Vì sao như vậy? Khó mà diễn tả hết mỗi khi nghĩ về nơi đó. Nói thêm một chút, ba má tôi là người Việt, định cư ở Úc vào những năm 80 nên tôi và anh trai được sinh ra và lớn lên tại đây. Khi tôi lên 2-3 tuổi, cứ cách năm là được về chơi, nhưng chủ yếu là vào mùa hè.
Mỗi chuyến về Việt Nam cùng ba má, lúc nào cũng vậy, khi xe dừng đã thấy ông bà ngoại bước từng bước ra đầu hẻm đón vào. Khi vào tới nhà là một loạt câu hỏi nào là có mệt không, có đói không, có nhớ Việt Nam không... rồi hối chuẩn bị cơm nước. Những ngày tiếp theo là chuỗi ngày sung sướng, hết ăn, rồi chơi, được đi tắm biển, đi Đà Lạt, về miền Tây, được đi ngựa, đi voi, đi đò, đi phà… Cái sung sướng khi nghĩ về Việt Nam khi đó là được sống trong tình thương yêu của người thân.
Nơi ngoại tôi sống cũng bình thường như bao nhiêu ngôi nhà ở Sài Gòn. Đó là một ngôi nhà một trệt hai lầu trong con hẻm nhỏ. Chỗ đó, chỉ chừng hai mươi căn nhà, không ồn ào, nhà nào cũng trồng nhiều hoa trên ban công hoặc trước sân. Nhà nhỏ vậy đó, mà có năm con cháu tụ về gần hai mươi người. Lo chỗ ở chật chội, ngoại đặt khách sạn gần nhà. Ở chừng vài hôm, mọi người đồng lòng dọn về vì “chật nhưng vui”. Thỉnh thoảng còn nghe ngoại nói “nhà nhỏ quá, không có sân vườn gì cho tụi nhỏ chơi, tội nghiệp. Đi thì thôi, về tới nhà lại bị nhốt bên trong. Ráng nghe tụi con”.
Lần đầu được về ăn tết lúc 3 tuổi (chỉ nghe kể lại chứ không nằm trong ký ức), lần thứ hai là năm lên mười hai tuổi. Những ngày đó, tôi nhớ Sài Gòn vui lắm, nhớ nhất là được đi chợ tết, chợ hoa. Bà ngoại thì lo việc ăn uống, cúng kiếng. Thỉnh thoảng lại nghe bà nhắc nhớ mua cái này, cái kia, vì sợ thiếu bởi “năm nay có con cháu về ăn tết”. Còn ông thì săm soi từng nụ hoa mai, tự tay tưới từng giọt nước để cho chúng đủ sức bung nở hết trong mấy ngày tết. Ông còn tự mua bao lì xì, đổi tiền mới rồi bỏ tiền sẵn vào (lúc đó tôi không hiểu vì sao lại phải có tiền mới để lì xì, tiền cũ cũng được mà)… Sáng mùng một, đã thấy ông mặc bộ py-ja-ma màu vàng lợt, túi nào cũng đầy những phong bì đỏ. Ông lì xì cho từng người trong nhà, chúc những câu như khỏe mạnh, việc làm thuận lợi, học giỏi, chăm ngoan… Ông nói, lâu lâu mới có dịp lì xì cho cháu của mình. Bà tôi nói, những năm không có con cháu về chơi, mấy ngày tết, túi áo của ông cũng đựng nhiều bao lì xì như vậy, ngồi trước sân, thấy đám con nít trong xóm đi ngang là ông ngoắt vào lì xì cho vui.
Mấy ngày tết, túi áo của ông cũng đựng nhiều bao lì xì như vậy, ngồi trước sân, thấy đám con nít trong xóm đi ngang là ông ngoắt vào lì xì cho vui
Tôi nhớ nhất trong ngôi nhà đó là căn phòng của bà. Phòng không rộng lắm, đồ đạc rất ít nhưng lại có tới hai cái giường. Mẹ tôi nói lúc trước chỉ có một cái cho bà, nhưng ai về Việt Nam cũng không chịu ở phòng riêng, chỉ muốn ở với bà, nên có thêm cái giường nữa là vậy. Có lúc phòng chứa đến chục người. Giường không đủ, phải kê thêm nệm dưới sàn nhà. Những lúc ấy, phòng sáng đèn cả đêm, rì rào tiếng nói chuyện, tiếng cười xen lẫn trong tiếng kể chuyện của bà. Qua đó, đám nhỏ chúng tôi biết thêm chuyện khi các dì, các cậu còn nhỏ dành ăn ra sao, oánh lộn vì tranh quyền được đọc truyện trước thế nào…
Không chỉ đám con gái thích được ở chung phòng với bà mà cả đám cháu trai mỗi khi về Việt Nam cũng muốn như vậy. Cũng chỉ để nghe bà kể chuyện liên quan đến ba má mình, vì sao con cháu phải ở nhiều xứ khác nhau? Tuy chuyện cứ lặp đi lặp lại, ít có cái mới, nhưng tụi tôi vẫn muốn nghe.
Cũng nhờ như vậy, chúng tôi mới hiểu thêm tại sao đám nhỏ bị ba má bắt học tiếng Việt ngay từ khi còn nhỏ. Nhờ vậy mà đám cháu của ông bà dù sống ở Úc, ở Mỹ, ở Pháp nhưng mỗi khi có dịp gặp nhau thì đều nói chung một thứ tiếng, đó là tiếng Việt.
Tôi còn nhớ có lần về Sài Gòn, mua vé giá rẻ phải quá cảnh rất lâu ở Nhật, khi đến nơi đã hơn hai giờ sáng. Về nhà tưởng bà đã ngủ nhưng vừa mở cửa phòng, bà đã ngồi dậy, giọng tỉnh rụi: “Chó con sao giờ này mới về”. Tôi trách, “Bà thức làm gì, đến giờ thì con về, có gì phải lo?”. Bà nói: “Bà sợ, con đi có một mình, thấy con rồi mới yên”.
Bà ngoại thì lo việc ăn uống, cúng kiếng. Còn ông thì săm soi từng nụ hoa mai, tự tay tưới từng giọt nước để cho chúng đủ sức bung nở hết trong mấy ngày tết
Lúc ông bà lần lượt rời bỏ con cháu, tụi tôi các nơi tụ về, lo đám xong, lại lần lượt ra đi. Đến đầu ngõ, nhìn lại căn nhà, tưởng như còn thấy ông bà đứng chờ con cháu về với gương mặt tươi vui và nước mắt rưng rưng khi tiễn con cháu “về lại xứ người”... ai cũng không muốn bước đi.
Mấy năm qua vì dịch bệnh nên tụi tôi chưa về lại Sài Gòn. Theo dự định giỗ của ông bà năm nay mọi người sẽ về nhà. Tôi cũng muốn mình có mặt trong dịp này nhưng vì cuối năm tôi sanh con, đành phải gác lại.
Có lần dì tôi nói ông bà mất rồi, từ nay thay vì về Việt Nam, mọi người nên đi các nơi khác chơi cho biết. Không riêng gì tôi, mà các dì các cậu đều có chung suy nghĩ, đi nơi khác chỉ để chơi, nhưng về Việt Nam là về nhà. Mà nhà thì phải về rồi.
Chính vì điều đó mà tôi thấm thía rằng, nhà không chỉ là nơi để ở, nơi đó còn chứa đựng cả những tình cảm mà khi nghĩ về nó ta thấy nhớ nhung và hạnh phúc.
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 200