Công viên Phúc Lộc Thọ và câu chuyện không gian chung của khu phố

Lượt xem: 1734
13/8/2024 15:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống

Lời tòa soạn: Cuộc thi “Ngôi nhà thân yêu” đã khép lại. Tại lễ trao giải, các tác giả nêu đề xuất KT&ĐS nên duy trì mục này để bạn đọc có thể thường xuyên chia sẻ câu chuyện về ngôi nhà thân yêu của mình và rộng hơn là không gian sống, nơi cư ngụ. KT&ĐS vừa nhận được chia sẻ của bạn Tám Anh ở khu dân cư Phong Phú 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh về một không gian chung là công viên khu phố được hình thành từ ý tưởng chung của cư dân. Xin giới thiệu cùng bạn đọc. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được nhiều bài viết của bạn đọc gần xa.

 
Công viên Phúc Lộc Thọ được hình thành theo cách nhà nước - chủ đầu tư và nhân dân cùng làm, cùng chăm sóc, tạo thành một không gian chung để sinh hoạt cộng đồng góp phần nâng cao mức sống của người dân
 
Đi trên Quốc lộ 50 hướng từ cầu Nhị Thiên Đường về đại lộ Nguyễn Văn Linh, tới ngã ba đường số 10 rẽ tay mặt gần 500 mét qua địa phận xã Bình Hưng sẽ tới khu dân cư Phong Phú 5. Đây là nơi cư trú của gần 700 gia đình, đa số là dân từ các quận 1, 5, 10 và một số tỉnh chung quanh Sài Gòn. Lý do thì nhiều, nhưng chủ yếu để đi làm cho gần, con cái tiện việc học hành và người già có nơi ở thoáng mát rộng rãi. 
 Khu dân cư Phong Phú 5 nằm trong ấp 5, xã Phong Phú có địa giới ngăn cách với khu dân cư Bình Hưng phía ngoài thuộc xã Bình Hưng bằng một con rạch có tên là Rạch Bà Lớn sát bên phường 6 quận 8. Rạch Bà Lớn ngoằn nghèo ôm khu dân cư này vào trong, giống như một ốc đảo, chỉ có một lối vào là đường số 10 vắt ngang rạch, có thủy triều lên xuống mỗi ngày.
 Vừa vào địa phận khu dân cư khoảng 50 mét gặp ngã tư đường số 10 - đường Rạch Bà Lớn, khách rẽ tay mặt thêm 30 mét sẽ gặp ngay một khung cảnh đẹp: công viên Phúc Lộc Thọ, niềm vui của hơn năm chục gia đình trên các con đường xung quanh đó.
“Sự tích” công viên  Phúc Lộc Thọ khởi đầu từ năm 2006. Nhu cầu tập thể dục, đi bộ, rèn luyện cơ thể, bảo vệ sức khỏe của bà con khu dân cư Bình Hưng kế cận và các gia đình về cư ngụ tại khu dân cư Phong Phú 5 rất lớn. Hàng ngày, từ sớm tinh mơ và các buổi chiều tối, rất nhiều người đến khu đất dự tính làm công viên để tập luyện trong cảnh hoang sơ buổi đầu. Nhưng rồi khu dân cư ngày càng đông đúc, đẹp đẽ. Mọi người quen nhau, kết thành từng nhóm có lúc đông tới vài chục người để tập dưỡng sinh, đá cầu, đi bộ, tập thể dục nhịp điệu... Dần dần, đây là hình ảnh quen thuộc như “chuyện thường ngày ở huyện” theo lối nói vui của mọi người.
Đến khoảng năm 2009, các gia đình về đây xây nhà đông hơn nữa. Khu dân cư Phong Phú 5 trở thành cái tên quen thuộc ở địa phương. Nhắc đến tên khu dân cư này, người dân tại chỗ và giới taxi, xe ôm, xe buýt không còn lạ. 
Cái tên gọi bắt đầu từ câu chuyện của gia đình ông bà Huỳnh Tiên (tên đã thay đổi) ở đầu đường 10A. Hàng ngày, bà Tiên để ý thấy có ba ông già cứ đúng 6 giờ 30 đi qua trước cửa, như chiếc đồng hồ luôn chạy đúng giờ. Bà nói vui với ông: Anh nhìn coi, ba ông già này trông y như ba ông Phúc - Lộc - Thọ. Ông chồng thấy... có lý, bèn đem chuyện kể lại cho nhiều người cùng nghe. Câu chuyện trở thành chuyện vui trong bàn trà sáng ở công viên mỗi ngày của hơn chục ông bà tuổi từ 50 đến 80.
 
Trong không gian sinh hoạt cộng đồng, cư dân khu phố tham gia sinh hoạt chung tạo nên mối quan hệ thân thiết “bán anh em xa mua láng giềng gần” giúp bà con gắn bó với nhau, gắn bó với khu phố

 Từ câu chuyện gợi ý, ba ông già “tình nguyện” trở thành ba ông Phúc - Lộc - Thọ trong mắt mọi người từ đó. Mỗi người góp một ý, câu lạc bộ Phúc Lộc Thọ được hình thành với sự tham gia tích cực của bà con chung quanh công viên. Gần thì có đường Rạch Bà Lớn, đường sô 9, đường 10A, đường 10B. Xa hơn một chút thì có đường 10, đường 18 và đường 21. Từ đó câu lạc bộ (CLB) này tự nguyện đứng ra liên hệ với chính quyền để giải quyết những vấn đề “nhỏ mà lớn” của khu dân cư như điện, nước, rác, môi trường sống, an ninh trật tự, an toàn đi lại... Mọi sinh hoạt đều có quỹ hỗ trợ tự nguyện, do các nhà hảo tâm giúp đỡ và các thành viên CLB đóng góp. Tuy không nhiều lắm, nhưng “kinh phí” này đã được sử dụng đúng cách, trong sáng và hiệu quả.
Ngày 19.9.2015, công viên Phúc Lộc Thọ chính thức được bà con công nhận, một bia đá có chữ vàng được đặt giữa công viên với 5 trụ đèn trùm, 2 đường dẫn nước tưới cây cỏ, 3 bộ bàn ghế đá, 5 máy tập thể dục... do chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm trang bị. Ngày càng có nhiều người đến tập tành, vui chơi. Từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, công viên Phúc Lộc Thọ luôn vang tiếng cười đùa của bà con cư dân.
Trong khu phố, CLB Phúc Lộc Thọ còn thực hiện được nhiều việc thuộc công tác quản lý đô thị như lắp đặt bảng thông tin chỉ đường, vận động mỗi nhà một thùng rác theo mẫu chung, tổ chức chăm sóc cây xanh, thảm cỏ công viên...
Công viên Phúc Lộc Thọ trở thành điểm đến quen thuộc, sạch sẽ, an toàn thân thiện của toàn thể cư dân. Bà con hàng ngày gặp nhau ở công viên tổ chức thêm nhiều hoạt động khác như thăm hỏi nhau khi có việc, tổ chức liên hoan vào những dịp thuận tiện trong năm. Công viên trở thành không gian cộng đồng tô đậm nghĩa tình hàng xóm. Nhiều người vì hoàn cảnh phải chuyển đi nơi khác sinh sống  vẫn nhớ công viên Phúc Lộc Thọ, lâu lâu có thời gian quay lại thăm bạn bè, bà con như người đi xa trở về.
 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 218