Các kiến trúc sư tham gia đóng góp ý kiến cho Luật Kiến trúc tại văn phòng Hội Kiến trúc sư TP.HCM
Xin ông đánh giá đôi nét về thành tựu của các kiến trúc sư và hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua.
Với tư cách là Hội thành viên của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, trong suốt nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Kiến trúc sư TP.HCM luôn đảm bảo công tác tuyên truyền đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến các hội viên. Các chương trình hoạt động của Hội luôn bám sát chủ đề, nhiệm vụ hoạt động của thành phố.
Về những thành tựu của nhiệm kỳ qua, tôi đánh giá là một nhiệm kỳ thành công. Dưới góc độ chuyên môn, thành công của các kiến trúc sư hội viên phải dựa trên tác phẩm. Nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã có những tác phẩm đứng được, nghĩa là được chủ đầu tư và xã hội chấp nhận. Trong đó, nhiều tác phẩm được đánh giá cao thông qua việc các kiến trúc sư là hội viên Hội kiến trúc sư thành phố đã đạt được các giải thưởng của Giải thưởng kiến trúc quốc gia, Giải thưởng kiến trúc TP.HCM, Giải thưởng kiến trúc xanh và nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế khác. Nhiều kiến trúc sư, đặc biệt là các kiến trúc sư trẻ đã bước đầu khẳng định được tên tuổi của mình như các KTS Vũ Việt Anh, Phạm Thị Ái Thủy, Võ Cao Thắng, Nguyễn Hoàng Mạnh, Huỳnh Trà, Nguyễn Quỳnh Thư, Ngô Thị Hoàng Ly…
Cơ sở tiếp theo để tôi đánh giá thành công về chuyên môn là suốt nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh về kinh tế xã hội cũng không phải là hoàn toàn thuận lợi, nhiều công trình phải tạm ngừng, đình trệ nhưng khối lượng công việc của anh em kiến trúc sư dường như không lệ thuộc vấn đề này. Anh em kiến trúc sư vẫn có nhiều công trình ở nhiều thể loại khác nhau.
Về hoạt động Hội, trong nhiệm kỳ vừa qua đáng ghi nhận là các hội thảo, tọa đàm với chất lượng chuyên môn cao, đóng góp được nhiều ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề về kiến trúc, quy hoạch, xây dựng của thành phố ta. Có thể kể hội thảo Kiến trúc vì một TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình tổ chức tháng 4.2016; hội thảo Nhà ở trên kênh rạch TP.HCM: Thực trạng & Giải pháp tháng 11.2016; hội thảo Đề xuất ý tưởng kiến trúc - quy hoạch TP.HCM tháng 11.2017; tọa đàm Lựa chọn gì cho thành phố thông minh tháng 12.2018. Các hoạt động trên đều bám sát nhiệm vụ của thành phố về phát triển, chỉnh trang đô thị.
Một dạng hoạt động nữa đáng ghi nhận là việc mời các kiến trúc sư danh tiếng tham gia hoạt động giao tiếp với kiến trúc sư trong nước thông qua các hoạt động chuyên môn. Ta đã tổ chức được Diễn đàn kiến trúc Việt - Nhật năm 2017 với sự có mặt của KTS Toyo Ito, người được vinh danh tại Giải thưởng Pritzker 2013 và Diễn đàn kiến trúc Việt - Nhật năm 2018 với sự có mặt của KTS Maki Fumihiko. Rồi đến buổi nói chuyện về kiến trúc cộng đồng của KTS Elizabeth Chu Richter, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Mỹ (FAIA) và KTS David Richter, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Texas; KTS Nikolaus Goetze, công ty gmp.
Bên cạnh đó, Hội Kiến trúc sư TP.HCM cũng tổ chức nhiều lớp nhằm giúp các hội viên nắm bắt xu hướng kỹ thuật mới, áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống pháp luật mới để ứng dụng trực tiếp vào công việc sáng tác.
Ngoài ra, các công tác sinh hoạt Hội trong nhiệm kỳ vừa qua như thường xuyên thăm hỏi các kiến trúc sư lão thành, công tác từ thiện ủng hộ đồng bào bị thiên tai, tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa cũng được các hội viên hưởng ứng. Các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao dành cho hội viên như giải tennis… được duy trì ở mức độ tốt.
Với nhiệm kỳ tới 2020-2025, xin ông hãy chia sẻ về phương châm hoạt động mà Hội Kiến trúc sư TP.HCM sẽ hướng đến?
Mục tiêu lớn nhất về nghề nghiệp là phải tạo ra sản phẩn tốt nhất cho xã hội trên tinh thần của Luật Kiến trúc sẽ có hiệu lực vào tháng 7.2020. Theo đó, chúng tôi đã định ra phương châm hành động của Hội Kiến trúc sư TP.HCM trong khóa VIII nhiệm kỳ 2020-2025 là sáng tạo và chuyên nghiệp.
Kiến trúc là nghệ thuật thì đương nhiên sáng tạo là điều phải nhấn mạnh. Sáng tạo là bản chất của việc sáng tác ra tác phẩm kiến trúc. Kiến trúc sư muốn có tác phẩm tốt, được xã hội đánh giá cao thì phải biết sáng tạo.
Chuyên nghiệp là điều mà chúng tôi cũng muốn hướng đến. Ta có thể lấy một ví dụ phổ biến hơn để so sánh là bóng đá. Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trước hết phải là người sống được bằng nghề đá bóng. Các cầu thủ phải rèn luyện, thi đấu tốt mới có hợp đồng, mới trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Kiến trúc sư cũng vậy. Làm chuyên nghiệp là phải sống được, sống đàng hoàng bằng nghề. Muốn vậy ta phải đầu tư cho nghề nghiệp, phải có đủ tố chất, năng lực chuyên môn, tinh thần làm việc, thái độ ửng xử chuyên nghiệp. Có một số ý kiến cho rằng trong giai đoạn 2020-2025, cần nhấn mạnh yếu tố hội nhập. Tôi nghĩ rằng muốn hội nhập thì phải chuyên nghiệp. Nếu kiến trúc sư là những người chuyên nghiệp thì sẽ hội nhập được với thế giới.
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 164