Hoạ sĩ Nguyễn Minh Hiếu: Sâu - Đầy - Dòng - Chảy - Nghiệm

Lượt xem: 9777
23/6/2023 8:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - NGUYỄN ĐÌNH

Từng kinh qua bao thể loại đề tài trong hội họa, dùng đủ các chất liệu để vẽ… đều là chuyện quen với Nguyễn Minh Hiếu, bởi: “Tôi nghĩ đơn giản với một họa sĩ chuyên nghiệp, chất liệu nào cũng phải làm quen, chơi với nó, vận hành cùng nó, và tôi không đóng khung vào chất liệu cụ thể nào đó để kiếm tìm sự thành công”. Loạt tranh mới nhất của Nguyễn Minh Hiếu minh chứng cho điều ấy, anh vẽ sơn mài, nhưng không đưa lên vóc, mà là lên toan.

 
 
Sơn mài lại đem lên vẽ toan, thắc mắc ấy được nguyễn minh hiếu lý giải ngắn gọn: “Thử nghiệm đấy mà, tôi thích sơn ta, vẽ lên vóc thì làm rồi nhưng có vẻ không hợp với mình. Cái cần thì nó không tả được, nên thích tìm điều gì đó tươi mới, nhẹ nhàng, từ câu chuyện, lối thể hiện, không câu nệ vào khuôn thước định sẵn. Cũng có lẽ do tôi không phải là người học sơn mài, tay ngang tiếp cận và dùng nó để bổ sung kiến thức hội họa, nên cứ thế làm thôi”. 
Nhìn lại cả hành trình sáng tác của người họa sĩ, không khó nhận ra trong loạt tranh mới nhất, là một sự thay đổi mang tính bước ngoặt, nói mạnh hơn là một cuộc “cách mạng”, khi không còn thấy những dịu dàng, nhẹ thắm từ lối thể hiện đến các tông màu biểu đạt. Hiếu bảo: “Tôi cảm thấy đường nét, màu sắc, phong cách không còn làm thỏa mãn tôi nữa, và dường như bị gián đoạn, bão hoà, thậm chí rơi vào bế tắc. Thế rồi khi làm quen với sơn ta, cái hay của nó là dìm đi những thứ thể hiện, tạo nên chiều sâu, câm lặng nhưng không mất đi tính chủ thể. Chơi với chất liệu này, ví như một bản nhạc thì có nhạc nền, tôn lên lời hát. Chất câm nín khi dùng sơn ta trong các tác phẩm của tôi chính là nền để đưa lên bề mặt ngôn ngữ mới, như một cơ duyên”. 
 
 
 
 

 

 
“Tôi vẽ hai mẹ con, nói lên sự khác biệt thế hệ, lệch sóng, nhưng chỉ vài đường nét thể hiện trên cùng, hiệu ứng của tác phẩm lại là sự kết nối, hoà hợp”
 
Những vạch kẻ nhiễu loạn, đơn lẻ, nhằng nhịt mà không rối, nói theo khẩu ngữ của chính tác giả là: “Trông rất vô cớ”. Thế nhưng cái vô cớ miên man ấy, lại kết hợp ăn ý với những ẩn chìm, khi mờ khi tỏ dưới lớp toan, đó có khi là một hình tượng người đang quằn đau, rúm ró, thậm chí chỉ giản đơn với hai tông màu đỏ - đen tối giản, nhưng khi chốt lại bằng thứ ngôn ngữ là vạch kẻ, những đường hình học với ngắn, cong, vỡ vụn… có cả những ký tự cơ bản trong đời sống thường ngày, từ abc cho đến cộng trừ nhân chia… lại tạo nên “phản ứng hoá học” hài hoà, viên mãn cho tác phẩm. 
Giải thích về bộ ký tự sau cùng, Hiếu bảo: “Tôi muốn đem lại thứ ngôn ngữ nghệ thuật nếu chỉ mình nó thì thật vô cớ, không liên quan đến các đề tài tôi thể hiện, nhưng khi vẽ đủ các thứ rồi đưa chi tiết các ký tự lên sau cùng, nó mang lại cho tác phẩm sự tan chảy, hoà nhập và làm cho tác phẩm có cớ hơn”. Nói khác đi, ngôn ngữ mới mà người nghệ sĩ chọn dùng, chính là những công cụ xâu chuỗi các giá trị, từ nội dung, phong cách, ý tưởng, màu sắc trong tác phẩm, hoà thành một. 
 
 
 
 
 
“Dùng sơn mài vẽ lên toan, nhưng tôi vẫn dùng kỹ thuật mài để tạo hiệu ứng về chiều sâu, ánh sáng, độ chìm, ẩn trong tác phẩm”
 
​​​​​​Ở góc độ thể hiện, loạt tranh mới nhất của Nguyễn Minh Hiếu là những bứt phá khi màu sắc được đẩy lên giới hạn cực đại về hiệu ứng. Những gam màu mạnh đua nhau hiển lộ. Từ đen đến đen tuyền, rực thêm cực đại, bởi rằng: “Tôi muốn đẩy mọi thứ chạm đến giới hạn tối đa về màu sắc, và cái cuối cùng tôi phủ lên trên tất cả, là những đường nét của thứ ngôn ngữ tôi muốn tạo hình cho tranh”. 
Nhờ những “từ khoá”, ngôn ngữ hội họa của Nguyễn Minh Hiếu thêm chặt chẽ, xúc tích, là kết nối trung gian với các nguồn mạch ý tưởng, khơi thông bế tắc, giúp người nghệ sĩ tìm thấy chính mình, thể hiện hết mình qua những dòng chảy nghiệm đầy quý giá.
 
 
 
“Ngôn ngữ mới như một dòng chảy trong tôi, khi vẽ tôi không còn đắn đo, lo nghĩ, mọi thứ cứ tự nhiên tuôn trào”
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 204