Đưa nhà cổ về phố

Lượt xem: 1046247
2/10/2020 10:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài Hồng Dương ảnh Phan Quang

Không biết đích xác ai là người khởi xướng thú chơi đưa những ngôi nhà cổ từ các vùng quê xa xôi về giữa lòng Sài Gòn, nhưng có khá nhiều ý kiến cho rằng, thú chơi nhà cổ xuất phát từ chút hoài niệm của những người con khắp nơi tha hương vào Sài Gòn lập nghiệp. Vừa thoả mãn sự hoài hương, với các loại danh mộc, cái giá đựơc nâng dần lên và tự nhiên nó trở thành thú chơi dành cho những người có điều kiện.

 
Một loại “nhà mẫu” xuất hiện trên thị trường
 
Đồ gỗ cổ: từ bàn ghế đến nhà cửa
Thi thoảng trên các tuyến đường lớn trong thành phố, xen lẫn giữa những dãy nhà bêtông cao tầng đủ kiểu dáng, theo đủ trường phái kiến trúc thế giới, là những ngôi nhà giống như ở vùng quê nào đó của người Việt với cột, kèo, rui, mè, những cổng tam quan, mái ngói âm dương...
Rất nhiều người gọi theo thói quen của người bán là “nhà rường”. Tất cả những mẫu nhà cổ được phục chế đều được gọi là “nhà rường”. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn thì “rường” chỉ là một trong nhiều kiểu nhà cổ. Từ “nhà rường” để chỉ dạng nhà cổ xuất phát từ Huế. Bên cạnh những mẫu nhà rường, “chợ” nhà cổ còn có đủ kiểu nhà đến từ miền Tây, miền Bắc, từ vùng cao nguyên Trung bộ Một người bán giải thích, đến bây giờ, nhà rường Huế đã trở nên hiếm. Để có thể dựng lại một ngôi nhà rường nguyên mẫu, phù hợp với sở thích thì thường người mua phải “săn” từ 2 - 3 căn về ghép lại mới hoàn thiện. Từ khi nguồn sản phẩm trở nên khan hiếm, người có sở thích làm nhà cổ bắt đầu quay qua sưu tầm những ngôi nhà cổ từ nhiều vùng khác nhau.
Tại khu vực xã Đông Thạnh, Hóc Môn, số lượng nhà xưởng, cửa hàng kinh doanh đồ gỗ cổ không lớn, song mẫu mã sản phẩm lại hết sức quy mô, đa dạng.
Tuy không nhiều, song những cửa hàng trên đường Lê Văn Khương, xã Đông Thạnh, Hóc Môn đang là nơi bán sỉ các sản phẩm nhà cổ khá nổi tiếng. Chúng tôi tìm đến cửa hàng anh Dũng, một trong những địa chỉ bán hàng khá bình dân trong làng. Quy mô cửa hàng không lớn, song sản phẩm của anh Dũng khá phong phú. Giá một bộ bàn ghế được giới thiệu có tuổi gần 100 năm, được làm từ loại gỗ mật gõ, còn khá nguyên vẹn với một ghế sofa lớn, hai ghế rời, một bàn lớn được định giá 15 triệu đồng. Sát bên là cái tủ thờ còn khá đẹp, cũng được làm từ loại gỗ mật gõ được ra giá cũng 15 triệu đồng. “Giá tui ra là “mềm” nhất rồi, khó mà kiếm được cái tủ nào 100 tuổi mà còn hoàn hảo thế này. Chỉ cần tút sơ lại một chút là coi như mới”, anh Dũng giới thiệu. Không chỉ có bàn, tủ, ghế... cửa hàng còn có rất nhiều cột gỗ tròn nguyên trạng chưa được “tút”  lại có đường kính cỡ 20 - 30 cm được chất hàng đống trong sân nhà.
“Bàn ghế này không phải dùng cho nhà rường”, chúng tôi thắc mắc. “Muốn rường có rường, nhưng chất lượng không còn tốt mà giá cao nghen”, anh Dũng vừa nói vừa đưa tay chỉ. Chúng tôi thấy những sản phẩm “rường” được đặt riêng trong một góc nhà, hầu hết là những vật dụng thờ nhỏ, chất lượng còn sử dụng được, còn những loại lớn như tủ bàn... thì đôi chỗ đã mục.
Theo lời anh Dũng thì đa phần sản phẩm đồ cổ hiện nay đang bày bán đều là sản phẩm cổ được thâu gom từ miền Tây là chính, còn sản phẩm nhà cổ miền Trung, cao nguyên hiện còn rất ít. Nếu có thì hầu hết đã được gia công, phục hồi lại, kiếm “sản phẩm chính hiệu” hiện nay hơi hiếm. Vừa giới thiệu qua, anh Dũng lại tất bật quay lại những bạn hàng kế bên để ra giá cho sản phẩm của mình. Rất nhiều bạn hàng của anh Dũng là người miền Bắc, nghe đâu họ “đánh hàng” ngược về buôn bán tại khu vực biên giới.
Nếu anh Dũng là người buôn bán hàng rời, thì doanh nghiệp Thành Đạt gần đó chuyên mua bán những công trình nhà cổ từ nhỏ đến lớn, phục vụ theo yêu cầu của khách. Xưởng của Thành Đạt nằm sát bên bãi rác Đông Thạnh cũ. Khuôn viên nhà xưởng đến vài ngàn mét vuông, chất dày đặc những sản phẩm nhà cổ đủ loại cùng thiết bị máy móc “hoành tráng” để gia công. Theo một nhóm công nhân đang làm việc thì muốn bất cứ sản phẩm nhà cổ theo bất kỳ phong cách nào, công ty cũng có thể gia công thực hiện đúng theo ý thích của khách. Chúng tôi hỏi thăm đâu là sản phẩm nhà rường Huế đâu là nhà cổ Nam bộ thì nhóm thợ chỉ cười, “chất liệu là cổ mà, còn muốn Huế ra Huế muốn Nam ra Nam, đâu có gì khó. Muốn biết rõ cứ ra cửa hàng chính đặt hàng”. Tiếc là khi tìm đến cửa hàng chính, chưa kịp hỏi thăm thì ông chủ đã vội xua tay không tiếp với lời giải thích là không bán buôn gì vì hàng đã có chủ...
 

 

Để có một căn nhà hoàn chỉnh có khi phải lắp ghép từ nhiều căn
 
Căn nhà đúng kiểu phải đồng bộ cả về gỗ, kiểu dáng... từ cánh cửa trở đi
 
 
Đồ nội thất đi kèm được bố trí như thật
 
Một thú chơi
“Mua sản phẩm thì dễ rồi, nhưng dựng lại sản phẩm đó theo yêu cầu, cách chơi của chủ mới khó.
Hơn một năm, êkíp thợ chuyên nghiệp của tôi vẫn chưa hoàn thiện được công trình”, anh B. - iến trúc sư trẻ, giám đốc một công ty thiết kế xây dựng nói như vậy. Công trình mà B. đang thi công không đơn thuần là ngôi nhà cổ mà là một quần thể kiến trúc cổ gồm nhiều hạng mục khác nhau.
Công trình toạ lạc trên địa bàn quận 9, diện tích khuôn viên gần 5.000 m2. Chủ nhà là một trong những người có thú chơi nhà cổ. Trước đây ông đã từng tham gia mua bán loại sản phẩm này. Khi từ giã sự nghiệp, ông quyết định sắm cho mình một ngôi nhà theo đúng ý thích. Toàn bộ khu đất được chia thành nhiều tiểu khu nhỏ, mỗi tiểu khu là một vùng quê được tái hiện. Do có sự khác biệt vùng miền nên việc tìm và phục chế lại sản phẩm mất khá nhiều thời gian. Chỉ tính riêng khu vực nhà rường đã ngốn hết 7 tháng thực hiện và phải lắp ghép từ ba ngôi nhà lại với nhau. Sau khu nhà rường đến khu nhà sàn cao nguyên, B. và nhóm thợ lại chia nhau đi tìm từng loại vật liệu nhỏ, cộng thêm sự góp sức của chủ nhà là người rành rẽ trong lĩnh vực, vậy mà cũng mất nhiều tháng tìm kiếm mới chỉ là tạm ổn về cơ bản. “Để tìm vật liệu, nhiều khi tôi phải lang thang khắp nơi nghe đâu có người bán sản phẩm nhà cổ là tôi mò đến tìm, xem từng chi tiết để có thể bổ khuyết những hạng mục chưa hoàn thiện”, B. kể.
Anh B. cực một thì chủ nhà còn cực hơn gấp mười. Nhiều khi một hạng mục nào đó gần hoàn thiện, nghe bạn bè giới thiệu có công trình khác phù hợp với yêu cầu của ông, vậy là lại lặn lội đi tìm mua về thay đổi, có hạng mục làm mới lại đến ba lần ông mới vừa ý. “Sau khi hoàn thành, có lẽ đây là một trong những công trình nhà cổ lớn nhất thành phố này”, kiến trúc sư B. nói.
Những người thợ dựng lại công trình nhà cổ có lẽ là người cực nhất. Anh Minh, hiện đang thuê nhà trên đường Cộng Hoà, vừa giải nghệ gần một năm kể, trước đây anh là thợ phục chế đồ gỗ cổ trong nhóm thợ từ Huế vào Sài Gòn. Số nhà rường đã qua tay anh lắp ráp nhiều nhớ không hết. Ráp những ngôi nhà còn nguyên vẹn còn đỡ, gặp những ngôi nhà nát, ghép 2 - 3 cái mới được một thì cực chịu không xiết. Thường thì nhà rường có chung một kiểu, nhiều khi ghép xong, một vài chi tiết không có, lấy gỗ mới để tạo thì mất giá trị, thợ thầy chia nhau chạy đi kiếm bở hơi tai mới có được cái gần giống, rồi nai lưng ra đẽo gọt. Ráp cả cái nhà nhiều khi chỉ vài tháng, nhưng hoàn tất công trình có khi đến cả năm. “Cái khó nhất là làm sao dựng lại một ngôi nhà 100 năm tuổi nhưng nhìn vào vẫn không làm mất đi những đường nét chi tiết của công trình cổ, chính nguyên nhân này khiến cho thú chơi trở nên khó và công phu hơn. Nhóm thợ nào mà không thực hiện được điều này thì coi như bể nồi cơm”, anh Minh nói. 
 

  

Nhà cổ chung sống trong sân vườn của một biệt thự hiện đại, đủ tiện nghi 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 18