Dự án lấn biển Cần Giờ: Không thể làm mò với khu dự trữ sinh quyển thế giới

Lượt xem: 10665
30/9/2019 0:00 - Chuyên đề
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài Hy Hưng ảnh Đỗ Trọng Danh

Thời gian qua, một số phương tiên truyền thông đã đề cập đến Dự án lấn biển Cần Giờ mà KT&ĐS tháng 3.2019 đã thông tin là TP.HCM “dự kiến tăng quy mô lên 2.780 ha so với 600 quy hoạch cũ”. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, KT&ĐS đã phỏng vấn KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiế trúc sư TP.HCM xung quanh thông tin này

 
 
“Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xem xét lại dự án này, đánh giá đầy đủ các tác động của nó đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và ĐBSCL”. (Trích từ bài “Cần đánh giá đầy đủ các tác động đến sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và ĐBSCL” của GS Nguyễn Ngọc Trân - Báo viettimes.vn ngày 27.8.2019)
 
 
Dự án “Khu du lịch đô thị biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha” lại được báo chí đề cập đến. Xin ông hãy đánh giá chung về vấn đề này
Trước hết, cá nhân tôi cho rằng phát triển kinh tế, xã hội của Cần Giờ là chủ trương đúng. So với Hà Nội thì TP.HCM có lợi thế là thành phố có biển nhưng dường như thế mạnh của biển đối với kinh tế, xã hội chưa được khai thác hết. Cần Giờ có vai trò rất quan trọng đối với thành phố nhưng kinh tế chưa phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thành phố ta cần phát triển đồng bộ, không thể bỏ quên một địa phương hoặc một lãnh vực nào. Ngoài vai trò với địa phương Cần Giờ, việc phát triển Cần Giờ có thể còn tạo ra động lực tác dụng tích cực đối với kinh tế, xã hội thành phố. Tuy nhiên, không thể vì mục tiêu phát triển mà coi nhẹ các yếu tố khác. 
 
Xã đảo Thạnh An

Đã xuất hiện dư luận cho rằng báo cáo tác động môi trường của Dự án chưa làm thỏa mãn giới khoa học, các nhà nghiên cứu
Dư luận đó là có thật và có lý. Quan trọng nhất là ảnh hưởng đến thiên nhiên. Trong các cuộc họp về dự án, tôi đã từng phát biểu vấn đề này. Xin nhắc lại, khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ là buồng phổi cho thành phố và cả khu vực. Vì vậy việc làm khu đô thị lấn biển Cần Giờ ảnh hưởng đến môi trường như thế nào cần phải được đánh giá tổng hợp, trên nhiều phương diện và phải chính xác, chặt chẽ. Các yếu tố như khi đổ đất san lấp lấn biển với khối lượng lớn như vậy có làm dâng nước biển không, có làm thay đổi dòng chảy ở cửa sông, có tạo ra xói mòn không; đó là chưa kể ta lấy đất ở đâu để san lấp; với lượng người cư trú thường xuyên và vãng lai như dự kiến thì lượng cacbon thải ra rất lớn ảnh hưởng đển khu dự trữ sinh quyển ra sao? Rồi hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, rồi cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải… tất cả đều phải được nghiên cứu kỹ. Nếu chúng ta chưa có kinh nghiệm và thực lực để đánh giá tác động của một dự án đô thị lấn biển quy mô lớn như vậy, tôi ủng hộ việc thuê chuyên gia hoặc tư vấn nước ngoài đánh giá. Báo cáo tác động môi trường của Dự án chưa thuyết phục được các nhà khoa học và nghiên cứu thì phải phải bổ sung đến lúc có đủ cơ sở thuyết phục mới làm dự án. Ta không thể làm theo cách mà Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án ghi rằng “trường hợp xảy ra sự cố, gây tác động lớn đến hệ sinh thái và môi trường phải dừng ngay các hoạt động của dự án để khắc phục, điều chỉnh biện pháp bảo vệ môi trường”. Làm như vậy là làm mò. Ta không thể làm mò với Cần Giờ, với khu dự trữ sinh quyển thế giới. 
 
 
Ảnh chụp màn hình báo nguoidothi.net là cơ quan của viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - Tổng hội xây dựng Việt Nam. Trong bài báo có dẫn lời TS Vũ Ngọc Long chủ tịch hội đồng khoa học viện sinh thái miền Nam nhận xét về dự án

Ông vừa nhắc đến quy mô của dự án. Có thể nói gì dưới góc độ quy hoạch - kiến trúc cho dự án này?
Ta có thể so sánh cụ thể, khu A đô thị Phú Mỹ Hưng rộng 406 ha, đô thị mới Thủ Thiêm là 703 ha và dự kiến đô thị lấn biển Cần Giờ là 2.780 ha, gấp hơn 6 lần Phú Mỹ Hưng và gần 4 lần Thủ Thiêm. So sánh như vậy để thấy quy mô dự án và tầm ảnh hưởng của dự án đô thị lấn biển Cần Giờ đối với thành phố là rất lớn. 
Dưới góc độ kiến trúc - quy hoạch, dự án cần phải được đánh giá toàn diện cả về tự nhiên và xã hội. Về tự nhiên - môi trường thì đã đề cập ở trên. Về xã hội, đô thị lấn biển Cần Giờ dự kiến có quy mô dân số 228.506 người và khách du lịch khoảng 8,887 triệu lượt người/năm. Đây là một đô thị với dân cư mới, thậm chí có thể gọi là một xã hội sang trọng mới bên cạnh khu dân cư của Cần Giờ cũ với đời sống kinh tế, trình độ văn hóa, kỹ thuật chưa cao. Đó là sự biến động về con người, về xã hội. Và những người dân ở đây có thể tham gia làm dịch vụ. Nếu thành công thì tốt nhưng cũng có thể người địa phương không đáp ứng được thì sẽ có một lượng người ở các nơi khác đến. Như trường hợp Mũi Né thu hút người phục vụ ở Phan Thiết và vùng lân cận. Cần Giờ là đô thị dịch vụ có khoảng cách khá xa so với trung tâm thành phố, số người đến phục vụ không ít và cũng phải hình thành một đô thị đệm cho họ. Như vậy ở Cần Giờ không thể chỉ xây khách sạn, resort, căn hộ để bán mà còn phải có cả trường học, bệnh viện… Tất cả những điều này cũng cần phải được thẩm định.
 
Chủ đầu tư nhận thức khá rõ các tác động tiêu cực lên môi trường. Đã vậy, xin đừng triển khai khi chưa làm rõ tác động, xin đừng bắt xã hội, thế hệ này và các thế hệ mai sau, phải trả lãi cho phần mà nhà đầu tư vay từ Môi trường”. (Trích từ bài “Ba vấn đề trong dự án đô thị du lịch Cần Giờ” của GS Nguyễn Ngọc Trân - Báo Đất Việt 25.5.2019)
 

Như KT&ĐS đã từng thông tin, trong Tờ trình 5322/TTr-UBND ngày 19.11.2019 trình Thủ tướng chính phủ về “chủ trương điều chỉnh tổng thể đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025” của UBND thành phố có đề cập đến biện pháp “đấu thầu quốc tế chọn tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố”. Tờ trình này cũng nêu dự kiến đô thị lấn biển Cần Giờ được nâng lên quy mô 2.780 ha so với quy hoạch cũ chỉ là 600 ha. Phải chăng việc nghiên cứu quy hoạch này cũng nằm trong chủ trương “điều chỉnh quy chung của thành phố đến năm 2015”?
Đúng như vậy, dự án lấn biển Cần Giờ là một phần của điều chỉnh quy hoạch chung. Như tờ trình 5322 đã nêu và chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc, sau khi đấu thầu quốc tế, thành phố cần đặt hàng nhà tư vấn (có thể là vấn nước ngoài) đã trúng thầu nghiên cứu tư vấn điều chỉnh quy hoạch thành phố. Việc đi sâu và đánh giá tác động trường là thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng tư vấn cần đánh giá chung về tổng thể kinh tế - xã hội khi ta quy hoạch mở rộng đô thị này. 
 
Không thể chấp nhận được”
“Quyết định số 220/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 28.1.2019, phê duyệt nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ. Dù phê duyệt, nhưng Quyết định 220/QĐ-BTNMT còn “đính” thêm tới 15 điều kiện kèm theo, trong đó có nhiều điều kiện là “tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động”! Mục 3.6 của Quyết định phê duyệt nêu: “trường hợp xảy ra sự cố, gây tác động lớn đến hệ sinh thái và môi trường phải dừng ngay các hoạt động của dự án để khắc phục, điều chỉnh biện pháp bảo vệ môi trường”. TS. Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh thái miền Nam đánh giá, đây là một điều “không thể chấp nhận được”.
(Trích từ bài “Lấn biển Cần Giờ 2.870 ha: Chưa đánh giá hết tác động nhưng vẫn trình Thủ tướng phê duyệt”, Báo Người Đô Thị 30.8.2019)
 
 
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần giờ
Năm 2016, công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ trình UBND TP.HCM Dự án “Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2870 ha”. Ngày 17.4.2017 Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh, bố sung quy hoạch ven biển tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh huyện Cần Giờ. Ngày 5.9.2018, UBND TP.HCM duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha. Ngày 29.11.2018, UBND TP.HCM có tờ trình 5322 về “Chủ trương điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạchh chung xây dựng TP.HCM” trong đó có nội dung “dự kiến mở rộng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ thành 2.870 ha”. Ngày 28.01.2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo tác động môi trường của Dự án “Khu du lịch biển Cần Giờ, quy mô 2.870 ha” được lập bởi Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ. Ngày 23.3.2019, UBND TP.HCM có văn bản 1049/UBND-DA gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, thẩm định và ngày 16.5.2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng kiến nghị xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. 
Tổng diện tích 2.870 ha được xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với biển hồ nhân tạo 872 ha. Quy mô dân số là 228.506 người và khách du lịch khoảng 8,887 triêu lượt người/năm. Dự kiến sẽ dẫn về dự án 100.000 m3 nước ngọt/ngày đêm; sẽ san lấp với 122 triệu m3 cát; sẽ nạo vét 11 triệu m3 đất bãi triều để làm khu vực biển hồ nhân tạo; sẽ xây dựng 21 km kè bờ biển với 2,5 triệu m3 đá hộc các loại; đưa về 1 triệu m3 cát trắng…
Hiện dự án đang chờ được cập nhật vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2030, trình duyệt theo quy định và chỉ khi được duyệt mới được phép triển khai. (KT&ĐS tổng hợp)

 
 
Thông tin liên quan:
 
Về dự án này theo báo Phụ Nữ, mới đây Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương điều chỉnh mở rộng dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, trong đó lưu ý sáu nội dung quan trọng. Mời bạn đọc tạp chí KT&ĐS quan tâm có thể tham khảo thên thông tin qua đường link sau:  https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/thu-tuong-yeu-cau-danh-gia-doc-lap-doi-voi-du-an-lan-bien-can-gio-172246/