Cây si khổng lồ ngay sân làng - là vua cây che chở cho cả làng
Trong bản đồ của khách du lịch thế giới, Tanna được biết đến là một hòn đảo thiên đường, nơi những bãi biển san hô trải dài đủ màu sắc bao quanh chở che cho hòn đảo khỏi những đợt sóng dữ của biển cả, nơi du khách thoả chí buông mình trong làn nước trong xanh của biển, tận hưởng vẻ hoang sơ thanh vắng đắm mình với thiên nhiên.
Tanna còn nổi tiếng với núi lửa Yasur - nơi duy nhất du khách có thể đứng kề miệng núi lửa nhìn những dòng dung nham bắn tung toé lên nền trời trong nỗi lo sợ ban đầu và những cơn phấn khích tột độ.
Từ Port-Villa, thủ đô của đảo quốc Vanuatu mất gần 1 giờ bay sẽ đến sân bay Cỏ Trắng của đảo Tanna. Du khách đến tham quan du lịch chủ yếu là người Úc, Pháp, Nhật... Ưu tiên hàng đầu của khách du lịch là tham quan núi lửa, sau mới đến thăm viếng các ngôi làng truyền thống của đảo Tana. Các ngôi làng thường nằm trong rừng sâu, phải mất trung bình hơn 1 giờ đi xe băng qua những con đường mòn xuyên rừng mới đến nơi.
Khắp các ngả rừng trên đất Tanna, đâu cũng thấy cây si cành lá xum xuê, thân rễ to hàng chục người ôm không xuể. Si là cây mà người dân đảo tôn làm vua của các loài cây. Gặp những đoạn đường mòn, tàn cây che phủ con đường sà xuống lòng đường nhưng người dân không chặt bỏ, tỉa nhánh, mà dùng cây rừng chống đỡ cành si lên cao. Không ai dám chặt bỏ một nhánh si vì họ coi đó là hành vi trọng tội với vua cây của rừng. Điểm dễ nhận thấy nhất khi bước chân vào một ngôi làng là ở ngay phía cổng vào luôn có hai cây si lớn mọc đối nhau, chính giữa là khoảnh sân rộng làm nơi hội họp cho cả làng. Người dân quan niệm rằng, hai cây si như những vị thần che chở cho làng khỏi thú dữ và thiên tai.
Những ngôi nhà của làng Iakel rất tạm bợ, trong nhà tối om om, trống hoác, chẳng có gì ngoài bếp lửa giữa nhà để giữ lửa, giữ ấm. Nhà nào giàu có sẽ được đánh giá từ bên ngoài. Nhưng không phải nhà to mới giàu, nhà nào có bầy heo đông đúc được nuôi ngoài sân trước, phía sau nhà chứa đầy củi và các bụi cây Kava (một loại cây thuộc họ tiêu, củ và rễ xay nhuyễn pha với nước, vắt lấy nước cốt uống say như rượu, người dân đảo quốc Vanuatu gọi đây là rượu Kava, thức uống phổ biến của đảo quốc Vanuatu) đấy mới là những gia đình giàu có.
Ở rừng có vua cây, trong làng có vua làng. Có thể hiểu vua làng có vị thế tương tự như già làng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Việt Nam. Vua làng cũng được tôn lên theo hệ cha truyền con nối. Đến làng Iakel, vị vua làng còn khá trẻ, nhanh nhẹn, quắc thước - người tự cho mình là người sinh ra để làm vua - ra tiếp đón. Ông tự giới thiệu về mình: "Tôi là Naoka, 42 tuổi, tôi làm vua làng kế nghiệp của cha, coi sóc 29 gia đình gồm 109 người trong làng...". Do thiên nhiên ưu đãi, cư dân của làng sinh sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên, các loại rau củ mọc đầy trong rừng như khoai từ, khoai sọ, đây là nguồn thức ăn chính của dân làng do thiên nhiên cung cấp mà không phải trồng trọt, canh tác.
Trẻ em ở ngôi làng chiếm 1/3 dân số với độ tuổi từ 14 trở lại. Và tất cả không có khái niệm đến trường. Các em được sinh ra, lớn lên, ngày vào rừng săn bắt, hái lượm, tối về lại làng sống trong những ngôi nhà quây quần quanh hai cây si lớn của làng. Đến tuổi lập gia đình, sinh con đẻ cái. Cuộc sống của người dân Iakel cứ thế xoay vòng từ bao đời nay không gì thay đổi. Các vật dụng của người làng Iakel đa phần đều từ thiên nhiên, váy cỏ, nambas, rìu đá, chỉ có những đĩa đựng thức ăn tình cờ thấy được trong bữa trưa của các bé trai là bằng nhựa, vật dụng hiện đại duy nhất thấy được trong làng Iakel.
Chỉ cách ngôi làng một giờ xe chạy là những khu resort sang trọng của người Úc, người Mỹ với những trang thiết bị cực kỳ hiện đại, đắt tiền dành cho giới du khách thượng lưu. Sắp tới, một dự án do doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào đảo Tanna với số vốn lên đến 75 triệu đô la, biến hòn đảo trở thành một thiên đường du lịch hạng sang với dịch vụ khách sạn, du thuyền, nhà hàng, sòng bạc... phục vụ cho du khách thế giới. Đời sống ở Iakel cách xa văn minh nhân loại hàng ngàn năm nhưng làng Iakel lại ở cách văn minh nhân loại có một giờ. Lúc tạm biệt vua làng Naoka và các cư dân Iakel, tôi tự hỏi, trước những thay đổi đột ngột với sự xâm chiếm của cuộc sống hiện đại, liệu rằng những cư dân của làng Iakel có còn giữ được nét ban sơ như hôm nay?!
Nhà ở của dân làng làm rất tạm bợ theo lối sống “ăn củ... ngủ đất”
Với người Iakel, heo rừng là tài sản quý nhất
Bữa ăn trưa giữa rừng
Tanna là một hòn đảo thuộc Vanuatu nằm ở đông - nam Thái Bình Dương, có tổng chiều dài 40km, rộng 19km, diện tích 549km2, dân số khoảng 20.000 người, khí hậu nhiệt đới.
Hòn đảo nổi tiếng với những bầy ngựa hoang, núi lửa và các ngôi làng còn giữ nguyên nét văn hoá truyền thống của tổ tiên, chưa có sự hiện diện của nền văn minh nhân loại.
Các ngôi làng giữ được nét truyền thống, được đưa vào kinh doanh khai thác du lịch, mỗi chuyến đi đến các làng cổ của người Melanesian trên đảo Tanna, du khách phải trả lệ phí thuê xe 70 đô la/chuyến, vé vào thăm làng 25 đô la/người. Số tiền này được những người làm du lịch quy đổi ra lương thực giao lại cho dân làng.
|
Căn nhà như tổ chim cheo leo trên cây si cổ thụ. Nhà ở trên cây cao hơn 10m, khách lạ muốn lên thăm nhà cũng khó
Cuộc sống của người iakel vẫn như tổ tiên từ nghìn năm trước
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 19