Góc vườn với dáng hình “khác biệt”
Không phải ai cũng may mắn có một miếng đất vuông vắn, và những góc nhọn, diện tích quá nhỏ, các khe hẹp giữa hai tòa nhà hay khu vực đang bị “thiếu trước hụt sau” chính là dạng góc chết hình học hay gặp nhất.
Trồng cây che lấp góc nhọn là biện pháp rất phổ biến, nhưng đừng cố làm cho chúng rậm và tối để ẩn đi, điều này chỉ khiến khu vực ngột ngạt và thực sự trở thành “góc chết” trong vườn. Hãy sử dụng vật liệu có màu sáng, bố trí thêm đèn, cây xanh có lá mềm mại và tự nhiên, mật độ thưa để tổng thể trở nên rộng rãi, “dễ thở” và bừng sức sống! Bạn cũng có thể giấu hẳn các góc quá phức tạp bằng cách xây các bồn cây với độ cao lớn, bo theo hình dạng mà bạn muốn rồi đặt vào một bộ ghế tựa hay thác nước mini. Một không gian đầy cá tính và sống động đang chờ bạn!
Đối diện trước những khu vực quá hẹp, không đủ đất để trồng cây như hành lang hay khoảng hở giữa các bức tường? Đừng lo lắng vì đây chính là vị trí lý tưởng để bạn phát triển mảng xanh theo chiều dọc! Làm một khu vườn thẳng đứng, tường cây di động hay đơn giản là thả rũ những nhánh cúc tần đu đưa tạo nên một con đường xanh mướt, dẫn dắt bạn từ đầu này đến đầu kia của khu vườn một cách đầy tuyệt diệu!
Đôi khi có vài vị trí dư thừa với diện tích quá bé, bạn có thể đặt các yếu tố trang trí như một chậu cây nho nhỏ hoặc bức tượng mini. Những vật trang trí này không chiếm nhiều diện tích nhưng lại mang đến sức sống và vẻ đẹp cho những góc nhỏ xíu tưởng như vô dụng.
Một nơi mà chẳng ai chạm tới…
Trong khu vườn có thể xuất hiện những khu vực khó tiếp cận hoặc nhìn thấy, nằm tít ở cuối sân vườn hay sau bức tường cao vút khiến chính bạn còn khó lòng lui tới hay bước vào. Đây là loại góc chết trong tiếp cận khá phổ biến. Để xử lý chúng, việc đầu tiên mà bạn cần làm là mở rộng tầm nhìn bằng cách cắt tỉa cây cối và phát quang bụi rậm để mọi thứ trở nên thông thoáng hơn. Một đường dẫn thân thiện cùng những phiến đá lát, hoặc tạo đường mòn theo kiểu tự nhiên cùng chiếc gương vintage ở phía cuối bức tường cũng cách phổ biến để điều hướng sự chú ý của người thưởng ngoạn.
Góc chết trong tiếp cận cũng bao gồm việc khó có thể qua lại để chăm sóc hay sửa chữa thường xuyên, như các bồn cây trên cao hay những nơi quá xa hệ thống tưới. Với trường hợp này bạn có thể nghĩ đến các loại cây trồng “vĩnh cửu” - ý chỉ những loại có sức sống mãnh liệt, dễ dàng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt. Bạn cũng có thể tạo một cụm tiểu cảnh dễ bảo trì từ sỏi rải, đèn đá, và vài nhánh cây, tuy đơn giản nhưng vẫn rất dễ thương! Chúng không chỉ giúp bạn lấp đầy khoảng không mà gần như chẳng cần bạn coi sóc.
Chưa hết, bạn cũng có thể tận dụng chính những đặc điểm của góc chết trong tiếp cận để tạo nên một khoảng vườn “bí mật” của riêng bạn! Đặt chiếc ghế tựa êm ái sau lẩn khuất những tán lá, bắt chiếc võng đung đưa qua hai gốc cây, pha tách cà phê buổi sáng và tận hưởng không gian đọc sách yên tĩnh mà không lo bị ai làm phiền! Bạn cũng có thể tạo ra một khoảng trời kỷ niệm mà chỉ bạn mới biết với giàn dây leo nho nhỏ, chậu hoa yêu thích, bức tượng điêu khắc phủ thời gian cùng những vật trang trí đong đầy ký ức!
Khoảng không cực kỳ “khó tính”
Không phải bất kỳ góc chết nào cũng là… góc, thậm chí có thể là một khoảnh đất với diện tích kha khá, nhưng có quá nhiều yếu tố môi trường không thể thay đổi khiến bạn rất khó khăn khi tìm cách xử lý chúng. Nếu đã không được tự nhiên ưu đãi, vậy thì hãy xem xét các cách “thuận theo tự nhiên”! Tạo ngay một “khu vườn nước” với thực vật thủy sinh khi đất của bạn thường xuyên ngập úng hay sát khu vực sông suối. Đài phun nước róc rách cùng hồ cá phong cách tự nhiên cũng sẽ giúp khoảnh đất của bạn sống động lên trông thấy!
Ngược lại đối với những khu vực quá khô cằn hay liên tục hứng nắng gắt, hãy tận dụng các giống sen đá, xương rồng để tô điểm cho không gian thêm màu sắc. Đừng ngần ngại bổ sung thêm dinh dưỡng để cải tạo đất nếu có thể, dù tốn của bạn kha khá thời gian nhưng bù lại bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn cây trồng mà mình yêu thích!
Tiếp theo là những nơi thật sự ẩm thấp, nấp dưới tầng tầng lớp lớp các tán cây đến mức khó tiếp xúc với ánh mặt trời. Hãy an tâm vì có rất nhiều cây chịu bóng sẵn sàng đồng hành cùng bạn, nhất là các giống kiểng lá ưa mát, vừa đẹp, vừa ấn tượng lại đang là xu hướng của giới chơi cây hiện nay. Đừng quên các yếu tố ánh sáng và màu sắc, những nơi tối tăm và ẩm thấp có thể trở nên ấm áp và thân thiện với dây đèn treo, những chiếc chậu bắt mắt hay các bức tượng trang trí sống động.
Đôi khi bạn sẽ gặp những nơi không khả thi cho việc thi công, như bên dưới là khối kỹ thuật, nắp hầm, hay đơn giản là quy định của khu dân cư. Đừng lo lắng, bạn có thể che lấp khu vực chỉ bằng một lớp sỏi, đặt vài ba cụm cây không khí, hoặc trải lên thảm cỏ nhân tạo, vừa đơn giản, vừa thuận tiện khi cần tiếp cận khối kỹ thuật bên dưới.
Có thể nói, góc chết trong sân vườn chính là những viên ngọc thô, cần nhiều hơn sự tinh tế và chăm sóc để được tỏa sáng! Hãy yêu mọi ưu điểm và khuyết điểm của khu vườn, cũng như kiên nhẫn để mọi ngóc ngách dù “kỳ lạ” như thế nào đi nữa, sẽ có một ngày được “tái sinh”, mang lại sự ngạc nhiên và niềm vui mỗi khi bạn bước vào khu vườn của mình!
Theo Kiến trúc & Đời sống số 217