Bưu chính phát hành tem khánh thành xa lộ Biên Hòa ngày 28.7.1961 (nguồn: Manhhaiflickr)
Ngày 6.1.1997, nghị định số 03-CP giải thể huyện thủ đức tách thành 3 quận mới là quận Thủ đức, quận 2 và quận 9. Ngày 9.12.2020, Thủ Đức chính thức trở thành mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận nói trên với tổng diện tích tự nhiên 211,56 km² và dân số 1.013.795 người.
Thủ Đức đã qua nhiều lần thay đổi nhưng có một khu dân cư nhỏ được xây dựng từ năm 1958 vẫn lặng lẽ gần như giữ nguyên trạng là khu cư xá Kiến Thiết. Tên gọi này tuy ít xuất hiện trên truyền thông, tư liệu lịch sử và các văn bản hành chính nhưng với người dân địa phương thì ai cũng biết. Theo quyết định số 5758 ngày 12.11.2012 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM về duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận 9 thì tại khu vực đã phát triển ổn định là khu cư xá Kiến Thiết, công tác chỉnh trang đô thị cần giữ gìn bản sắc các khu nhà ở biệt thự hiện hữu.

Năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng thủ đô, trục đường nối liền Sài Gòn - Biên Hòa được đổi tên thành xa lộ Hà Nội. Sơ đồ xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa năm 1957. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ II
Ngã tư Thủ Đức nằm trên xa lộ Biên Hòa (nay thuộc TP Thủ Đức)
Thực tế thì khu cư xá Kiến Thiết khởi nguồn từ ngày 27.3.1957 khi Bộ Công chánh và Giao thông của chính quyền cũ khởi công xây dựng xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa nhằm “Cải thiện một cách dứt khoát vấn đề bế tắc lối ra khỏi vùng Sài Gòn”. Xa lộ lớn nhất miền Nam lúc đó dài 31km và rộng 21m, thiết kế cho xe lưu thông tốc độ 80km/h được Hoa Kỳ tài trợ toàn bộ kinh phí và nhà thầu RMK-BRJ phụ trách thi công bằng kỹ thuật mới nhất của Hoa Kỳ tại thời điểm đó. Đến ngày 28.4.1961 xa lộ Biên Hòa hoàn thành, Bưu chính đã phát hành bộ tem khánh thành xa lộ Sài Gòn-Biên Hoà. Ngày nay, ngã tư đường Tây Hoà-Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội) vẫn được người dân gọi tên là ngã tư RMK do hãng RMK-BRJ từng dựng trại làm bản doanh ở đây.
Mục tiêu dự án xây dựng xa lộ là mở mang khu công nghiệp kỹ nghệ vùng Thủ Đức- Biên Hoà như nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy giấy Cogido - An Hảo, nhà máy dệt Vinatexco, nhà máy đường Biên Hoà,…
Bản đồ google map khu cư xá Kiến Thiết ngày nay
Trong giai đoạn này, Sài Gòn mở rộng đô thị, một số khu dân cư mới dọc tuyến xa lộ cũng được hình thành để tránh nạn xây cất bừa bãi, mất mỹ quan, sau này khó chỉnh trang lại được trong đó có cư xá Kiến Thiết nằm ở góc ngã tư Thủ Đức. Ban Doanh lý Kiến Thiết trực thuộc Phủ tổng thống, trụ sở đặt tại số 60 Đoàn Thị Điểm, Sài Gòn tổ chức xây dựng cư xá Kiến Thiết từ năm 1958 và cho người dân mua trả góp dài hạn 8 đến 12 năm với giá và lãi suất ưu đãi. Nguồn tài chính đến từ nguồn thu và lãi suất phát sinh trong Xổ số Kiến thiết, có lẽ vì thế mà cư xá đặt tên Kiến Thiết.
Khu cư xá tọa lạc trên một gò đồi xanh mát, được thiết kế theo mô hình đô thị nhỏ gọn kiểu Hoa Kỳ, với hệ thống đường ngang dọc quy hoạch bài bản. Các ngôi nhà ở đây được xây dựng đồng bộ, gồm 16 biệt thự song lập trang nhã (mỗi dãy gồm hai căn biệt thự), các dãy nhà tứ lập, nhà liên kế cũ và nhà liên kế mới. Tại góc ngã tư Thủ Đức, cư xá bắt đầu từ đường Lê Văn Việt đến đường Quang Trung dọc xuống đường Phan Chu Trinh (bắt đầu từ xa lộ và kết thúc tại nhà máy Viso), phía Lê Văn Việt ngang đến đường Trần Hưng Đạo, nối qua các đường Ngô Quyền và Khổng Tử khép lại chu vi cư xá như một vòng tay bao bọc ký ức của nhiều thế hệ.

Đường Cô Bắc, nơi danh thủ Tam Lang từng cư ngụ
Ngôi nhà hiếm hoi ở góc đường Trần Hưng Đạo còn giữ kiểu dáng kiến trúc cũ
Vào thập niên 1960-1990, khu vực xung quanh cư xá chủ yếu là đất trống, dân cư còn thưa thớt. Sau hơn sáu thập kỷ, đường sá và các con hẻm trong cư xá Kiến Thiết đã được trải nhựa, chỉnh trang sạch sẽ, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cũ thân thuộc. Những người từng sinh sống tại đây, dù lâu ngày trở về, sẽ cảm thấy ra cảnh vật dẫu đổi thay vẫn còn đó bóng dáng của quá khứ kéo chân chạy lòng vòng thăm lại đường xưa lối cũ. Vài căn nhà ít ỏi trong cư xá vẫn còn giữ thiết kế quen thuộc của Sài Gòn xưa thập niên 1960-1970.
Dân cư ở cư xá Kiến Thiết gồm nhiều thành phần như các sĩ quan Sài Gòn vì ở gần trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức trên đồi Tăng Nhơn Phú nay là trường phân hiệu đại học Giao thông Vận tải; các giáo viên ở các trường trong cư xá như trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, trường trung học cơ sở Hoa Lư (trước là trung học Tăng Nhơn Phú), trường trung học Nguyễn Hữu Huân; công nhân hãng bột giặt Viso; tiểu thương buôn bán ở chợ, … Cư xá Kiến Thiết là nơi cư ngụ của cộng đồng giáo chức đông đảo, với gần trăm nhà giáo sinh sống và gắn bó ở đây.
Một ưu điểm của cư xá là nằm gần nhà máy nhiệt điện Thủ Đức và nhà máy lọc nước Thủ Đức sử dụng điện nước thuận tiện. Trong thông báo của công ty CP cấp nước Thủ Đức ngày 22.11.2024 mới đây cho biết tạm ngưng cung cấp nước trong vài ngày ở khu vực cư xá Kiến Thiết phường Hiệp Phú để thi công dự án sửa chữa ống mục. Tên cư xá thỉnh thoảng được nhắc nhớ như thế đó!

Đường Cô Giang
Ngôi nhà ở góc đường Phan Chu Trinh - Hai Bà Trưng vẫn còn giữ nguyên như nhà của thập niên 1960-1970
Những địa điểm nổi bật của cư xá Kiến Thiết gồm có nhà máy bột giặt Viso, giáo xứ Thánh Tâm, nem Bà Chín, trường Đinh Tiên Hoàng, trường Hoa Lư, chợ Kiến Thiết, lò bánh mì Kiến Thiết, tiệp tạp hoá Kiến Thiết, cửa hàng Bách hoá tổng hợp nay là siêu thị Co-op mart.
Nhà máy Viso viết tắt của tên tiếng Anh Vietnam Soap Factory thương hiệu bột giặt thuần Việt ra đời năm 1961, thuộc sở hữu của ông Trương Văn Khôi, vua bột giặt của miền Nam là niềm tự hào của Sài Gòn. Nhân công làm việc ở nhà máy rất đông, đa số sống ở cư xá Kiến Thiết và khu vực lân cận ở Thủ Đức. Bởi vì sản lượng bột giặt bán rất chạy nên chế độ lương bổng đãi ngộ công nhân đủ sống thoải mái. Sau 1975, công ty hóa chất TP.HCM quản lý nhà máy, đến giữa thập niên 1990 thì liên doanh với tập đoàn đa quốc gia Unilever. Hơn 10 năm nay, Unilever đã dời nhà máy về Củ Chi để lại dấu vết là bức tường xây cao hơn 15m chạy dài gần 1km để ngăn ô nhiễm hoá chất bột giặt.
Cơ sở nem Bà Chín là niềm tự hào của cư xá Kiến Thiết, đồng thời cũng là biểu tượng cho tinh hoa của làng nem truyền thống Thủ Đức. Là cư dân cũ lâu năm của cư xá, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Cẩn đến sống ở Kiến Thiết từ năm 1969. Bà vốn xuất thân từ làng nem Ninh Hoà - Nha Trang, do đó để mưu sinh, bà thay đổi công thức chế biến vị nem Ninh Hoà phù hợp khẩu vị của dân Sài Gòn tứ xứ và lập thương hiệu nem Bà Chín từ năm 1972 nổi tiếng duy trì cho đến ngày nay trở thành địa chỉ trong sổ tay du lịch thành phố Thủ Đức. Nem Bà Chín không chỉ được người dân địa phương yêu mến mà còn thu hút khách từ các tỉnh thành lân cận. Việt kiều mỗi khi trở về thăm Thủ Đức đều ghé mua vài gói nem mang về như một chút hương vị quê nhà. Các thương lái từ Nha Trang, Phan Thiết, Bến Tre cũng thường xuyên tìm đến lấy sỉ, mang món đặc sản này lan tỏa đi khắp nơi.
Trải qua bao năm tháng, nem Bà Chín không chỉ là một thương hiệu, mà còn là một phần ký ức của biết bao thế hệ, gắn liền với những con đường, góc phố thân quen của cư xá Kiến Thiết ngày nào. Ông Lê Nguyên Hùng, con trai bà Chín, người kế thừa cơ sở, cũng là cựu học sinh trường trung học Tăng Nhơn Phú (sau 1975 là trường trung học cơ sở Hoa Lư nay trường đã dời về đường Quang Trung, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng chuyển về đây), cựu học sinh trường trung học Hoàng Đạo - Nguyễn Hữu Huân khoá 1977-1979.

Cơ sở nem Bà Chín lừng lẫy ở góc chợ, món đặc sản của cư xá Kiến Thiết nổi danh vùng Thủ Đức
Bồi hồi nhớ lại ký ức của cư xá, ông Hùng thuộc từng tên đường, biết vị trí từng ngôi nhà và những cô bác, anh chị, bạn bè lâu năm như danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang có thời gian ở đường Cô Bắc, tiệm trà Chín Thái của gia đình người Tàu đường Trần Hưng Đạo,... Ngôi chợ Kiến Thiết bảng tên còn nhưng bạn hàng lần lượt nghỉ sang sạp cho người mới đến buôn bán. Hồi xưa đây chỉ là cái chợ hàng bông, chợ chồm hổm tụ tập bán vài món bởi dân cư vắng vẻ, tới sau 1986 chợ mới đông đúc dần rồi dựng sạp buôn bán từ sáng tới chiều tối.
Giáo xứ Thánh Tâm là cơ sở tôn giáo duy nhất nằm trong lòng cư xá Kiến Thiết, trực thuộc tổng giáo phận Sài Gòn, giáo hạt Thủ Thiêm. Những ngày đầu khi cư xá còn thưa thớt bóng người, chỉ có lác đác vài gia đình Công giáo đến ở, một nhà nguyện tạm được dựng lên để phục vụ đời sống tâm linh. Năm 1971, các giáo dân đã chung tay xây dựng nên Nhà nguyện cư xá Kiến Thiết.
Giáo xứ Thánh Tâm ngày nay
Người viết bài này đã được tiếp cận với những tư liệu quý giá còn lưu lại cái tên Kiến Thiết như Hợp đồng nhượng quyền thuê mua căn nhà Kiến Thiết, đã đóng trả trước một phần cho Ban Doanh lý Kiến Thiết và trả góp hàng tháng từ tháng 6.1965 đến tháng 7.1972; Hóa đơn ngày 7.12.1971, công ty điện lực Việt Nam giao kèo thuê bao điện kế cho nhà thờ Thánh Tâm, đường Trần Hưng Đạo cư xá Kiến Thiết Thủ Đức; Giấy chứng thực ngày 20.11.1975, do Tổng giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình ký xác nhận đã góp năm trăm ngàn đồng để mua lại căn nhà số 407 cư xá Kiến Thiết thuộc xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức dùng làm văn phòng liên lạc của họ đạo Thánh Tâm.
Gần nửa thế kỷ trôi qua, với cư dân địa phương ở Thủ Đức, cư xá Kiến Thiết là khu vực sống yên bình, an ninh, vị trí giao thông kết nối thuận tiện giữa nội thành Sài Gòn và Biên Hoà và đầy đủ các tiện ích trường học, siêu thị, chợ, hàng quán, gần các trường đại học, bệnh viện, nay lại có đường sách Thủ Đức nằm sát cạnh bên. Sự náo nhiệt, đông đúc đem lại không khí tươi trẻ hơn cho khu cư xá lâu năm, tuy nhiên, hồn xưa của vùng ngoại ô hiền hoà vẫn còn vương vấn trên những con đường gắn kết ngang dọc.

Tư liệu dấu mộc của Ban Doanh lý Kiến Thiết
THEO KIẾN TRÚC & ĐỜI SỐNG SỐ XUÂN ẤT TỴ 2025