơn 210 tấn làm bằng thép đặc biệt, không gỉ, chịu được ăn mòn trong điều kiện khí quyển đại dương. Những trụ phong điện giống như những cối xay gió khổng lồ sải cánh vô cùng ấn tượng. Vòng quay đều đều của những cánh quạt trắng muốt nổi bật trên nền xanh biêng biếc của bầu trời tạo nên một khung cảnh thật sinh động. Đứng trước lớp lớp turbine gió quay tít thấy mình thật nhỏ bé trong cảm giác rợn ngợp và phấn khích.
Cánh đồng quạt gió đã thổi một luồng sinh khí mới cho đất và người nơi đây, mang lại sự đổi thay bất ngờ cho Bạc Liêu. Vùng đất trước đây mênh mông là đồng nước nuôi tôm, là những rặng bần, đước, những bãi bồi ngập mặn… Ngày nay, trên chính những bãi bồi, đồng nước bát ngát ấy, năng lượng gió đã được khai thác hiệu quả, góp phần mở ra tương lai cho ngành công nghiệp năng lượng sạch và mới ở Việt Nam.
Đàn kìm - biểu tượng của nghệ thuật đàn ca tài tử Nam bộ tại quảng trường thành phố Bạc Liêu
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 152