Tư duy đúng khi đánh giá Cát Hung

Lượt xem: 3228
17/8/2024 15:00 - Tư vấn phong thủy
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS HÀ ANH TUẤN Ảnh KHÁNH PHƯƠNG

Trong các trường phái phong thủy phổ biến hiện nay, phái Hình Thế được ứng dụng rộng rãi bởi tính trực quan cụ thể, và ít phụ thuộc vào trình độ Dịch học của người thực hiện (gia chủ hay nhà chuyên môn). Nói nôm na là “nhìn hình đoán ý”, dễ giải thích, dễ nói chuyện hên xui, mà cũng rất dễ… hiểu sai và vận dụng sai.

 
Trên thực tế thị trường bất động sản, một ngôi nhà bị cho là “xui, xấu” về mặt phong thủy hay mang mẫu số chung về mặt hình dáng, quan hệ, bất kể đặc thù công năng, phương hướng, hay bản chất cấu trúc thế nào. Nói cách khác, có một lối mòn trong tư duy của đa số cư dân theo kiểu: nhà nằm ngay ngã ba là xấu, nhà có cột đèn trước cửa là xung sát…!
Tuy nhiên, phong thủy cũng như xem mạch bốc thuốc, xét nghiệm ra bệnh, phải có căn cứ dữ liệu và phân định giải pháp khắc phục. Không có chuyện mặc nhiên thế này là xấu, thế kia là hung như định mệnh khó hóa giải. Cách nghĩ “có kiêng có lành” nhìn đâu cũng thấy hoang mang và “thà giết nhầm hơn bỏ sót” sẽ khiến gia chủ sa đà vào tình trạng lạm dụng vật khí trấn yểm, xoay xở đủ kiểu để mong nhà mình tốt lành hơn. Để thực hành tốt phong thủy Hình Thế, cần bắt đầu từ việc tư duy đúng khi đánh giá Cát Hung cho nhà. 
 
Bài trí tự nhiên giản dị, không cần cầu kỳ khoa trương là thuận theo quy luật, lấy an yên từ gốc thụ cảm của người biết đủ - tri túc 
 
Cát Hung ở đâu chẳng có
Đa số gia chủ đều biết nôm na thế này là đúng, thế khác là sai. Nhưng trong cuộc sống thường nhật bộn bề bao nhiêu vấn đề lo toan, lắm lúc khó phân biệt được cách bố trí ra sao, không gian sinh hoạt thế nào là Cát (tốt) hay Hung (xấu). Rồi lại chuyện trong Hung ẩn Cát, trong Cát tàng Hung, thật giả lẫn lộn vô lường, chẳng ai muốn nhà mình có những chỗ xấu, nhưng mọi vấn đề luôn hàm chứa nhiều mặt, và ngôi nhà là nơi tích tụ đủ thứ tốt xấu như vậy.
Về triết học Đông phương, khái niệm Cát Hung cũng không phải chia ra rạch ròi theo kiểu tốt hay xấu thuần túy. Hung, hiểu đơn giản trong ngôi nhà là những chỗ có phát sinh độc hại (như bếp nấu, hầm phân tự hoại, chuồng nuôi gia súc), chỗ ẩm thấp vì nước nhiều (phòng vệ sinh, giặt phơi) hoặc chỗ ít sử dụng thường xuyên (kho, gầm cầu thang, gian áp mái). Còn Cát là những không gian sinh hoạt chủ chốt như phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng làm việc, sinh hoạt chung… Tuy nhiên chừng đó mới là xét theo công năng cơ bản, vẫn còn những không gian kiểu 50% pha trộn vừa Cát vừa Hung mà phải căn cứ vào quan hệ với không gian khác để phân định theo quy luật Âm Dương tương đối. Ví dụ như chỗ đi lại, nhà xe, giếng trời, hàng hiên, ban công… đều không phải nơi sinh hoạt thường xuyên, nhưng cũng không thể xem như không gian phụ trợ vô ích. Tất cả đều đóng vai trò phụ trợ, chuyển tiếp, nâng cao tiện ích, và kết nối giữa trong ngoài, trước sau, giữa các chỗ chính phụ với nhau. Có gia chủ còn thắc mắc là: Trong nhà xe của tôi để chiếc xe tiền tỷ, là tài sản đắt nhất trong nhà, sao gọi garage là chỗ phụ, là chỗ “Hung” được? 
Thế cho nên, phong thủy cũng không chỉ phân chia Cát Hung của ngôi nhà theo giá trị sử dụng, mà còn quan hệ với cách thức bố trí nội thất và cấu trúc không gian. Chuyện “con gà hay quả trứng có trước” sẽ nảy sinh ở đây: Một không gian có thể mang tính Cát, nhưng cấu trúc và bố trí cơ bản lại Hung, cái nào ảnh hưởng, thay đổi đến cái nào? Ví dụ, gia đình kia không quan tâm tiếp khách, nên vô phòng khách rất sơ sài, bừa bộn, chỉ ngăn nắp sạch đẹp ở phòng ngủ phía sau, vậy về phong thủy phòng khách ít sử dụng thì có cần bài trí cho hợp Ngũ Hành, Âm Dương, Mệnh Trạch gì không? 
Tất cả những ưu tư đó nói lên tính đa diện đa nghĩa của cùng một vấn đề, và phụ thuộc vào quan hệ Thiên - Địa - Nhân của bộ ba thời gian, không gian và con người, không có mẫu số chung áp dụng cho tất cả.
 

  

Những biến tấu đa dạng của bình phong nơi nhà phố, căn hộ… góp phần che chắn, giảm cảm giác xuyên thấu, xung sát… cho nội thất
 
Cát Hung trong từng phương vị
Triết lý Âm Dương trong dịch học chỉ ra rằng: Tốt xấu trong từng không gian cụ thể luôn hợp với quy luật về bản chất của các thành tố và quy luật về quan hệ giữa các thành tố.
Ví dụ phòng ngủ, chỗ đặt giường, đặt tủ đầu giường là vùng Cát, là chỗ dựa yên ổn và ít chuyển dịch va chạm nhất. Còn chỗ để bàn trang điểm với gương soi phản chiếu Hung, lối đi vào vệ sinh, chỗ để tủ quần áo (một dạng kho) là vùng Hung so với chỗ nằm ngủ, bản chất đều là vật dụng, đồ gỗ, sử dụng hàng ngày, nhưng cái này quan hệ với chủ thể khác cái kia. Kệ để đồ trong phòng tắm sẽ Cát hơn so với bàn cầu (theo nguyên tắc Âm Dương tương đối) nhưng lại là Hung hơn so với tủ quần áo bên ngoài phòng tắm. Trong bếp, chỗ đặt bếp nấu là Hung (tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, va chạm…) nhưng vùng trước mặt bếp (mang thức ăn ra vào) là Cát, bồn rửa chén sẽ là Hung so với bàn soạn thức ăn, còn quầy bar là Cát hơn khi so sánh với sàn nước. Tủ lạnh là một dạng kho chứa đồ ăn nên phần Tọa phía sau của tủ là Hung (thường có hệ thống điện, tỏa nhiệt, đóng bụi bặm nhiều) trong khi mặt trước tủ là Cát. Trong phòng khách, những khu vực Cát là ghế salon, bàn tiếp khách, mặt trước tủ trang trí hoặc bình phong, còn Hung là những không gian đi lại, chỗ để giày dép, mặt sau kệ tủ. Cát Hung còn phân định theo bề mặt sử dụng, trong đó bề mặt sàn có thể đi tới được là Cát hơn so với những ngóc ngách ít tiếp cận, hay mặt trên tủ ngang tầm sử dụng là Cát, trong khi mặt gầm tủ là Hung.
Những phân tích có phần chi li như vậy để gia chủ cũng như nhà chuyên môn không  “lăn tăn” khi bài trí không gian, vì chỗ nào cũng đều có thể là Cát hay Hung khi so sánh trong tương quan với sử dụng và không gian. Vấn đề là phải có chính có phụ, biết điểm dừng ở đâu, và không “hoảng sợ” trước các lời đồn phi lý về phong thủy. 
 
Nhà xưa hay nay, những bố trí cây xanh, bậc thềm, che chắn… luôn mang ý nghĩa cầu lành tránh dữ
 
Cát Hung nào phải từ gió và nước
Hiện nay, cách giải thích đơn giản về phong thủy kiểu chiết tự “phong là gió - thủy là nước” dễ đem đến ngộ nhận rằng hễ treo phong linh leng keng là trừ tà, còn đặt hồ nước vào nhà ắt sẽ… tiền vô như nước! Ở thái cực khác, nhiều gia chủ lại ngại đem nước vào nhà, một phần cũng vì những phiền toái khi phải chống thấm, xử lý cấp thoát nước, phần khác là qua những đồn đại Thủy khắc Hỏa kiểu như “nước sẽ dập tắt lửa” trong nhà, làm bếp nguội lạnh làm suy gia đạo(?), hoặc theo kiểu rất cụ thể mà sai lệch như là “tôi mạng Hỏa nên phải kỵ làm hồ nước!”.
Thực ra, ai cũng biết các kiêng kỵ trong phong thủy không hề bất biến cứng nhắc mà có thể linh hoạt điều chỉnh tùy theo thực tế từng nhà, từng người. Hiểu về Cát Hung, gia chủ và người thiết kế sẽ có cơ sở bài trí không gian, sắp xếp vật dụng cho phù hợp ngay từ lúc ban đầu hình thành ý tưởng làm nhà. Ví dụ như cửa sổ và cửa đi phòng ngủ không mở vào giường nằm, nên đặt gương soi và tủ áo về phía cuối chân giường... nhằm tránh tình trạng khó bài trí gây bất tiện trong sinh hoạt, hoặc đập phá phần cứng khi cần phải bổ trí phần mềm. Khi làm khu vệ sinh hay kho, cần lưu ý căn cứ theo phân vị các vùng Cát Hung của nhà, vì khu vệ sinh là thuộc dạng Trường Khí Hung, nên cần đặt trong vùng Hung, đặt khuất tầm nhìn trực diện, tránh phô bày ra giữa nhà, có đủ ánh sáng và thông thoáng… Nếu không đúng những chỉ định đó thì không nên làm, vì mọi sáng tạo cần “nhìn trước ngó sau” để không trở thành dị biệt hoặc quá lố nhất là trong không gian có nhiều người cư ngụ chứ không phải nơi riêng tư của một cá nhân.
Nếu khó có thể tác động đến cấu trúc phần cứng, thì kinh nghiệm phong thủy truyền thống là quan tâm ứng dụng linh hoạt các phần “mềm” như vật dụng, cây xanh, bình phong. Cần hiểu rộng ra bình phong không chỉ là một bức vách di động linh hoạt, mà còn mang nhiều ý nghĩa về sự bảo vệ, che chắn, chỉnh hướng cho nội ngoại thất. Bình phong có thể cố định, có thể phân cách tạm thời không gian giữa trong và ngoài, giữa chung với riêng, giúp giảm tầm nhìn và ngăn cản phần nào gió thổi trực diện, hay che chắn nắng chiếu xuyên phòng. Có thể thấy ở không gian nhà cửa hiện đại, resort hay nhà hàng, khách sạn... mang nét Đông phương, các tấm bình phong đều có biến thể khá phong phú, đôi chỗ kiêm luôn vai trò “tiểu đảo” giao thông ra vào, làm bảng hiệu, làm mảng đặt logo của công trình. 
 

 


Dĩ nhiên sử dụng bình phong không đơn thuần chỉ sao chép nguyên bản, mà còn cần biết sáng tạo trên tinh thần chắt lọc tinh hoa. Sản phẩm nội thất hiện nay có nhiều dạng tủ kệ, lam trang trí mỹ thuật được biến tấu trên tinh thần tấm bình phong vốn có, trở thành điểm nhấn mới mẻ, đem lại những sắc thái mới cho không gian nhà ở trong điều kiện “đất chật người đông”. Ở mức độ đơn giản, bình phong có thể là dạng lam đứng hoặc ngang, che chắn nhưng không ngăn cách Nội khí luân chuyển. Mức độ biến tấu nhiều hơn thì bình phong sẽ kết hợp với quầy bar, bàn bếp hay bàn làm việc tạo thành các nhóm giải pháp đồ đạc liên hoàn với nhau, và không chỉ bó hẹp bằng gỗ hay xây gạch, mà còn sử dụng chất liệu kim loại, kính nghệ thuật, cây xanh… khá phong phú.
 Đã mang phận con người trong kiếp nhân gian đủ thứ bất trắc khó lường thì mặc nhiên có thể hiểu nỗi lo đón lành tránh dữ là lẽ đương nhiên. Nhưng giữa vấn đề nhận thức đúng sai về phong thủy với dị đoan, bố trí mang màu sắc mê tín, lo sợ vu vơ… thì lại hoàn toàn khác. Sợ con đường đâm vào trước mặt nhà, sợ góc tủ hướng xiên trong phòng…là những nỗi sợ có thật, và tồn tại bao nhiêu năm qua. Còn bám víu vào những diễn giải nặng tính biểu tượng dân gian truyền khẩu “nghe đồn” thì sẽ còn tự mình làm khổ mình trước vô số những sự vật hiện tượng chỉ thuần túy là lớp vỏ bên ngoài. Như con đường hướng vào cửa chính, liệu đã xem xét cụ thể đường ấy rộng hẹp bao nhiêu, cảnh quan dọc hai bên thế nào, hướng nắng, hướng gió, tiếng ồn và bụi bặm có gì khác thường, và bản thân nhà mình đã được thiết kế, thi công đúng chuẩn kỹ thuật, đã được che nắng chắn mưa hiệu quả, đã được sắp xếp công năng phù hợp chưa? Xét đủ và đúng các thông số liên quan thì một vấn đề luôn hàm chứa nhiều hướng giải quyết, nhiều mức độ thay đổi, và quan trọng nhất vẫn là từ khả năng nhận thức, đánh giá của mỗi người. 
 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 218