Nhưng cái cảm giác “đi chợ tết” để được xem, được chạm, được nếm, được chen chúc, được hòa mình trong không khí náo nhiệt, chộn rộn mua sắm để đón xuân thì chỉ chợ tết truyền thống mới có. Trung niên trở lên háo hức chờ chợ tết để đắm mình trong hồi ức thưở nhỏ được đi chợ với cha mẹ, ông bà, được trò chuyện với người lạ khác quê về món ngon quen thuộc. Giới trẻ ngày nay chờ chợ tết để check-in, để khoe cùng bạn bè nét xuân đẹp-độc-lạ của nơi mình đang sống, mình đang đến…
Sài Gòn hiện có khoảng 234 ngôi chợ (theo số liệu Sở Công thương TP.HCM) vẫn đang kinh doanh theo kiểu quầy - sạp truyền thống. Những ngày giáp tết, chợ bừng lên sức sống khác hẳn kiểu chen chân mua sắm ở siêu thị. Chợ tết chính là là cầu nối đặc sản vùng miền, cầu nối những thân tình gắn bó của người dân. Chợ tết mang đậm sắc màu không thể lẫn vào đâu.

Chợ người Hoa
Chợ Phùng Hưng, nằm góc đường Nguyễn Trãi - Phùng Hưng (quận 5). Không gian chợ cũ kỹ, dường như bao năm vẫn thế. Ngay ở góc ngã tư bắt đầu bày bán các loại bánh cúng, bánh dịp tết của người Hoa như bánh bánh tổ, bánh trái lựu hoặc bánh phát tài, bánh lá liễu… Bánh rực rỡ màu sắc, thường được các công ty đặt hàng để cúng kiếng dịp tất niên và khai trương.
Bánh tổ (hay còn gọi là bánh niên cao) là một loại bánh truyền thống chúc tết của người Hoa, giống như món bánh chưng, bánh tét của người Việt. Bánh được làm từ gạo nếp và đường, và là một món không thể thiếu trên bàn cúng và trong nghi lễ. Ăn bánh niên cao vào những ngày tết sẽ được coi là may mắn vì cách đọc “niên cao” mang ý nghĩa “nhiều tuổi hơn,” vì thế thể hiện lời chúc về một năm mới khỏe mạnh và đắc thọ.
Được gọi là “chợ nhà giàu”, chợ Xã Tây cũng nằm trên trục đường Nguyễn Trãi như chợ Phùng Hưng. Cái chợ nhỏ xíu nhưng bán trăm món ngon. Mọi người có thể mua những món ăn có tuổi đời gần trăm năm từ những gia đình người Hoa như các loại lạp vịt, lạp xưởng, lạp tôm, lạp thịt ba chỉ, lạp gan heo gia truyền. Món khá nổi tiếng ở chợ này là bánh củ cải, món bánh cúng cuối năm, đầu năm của người Hoa.
Những món ăn tết truyền thống của người Hoa thường được bán suốt từ trước đến sau tết. Nhiều gia đình người Hoa luôn mua lạp xưởng vào những ngày này, vì ăn lạp xưởng để bắt đầu năm mới sẽ được may mắn, giàu sang.
Đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) nổi tiếng lâu nay bởi các gian hàng bán phong bao lì xì, câu đối treo tết, đồ trang trí tết, tượng ông Phúc Lộc Thọ… Những ngày cuối năm, các cửa hàng trở nên sáng rỡ hơn và mặt hàng cũng phong phú hơn với bao lì xì, hồng đơn, liễn đỏ, lồng đèn, đồng tiền, ông Phúc Lộc Thọ... đủ kiểu dáng. Cách tết chừng một tháng, cung đường này đã nhộn nhịp cảnh mua - bán khiến cả một góc phố dài rực sắc đỏ.

Chợ xứ Quảng
Những người con xứ Quảng muốn hít thở hương vị tết quê nhà, muốn được nghe giọng Quảng thường tìm đến chợ Bà Hoa. Những ngày giáp tết, chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) luôn nhộn nhịp cảnh người bán, người mua từ sáng sớm đến tận tối. Những gian hàng thường ngày chỉ bán mì Quảng, cao lầu, bánh tráng, bánh thuẩn… thì nay có thêm những cây bánh in vàng rực để cúng bàn Phật, hay những cây bánh ngũ sắc để cúng ông bà, tổ tiên.
Chợ Bà Hoa có lịch sử hình thành vào thập niên 60 của thế kỷ trước, cư dân từ các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam di cư vào vùng Bảy Hiền ở Sài Gòn. Trải qua thời gian, nghề dệt Bảy Hiền ngày nay đã mai một đi khá nhiều nhưng khu này vẫn được xem là một trong những khu người Quảng lớn nhất ở TP.HCM. Hiện chợ Bà Hoa được đổi tên thành chợ Phường 11, nhưng trong tâm trí của người bán và người mua, cái tên Bà Hoa vẫn còn rất quen thuộc.
Trong dịp tết, bánh thuẫn là một trong các loại bán rất đắt hàng, có tiểu thương phải làm cả ngày lẫn đêm mới đủ số lượng bán cho khách. Kế bên lò than nướng bánh tráng là những lò bánh thuẫn được nướng bán tại chỗ. Bánh thuẫn có thành phần khá giống bánh bông lan, nhưng mịn - chắc hơn. Qua thời gian, kinh tế phát triển, những chiếc bánh thuẫn được đúc thủ công đã dần dần bị thay thế bởi nhiều loại bánh kẹo nhìn bắt mắt, phong phú hơn. Khai trương, giao thừa hay đầu năm, mọi người thường chọn loại bánh này để cúng ông bà, tổ tiên.
Chợ Bà Hoa còn có đủ các sản vật chuẩn vị miền Trung như củ nén, bánh tráng, bánh nện, dừa khô, mắm cái, mằm cà, chả bò... Củ nén có mùi thơm đặc trưng mà hễ nấu mì Quảng, hay làm nước chấm mắm cái thì không thể thiếu nó. Đây là ngôi chợ hiếm hoi trong TP.HCM bán mì Quảng thái tay với lớp dầu phộng đặc trưng, hay bánh ướt phết dầu phộng-hành-hẹ, bánh đập chấm mắm cái cay ngót lưỡi.

Chợ của Sài Gòn
Chợ Bến Thành luôn là điểm dừng chân mua sắm thú vị cho những ai có dịp đặt chân đến Sài Gòn và là một trong những ngôi chợ lâu đời nhất ở đây. Đến với chợ Bến Thành dịp này, nhiều du khách, thậm chí cả dân địa phương đều thích thú bởi những mặt hàng đặc trưng ngày tết là bánh mứt, trái cây sấy, trái cây tươi các loại của mọi vùng miền. Chợ Bến Thành (hay còn được gọi là chợ nhà giàu), hàng hóa có mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, luôn là loại hàng cao cấp, nhưng giá cả khá cao.
Chợ An Đông là một trong những chợ trung tâm của thành phố và là nơi bán sỉ quần áo lớn nhất TP.HCM. Với hơn nửa thế kỷ tồn tại, chợ An Đông là nơi cập nhật các hàng mẫu mã thời trang như quần áo, giày dép, vải vóc… nhanh nhất. Những mặt hàng kinh doanh chính bao gồm giày dép, quần áo may sẵn và vải. Quần áo ở các trung tâm này đa phần đều lấy nguồn từ Quảng Châu, Thái Lan, xưởng may gia công nên có nhiều mặt hàng từ cao cấp đến bình dân.
Chợ Bà Chiểu được biết đến là một trong những ngôi chợ bán lẻ lớn và lâu đời nhất vùng Gia Định của Sài Gòn. Đây là điểm đến lý tưởng của chị em phụ nữ bởi mặt hàng đa dạng, phong phú. Chợ có 3 khu bán quần áo: trong lòng chợ, chợ đồ si phía sau (bán ban ngày) và chợ đêm phía trước (bán buổi tối) với giá cả bình dân.
Chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) nổi tiếng là nơi chuyên bán thực phẩm Bắc. Ở chợ này mới có thể tìm thấy măng lưỡi lợn, hoặc nếp cái hoa vàng, hoặc miến dong… Từ trong nhà lồng, lan ra các con đường ven chợ đều có các món đặc sản từ Bắc đưa vào hoặc do người Bắc làm tại Sài Gòn, mang đậm vị Bắc như thịt đông, giò thủ, dưa hành, chè kho, chè lam…
Gần kề với chợ Phạm Văn Hai còn có chợ lá dong mỗi năm chỉ họp 1 lần vào dịp tết. Chợ nằm ngay góc ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Chợ chỉ họp khoảng 10 ngày trước tết, và thời gian tấp nập nhất từ khoảng 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. Chỉ có ở đây mới bày bán đủ loại lá dong tươi, lạt, khuôn cho những người muốn gói bánh chưng kiểu Bắc.

Chợ Hoa tươi Sài Gòn
Chợ hoa Sài Gòn không chỉ là nơi mua - bán mà còn là nơi lưu giữ những nét đẹp bình dị của một thành phố hoa lệ. Trong dịp tết Nguyên Đán, chợ hoa là nơi để các gia đình đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của hoa và check-in để có những post ảnh đáng nhớ.
Sài Gòn có 3 chợ hoa bán sỉ khá lớn là chợ hoa Đầm Sen, chợ hoa Hậu Giang và chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Những chợ hoa này có điểm chung là mang đặc tính của Sài Gòn - “không bao giờ ngủ”. Thậm chí, nhiều chợ hoa chỉ thực sự nhộn nhịp vào khoảng thời gian từ nửa đêm cho đến sáng.
Trong số địa điểm nhộn nhịp nhất vào dịp tết Nguyên Đán không thể thiếu khu chợ hoa Hồ Thị Kỷ bởi đây là khu chợ hoa đầu mối lớn nhất tại Sài Gòn. Chợ hoa nằm ẩn mình trong khu chung cư Lê Hồng Phong (quận 10), được bao bọc bởi những tuyến đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ. Khu chợ gần 30 năm tuổi, là đầu mối cung cấp hầu hết các loại hoa đẹp chuyển về từ Hà Nội, miền Tây và nhiều nhất là Đà Lạt. Đi chợ hoa nên bắt đầu từ sau 10 giờ tối để hít hà các hương thơm ngát từ muôn hoa đang đổ về trong bầu không khí mát lạnh thời tiết đón xuân.
Chợ hoa Đầm Sen là một trong những chợ hoa lớn ở Sài Gòn, được thiết kế theo mô hình hiện đại và công nghiệp. Chợ có khoảng 60 sạp trong nhà và nhiều sạp bày bán phía bên ngoài. Nơi đây có rất nhiều loại hoa hiếm và có giá bán cao, thậm chí được nhập từ nước ngoài. Do là chợ đầu mối nên giá bán tại chợ hoa Đầm Sen được đánh giá là rẻ hơn so với thị trường
Chợ hoa Hậu Giang cũng là một trong những chợ hoa Sài Gòn nổi tiếng, được nhiều người yêu thích. Chợ được thành lập vào năm 2005 với quy mô lớn, sau đó chuyển về dưới cầu Hậu Giang nên không gian chợ bị thu hẹp lại. Nơi đây có nhiều loại hoa khác nhau, chủ yếu được nhập từ Đồng Tháp, Tiền Giang, Đà Lạt.
Ngoài 3 chợ hoa lớn kể trên thì trong dịp tết Nguyên Đán, Sài Gòn còn có chợ hoa online và nhiều chợ hoa khác cũng rực rỡ và náo nhiệt không kém.
Có thể kể đến chợ hoa công viên 23 tháng 9 vẫn thu hút nhiều du khách tới tham quan, vãn cảnh. Vào những ngày cuối năm, nơi đây bày bán các loại hoa tết như: hoa lan, hoa mai, hoa cúc… và cây kiểng bonsai với mức giá ưu đãi.
Chợ hoa Bến Bình Đông với hình thức “trên bến dưới thuyền” đang được chính quyền TP.HCM đẩy lên thành sự kiện thu hút khách hàng năm. Cứ đến ngày 23 tháng chạp cho hết 30 tết, khu chợ này lại mở bán những chậu hoa rực rỡ được trồng và vận chuyển từ các làng hoa miền Tây có tiếng. Do đó, dù nằm hơi xa trung tâm nhưng người dân vẫn kéo nhau đến đây để ngắm và lựa chọn cho mình những chậu hoa đẹp nhất về trưng tết.
Chợ hoa công viên Gia Định có sức chứa lên đến 800 gian hàng lớn nhỏ. Ngoài ra, giá hoa ở đây được các nhà vườn thống nhất, giữ ổn định qua từng năm. Do đó, nơi đây được đánh giá là chợ hoa tết dễ mua sắm.
Chợ hoa mai Bình Lợi là một trong những chợ hoa TP.HCM đặc biệt và độc đáo nhất do chỉ bán duy nhất một loài hoa - hoa mai. Với nhiều kích thước, kiểu dáng và mức giá, bạn có thể dễ dàng lựa chọn một chậu hoa mai rực rỡ, đẹp mắt để về trang trí, mang đến không khí vui tươi trong dịp tết Nguyên Đán.
Chợ hoa xuân Bình Điền với sự góp mặt của nhiều nhà vườn có tiếng, nơi đây có nhiều loại hoa đa dạng như: hoa mai, cúc thược dược, hoa lan, hoa hồng… cùng các loại cây kiểng bonsai đẹp mắt.
Chợ hoa tết công viên Lê Thị Riêng với hàng trăm gian hàng dọc theo đường Cách Mạng Tháng 8, đã tạo nên một con đường hoa rực rỡ sắc màu. Đây là điểm check-in mang không khí tết nhộn nhịp, vui tươi
Chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng sở hữu vị trí đắc địa, khu chợ nằm cạnh hồ Bán Nguyệt thơ mộng - biểu tượng của quận 7. Nơi đây trưng bày rất nhiều loại hoa tết quen thuộc, điểm check-in của hàng ngàn bạn trẻ khu đô thị mới quận 7 và vùng phụ cận đổ về.

Cảm giác đi chợ tết để được xem, được chạm, được nếm, được chen chúc, được hòa mình trong không khí náo nhiệt, chộn rộn mua sắm để đón xuân, thì chỉ chợ tết truyền thống mới có
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 200