Bài dự thi: Góc bếp của mẹ

Lượt xem: 5721
9/9/2022 9:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài & ảnh HOÀNG HỮU HÓA

“Tết Tết Tết Tết đến rồi!!! Tết đến trong tim mọi người!”… lũ trẻ con bên xóm thường hay hát bài hát đó, dường như chúng cũng đang háo hức mong đợi tết đến giống như tôi ngày xưa vậy. Một năm cũ sắp qua đi, những lo lắng, những gian lao, bươn chải của cuộc sống sắp khép lại, cũng là lúc chúng ta nghỉ ngơi, sum vầy, đoàn viên cùng gia đình đón tết.

 
 
 
Từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, sự cảm nhận về ngày Tết bên gia đình mỗi người khác nhau, song đó luôn là những kỷ niệm đáng nhớ nhất. Ký ức về ngày tết trong tôi thường gắn với hình ảnh mẹ lui cui trong bếp lửa, với mùi khói rơm rạ bốc lên bay lơ lững trên không trung. Góc bếp của mẹ tôi ngày xưa giản dị lắm, chỉ là là một cái kiềng ba chân phía dưới có motor để thổi lửa. Phía trên bếp, mẹ làm thêm một cái giàn bằng tre để chất củi. Mùa mưa củi ẩm ướt có khi khói cay xè mắt mẹ. Xung quanh bếp, mẹ treo những hạt giống khô để khi đến mùa đem gieo hạt. Đơn giản, mộc mạc, nhìn thấy gian bếp là thấy luôn cả nỗi vất vả của gia đình tôi thuở xưa. Từ cái góc bếp ấy, mẹ nấu biết bao món ăn ngon, dân dã cho cả gia đình. Góc nhỏ ấy, hết tháng này qua năm nọ đã trở nên quen thuộc làm nên hương vị tuổi thơ, ký ức trong tôi.
Tôi thích cái góc bếp ấy nhất là vào những ngày tết hay mùa rét. Một khoảng không gian tôi tối mà ấm áp đến lạ thường. Bởi thường có mẹ là có lửa, tôi là đứa con được ngồi bên góc bếp với mẹ nhiều lần nhất. Vì tôi sợ rét, nên mỗi lần mẹ nhóm bếp là tôi bắc cái đòn gỗ ngồi bên cạnh và phụ giúp mẹ đun lửa nấu nước, nấu cám lợn. Một ký ức tuổi thơ còn lưu giữ nơi tâm hồn mãi cho đến giờ. Tôi rất thích ngồi ở đấy và ngồi đến bao lâu cũng không thấy chán. Đặc biệt đêm giao thừa, bên bếp lửa nấu nồi bánh chưng sôi sùng sục, mẹ đã khâu lại chiếc áo bông cũ đã sờn và mặc cho tôi. Một sự ấm áp bốc tỏa từ tình thương của mẹ mà tôi cảm nhận được. Tuy không còn mới nữa nhưng nó cũng giúp tôi chống chọi lại giá lạnh của đất trời.
Vào ngày tết, từ 28 tháng Chạp trở đi, bếp của mẹ đỏ lửa cả ngày. Mẹ lui cui trong bếp làm bao nhiêu món ăn ngày tết như mứt gừng, bánh thuẫn, dưa hành, thịt nấu đông… Trong đó, tôi thích nhất là món canh chân giò hầm măng do mẹ nấu. Và nhớ nhất những giọt nước mắt cay vì khói bếp trên gương mặt đen sạm của mẹ. Ở quê, ngày tết lúc nào mẹ cũng chuẩn bị bữa ăn rất tươm tất, chu đáo cho chồng con. Bữa cơm mẹ nấu bằng bếp củi bốc lên xen cùng mùi bánh chưng bánh tét, của khói bếp mịt mù. Nhà tôi hồi đó trồng rất nhiều tre, những mụt măng non nhô lên mẹ cắt vào luộc rồi đem phơi khô treo trên bếp. Tết đến mẹ nấu canh chân giò hầm măng cho cả nhà. Mùi thơm của bát canh chân giò hầm măng làm ấm cả gian bếp, khiến bữa cơm thêm ngon miệng. Món ăn mẹ nấu không sang trọng, cầu kỳ nhưng dường như tôi lại chứa đầy kỷ niệm về nó. Chất chứa sâu trong những cung vị dung dị ấy còn là tình mẫu tử bao la và tình cảm gia đình ấm áp. Tôi dù đi đâu cũng luôn nhớ về góc bếp của mẹ, nơi có hình bóng mẹ bên ngọn khói mỏng manh, hăng hắc nấu món ăn tràn đầy hương vị tình thân. 
 
Trong những món mẹ nấu ngày tết, tôi nhớ nhất là món canh chân giò hầm măng. Ở đó ngoài vị thơm ngon của thức ăn còn có cả những giọt nước mắt cay vì khói bếp trên gương mặt đen sạm của mẹ

Sau này, tôi lập gia đình và xây một căn nhà khang trang rộng rãi tặng mẹ và dành hẳn một gian lớn để làm bếp, mua sắm đầy đủ thiết bị tiện nghi như bàn ăn, tủ bếp, tủ lạnh, bếp ga… Không như ngày xưa góc bếp của mẹ giản đơn, đầy khói bụi, bồ hóng giăng đầy tứ phía, khói vương cả lên khóe mắt. Nhưng mẹ vẫn dặn tôi nói với thợ là xây thêm cho mẹ cái bếp củi. Và tôi hiểu đó là cả thế giới của mẹ, thời thanh xuân của mẹ, nơi mẹ gửi gắm tình yêu, vun vén cho gia đình, để cho anh em chúng tôi trưởng thành như ngày hôm nay.
Cho dù mẹ đã ngoài 80 không còn nấu nướng được nữa, nhưng mẹ bảo ngày tết luôn đỏ lửa nghe con, nấu bánh chưng bánh tét bằng bếp củi thì bánh mới ngon. Sau này tôi mới nhận ra: những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời mình đã được khởi lên từ đấy. Bao nhiêu mùa xuân đi qua gắn với cái góc bếp ấy, cũng là lúc tóc mẹ bạc đi ngày càng nhiều. Vậy mà, tôi vẫn thấy yêu bếp lửa, yêu góc bếp của mẹ như thuở nào và cảm ơn mẹ cho chúng con những cái tết ấm áp.
 
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 195