Thăm quê hương Hải đội Hoàng Sa

Lượt xem: 9339
18/5/2021 10:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Hà Thành

Đảo Lý Sơn, còn có tên là cù lao Ré là một huyện đảo tiền tiêu của tỉnh Quảng Ngãi. Lý Sơn có ba xã là An Vĩnh, An Hải (nằm trên đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé). Đảo Lớn Lý Sơn được hình thành bởi năm ngọn núi lửa (đã ngừng hoạt động), có diện tích trên 10km2 với dân số hơn 20.000 người.

 
 
Những cánh đồng trên xã An Hải nhìn từ núi Thới Lới
 
Lý Sơn có một bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Những di chỉ khảo cổ cho nền thấy văn hóa Sa Huỳnh xuất hiện trên đảo Lý Sơn cách đây trên 2.500 năm kéo dài đến thế kỷ đầu sau công nguyên. Những cư dân người Việt đã khai chiếm đảo Lý Sơn từ thế kỷ 16, bởi các dòng họ hai xã An Hải và An Vĩnh bên cửa biển Sa Kỳ tỉnh Quảng Ngãi, sau này lập nên xã An Hải và An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. 
Lý Sơn là quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Chính nơi đây, từ thời những chúa Nguyễn xứ Đàng trong; Đội Hoàng Sa đã được thành lập và hoạt động, những binh phu Hoàng Sa đã vượt sóng gió biển Đông để xác lập chủ quyền của nước Việt ở các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. 
Hiện nay trên hòn đảo nhỏ bé và xinh đẹp này có tới hàng chục di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa, là những minh chứng rõ ràng và hùng hồn cho thấy Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.
 
 
Một góc Lý Sơn nhìn từ hải đăng
 
Toàn cảnh miệng ngọn núi lửa Giếng Tiền, xã An Vĩnh
 

Ngọn hải đăng ở phía đông đảo thuộc xã An Hải
 
Âm Linh Tự - miếu thờ những binh phu Hoàng Sa. Đây là Di tích lịch sử cấp Quốc gia
 
Mộ gió lính Hoàng Sa trước Âm Linh Tự
 
Mộ cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh (dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn) ở xã An Vĩnh
 
 Đình làng An Vĩnh, được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, trải qua nhiều lần trùng tu. Ngôi đình hiện nay được trùng tu vào năm 2009. Đình An Vĩnh là nơi diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, nơi các binh phu Hoàng Sa xuất quân đi làm nhiệm vụ. Đình An Vĩnh là Di tích lịch sử cấp Quốc gia 
 

Đình làng An Hải (Lý Hải) được xây dựng từ năm 1820 dưới triều vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Đình An Hải là nơi diễn ra Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa, tưởng niệm những binh phu đã bỏ mạng khi đi làm nhiệm vụ ở biển Hoàng Sa. Đình An Hải là Di tích lịch sử cấp Quốc gia

 
Mô hình thuyền câu dùng để đi biển của Đội Hoàng Sa - do nghệ nhân Võ Hiển Đạt, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn phục chế
 
 Bài vị những cai đội và những anh hùng Đội Hoàng Sa (hiện vật phục chế) 
 
Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Công trình mô phỏng kiến trúc truyền thống với bộ mái cùng trang trí kiểu thời Nguyễn; hoàn thành tháng 1.2010. Nơi đây trưng bày những hiện vật, tài liệu tái hiện hoạt động của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải; cùng những hiện vật, tài liệu, hình ảnh liên quan đến quê hương Hải đội Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn cùng xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh và xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, và những hình ảnh, tài liệu liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam
 
Tượng đài Đội Hoàng Sa đặt trước Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Tượng đài thể hiện nhóm ba người, trong đó; người đứng giữa là Đề công (đội trưởng nhóm ba thuyền trong một lượt ra Hoàng Sa) mặc áo quan triều đình với tấm bia chủ quyền đề bốn chữ “Vạn lý Hoàng Sa”; hai bên là hai dân binh mang giáo và lưới. Tác giả tượng đài là nhà điêu khắc Hà Trí Dũng. Công trình hoàn thành tháng 9.2009. Tượng đài là một biểu tượng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 144