Nguyễn Ngọc Dân và nhì nhằng dây điện

Lượt xem: 9999
18/4/2023 8:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - NGUYỄN ĐÌNH

Những rối ren như mớ bòng bong không cách gỡ của dây điện đường phố, qua góc nhìn của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Dân, lại là mạch ý tưởng dồi dào để anh đem sự nhì nhằng ấy vào nghệ thuật. Vẫn là những rối ren, hỗn loạn ấy, nhưng qua nét hoạ của Nguyễn Ngọc Dân, mọi thứ như bừng sáng, sống động, đẹp và biết kể nên câu chuyện thời đại của con người, xã hội ở nhịp sống đương thời.

 
 
Trong sáng tác nghệ thuật, hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Dân vẽ nhiều đề tài, từ biển, hoa lá, chân dung… riêng đề tài dây điện, anh tạo dấu ấn nhiều hơn cả. Ở đời sống đô thị, dây điện đã là hình ảnh quen thuộc, nhưng sự xuất hiện bùng nhùng, vô tổ chức như thường gặp, dễ khiến cư dân sống dưới đường dây điện khi nhìn lên, chỉ thấy dây điện to nhỏ đan nhau đen ngòm, loa phường lừng lững, lại còn tải trên đường dây điện đó nào là quần áo rách, rác thải, các biển quảng cáo khoan cắt bê tông… thật khó để có thể nhận ra trong hỗn độn ấy lại tiềm ẩn một nét đẹp kỳ lạ. 
 
 
Trong cái lộn xộn, rắc rối, vô tổ chức của dây điện khi kéo đến từng nhà, lại là tín hiệu của văn minh khi dây điện là cầu nối với thế giới bên ngoài qua điện, điện thoại, internet
 
Vốn nhạy cảm với đời sống đô thị, ưa kiếm tìm những chất liệu, trải nghiệm, vốn sống, nét văn hoá… đưa vào tác phẩm, dây điện được hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Dân lựa chọn bởi: “Dây điện nói lên sự phát triển, có điện là có văn minh. Những loa đài, biển báo, đèn giao thông, chính là tín hiệu về trật tự, nề nếp và cả sự thay đổi thường ngày của cuộc sống con người. Chằng chịt dây điện cũng phản ánh sự phát triển không kiểm soát, nhưng ở góc nhìn tích cực thì điều đó hiển thị tính hội nhập ra thế giới. Cùng là dây, nhưng có dây tải điện, dây truyền hình cáp, dây internet, dây điện thoại… Càng có nhiều dây, càng thể hiện đời sống và nhu cầu của con người bên dưới nhiều bấy nhiêu”. 
 
 

Chỉ với một khái niệm, đề tài ngắn gọn là dây điện, nhưng ở từng tác phẩm, Nguyễn Ngọc Dân đều gieo vào đó những câu chuyện, thông tin, quan niệm sống đậm chất đời, anh chia sẻ thêm: “Dây điện là chi tiết gợi về công nghệ, nhưng nhìn lên cột điện không dễ biết đường dây nào sẽ về nhà mình. Dây điện lại có cả các biển quảng cáo lậu, số điện thoại… minh chứng thời kỳ bùng nổ thông tin, dấu ấn của thời đại, công nghệ, cũng có khía cạnh tốt nhưng cũng đầy rắc rối. Thị dân buộc phải sống chung với niềm vui và cả sự rắc rối ấy”. 
 
 

 

Dây điện ở phố lớn hay ngõ hẻm sâu, chẳng nơi nào giống nơi nào và vẻ đẹp của dây điện trong từng ngữ cảnh cũng khác biệt

 

Vậy là Dân vẽ, không tả rối bời dây điện kiểu trực hoạ, mà nhân cách hoá, chuyển tải vào đấy cảm xúc nghệ thuật. Hoạ sĩ giãi bày: “Rối ren là thực tại mà xã hội nào cũng phải đối mặt, điều đó cũng ảnh hưởng đến tính cách con người. Tôi vẽ rối ren của dây điện, xem dây điện như nguồn mạch được nhân cách hoá và coi đó như lát cắt tạm thời của xã hội, của lịch sử. Rồi những rối ren cuộc đời sẽ được hoá giải, những nhì nhằng dây điện kia cũng sẽ được dẹp bỏ, khi đó ký ức dây điện chỉ còn lại trong tranh”. 

 

 

Từng trụ điện, trụ đèn giao thông, từng sợi dây điện đều mang một sứ mệnh riêng mình, tựa như một xã hội thu nhỏ trên tầng không

 
Những trụ điện, loa phường, đèn giao thông, dây điện, được người hoạ sĩ lồng ghép qua màu sắc, bố cục, không gian, thể hiện như một gương mặt, một cơ thể sống, biết buồn vui, yêu ghét với đời. Quan sát mạch sáng tác dây điện, thấy rõ những biến chuyển thú vị của người nghệ sĩ khi càng về sau, những tác phẩm đều biểu lộ cảm nhận tươi vui, bớt đi những chi tiết dây điện nhì nhằng, thay vào đó là sự lãng mạn, thanh thoát, đầy tươi sáng, hoan lạc. Cũng phải, bởi chính lúc này, người hoạ sĩ đang yêu.
 
 
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 202