.jpg)
Muôn lý do thay đổi, muôn kiểu thay đổi
Việc đầu tiên khi làm thiết kế nhà, là chủ nhà phải có đề bài cho kiến trúc sư (KTS), hoặc đưa ra những nhu cầu, mong muốn để cùng kiến trúc sư lập nhiệm vụ thiết kế. Với công trình nhà ở gia đình, việc này không quá phức tạp. Tuy vậy, thực tế nhiều chủ nhà không biết mình muốn gì, với mảnh đất ấy, diện tích ấy, số tiền ấy thì như thế nào là phù hợp. Chính vì thế nên đề bài đưa ra chưa chuẩn, thiếu sót, không đầy đủ. Nếu KTS không có những tìm hiểu ở góc độ xã hội, đưa ra phản biện mà bám vào đề bài ấy để triển khai phương án thì rất dễ phải thay đổi. Trước một tờ giấy vẽ hình đất với kích thước, chủ nhà không biết phải làm thế nào. Nhưng khi cầm trong tay phương án thiết kế sơ bộ, đã có chút hình hài, có mặt bằng công năng, thì chủ nhà mới thấy có nhiều điều không như mình mong muốn. Và thế là thay đổi. Cũng có khi, người làm việc với KTS là một người trong gia đình (thường là đàn ông lớn tuổi), nhưng khi “trình” phương án thiết kế cho các thành viên trong gia đình thì có rất nhiều ý kiến, nhiều đòi hỏi cá nhân nên cũng phải sửa đổi. Có khi chủ nhà hài lòng với phương án thiết kế sơ bộ rồi, nhưng lên khái toán lại không đủ tiền nên cũng lại phải thay đổi thiết kế để phù hợp với khả năng tài chính. Lại có trường hợp phải sửa đổi thiết kế vì liên quan đến pháp lý hay các vấn đề xã hội. Ví dụ như có những khu quy hoạch có giới hạn về mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao (do chủ nhà không nắm rõ nên thiếu sót khi đưa ra đề bài). Ở góc độ xã hội thì khá đa dạng, nhạy cảm và phức tạp; ví như thiết kế cửa sổ ở đây, nhưng ông hàng xóm không cho mở cửa sổ tại vị trí đó; hoặc đặt cục nóng điều hòa chỗ này, nhưng bị hàng xóm ngăn cản vì thổi sang cửa sổ nhà họ…
Một trong những lý do hay phải thay đổi thiết kế nhiều nhất là vấn đề… phong thủy. Thường khi có thiết kế sơ bộ rồi, chủ nhà mới có cái để mà đưa thầy phong thủy xem xét. Không bàn sâu chuyện phong thủy có ý nghĩa và tác động như thế nào, nhưng việc thầy phong thủy can thiệp vào luôn làm KTS nản lòng. Có nhà dự xây 4 tầng, nhưng thầy bảo là kiêng số 4. Vậy xây 5 tầng thì thừa, 3 tầng thì thiếu, phải làm sao? Rồi phương án đã rất hợp lý về công năng kiến trúc rồi, thầy lại bảo chuyển đổi cửa, thay vị trí các phòng công năng, chuyển vị trí cầu thang, chuyển hướng bếp, hướng bàn thờ, chuyển đổi/xoay vị trí giường ngủ… Tất cả những cái đó có thể xóa sổ hoàn toàn một phương án thiết kế.
Lại có những chủ nhà cầm thiết kế đi xin ý kiến người này người kia, kể cả người có chuyên môn lẫn người không có chuyên môn. Mỗi người một ý với những hiểu biết và kinh nghiệm riêng, đều “nhiệt tình” phản biện phương án, để thể hiện cái tôi. Có ông hàng xóm, có ông thầu không có chuyên môn thiết kế cũng cầm bút phác phác, vạch vạch lên bản vẽ như KTS thứ thiệt. Chủ nhà lúc đó về suy nghĩ thấy cũng có lý nên lại đề nghị KTS sửa đổi.
Việc sửa đổi có thể từ diện tích xây dựng, quy mô công trình, cũng có thể là mặt bằng công năng, cấu trúc không gian hay là các vấn đề liên quan đến hình thức, thẩm mỹ công trình; thậm chí cả những chi tiết nhỏ hay giải pháp kỹ thuật, cho tới kích thước, vật liệu, màu sắc… Việc sửa đổi có thể bắt đầu từ nhiệm vụ thiết kế, cho tới hồ sơ thiết kế sơ bộ, hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công và cả khi đang thi công hay đã thi công xong rồi. Có ông chủ nhà sáng bảo KTS vẽ thế này, chiều lại gọi điện bảo vẽ thế khác. Có nhà anh chồng bảo làm theo phương án A, nhưng chị vợ lại gọi điện riêng cho KTS bảo rằng làm theo phương án B với lời nhắn nhủ chị mới là người toàn quyền quyết định. Lại có trường hợp chủ nhà đòi sửa, nhưng cãi không lại KTS, thì nghĩ thầm: Nhà của ta ta làm, đến lúc thi công ta bảo thợ sửa theo ý của ta. KTS nhiều khi như người làm công tác trọng tài hay hòa giải; lúc thì như… con rối; về mặt chuyên môn thì cứ cặm cụi sửa bản vẽ liên tục theo các kiểu yêu cầu. Dù gì thì khách hàng cũng là thượng đế!
.jpg)
Những hệ quả có thể xảy ra
Việc sửa đổi thiết kế, dù xảy ra ở giai đoạn nào, về cơ bản cũng để lại những hệ quả nhất định, có cả tiêu cực và tích cực, nhưng tiêu cực thường nhiều hơn. Việc chủ nhà yêu cầu thay đổi thiết kế rất dễ làm KTS mang tâm lý chán nản, không còn nhiệt tình, tâm huyết với dự án đó nữa; làm việc với tâm thế vì tiền, vẽ cho xong, nhụt “nhuệ khí” sáng tạo. Việc sửa đổi cũng làm dự án bị chậm tiến độ, đình trệ, làm tăng chi phí, thiệt hại kinh tế của cả hai bên. Nếu như với chủ nhà đang thi công, mà phải sửa đổi, có thể phải tạm dừng thi công để chờ bản vẽ, hay đập đi xây lại. Với KTS, nếu không “dứt điểm” được hồ sơ, vẫn phải bố trí nhân sự phụ trách, mà lẽ ra có thể chuyển sang dự án khác. Việc thay đổi thiết kế trong giai đoạn hồ sơ thiết kế thi công tốn rất nhiều thời gian và công sức của KTS vì phải sửa đổi rất nhiều bản vẽ liên quan, từ tổng thể tới chi tiết, từ kiến trúc tới các bộ môn kỹ thuật như kết cấu, điện- nước…
Nhưng dù thế nào, việc sửa đổi chỉ nên diễn ra ở giai đoạn thiết kế, để có thể điều chỉnh kịp thời cho hồ sơ đúng và khớp nhau. Còn nếu đã trong giai đoạn thi công mà sửa thì có thể phát sinh rất nhiều hậu quả phức tạp, mà có thể lại phải… sửa đổi tiếp. Việc sửa đổi trong giai đoạn thi công có thể có nhiều hệ lụy mà chủ nhà không nghĩ tới, vì không có chuyên môn và cái nhìn tổng thể, và có thể sau đó phải ân hận. Xin phép được kể vài trường hợp mà người viết bài đã được chứng kiến:
- KTS thiết kế tầng 1 với một cao độ đã được tính toán. Ở tầng 1 này có 1 phòng WC dưới gầm cầu thang. Chủ nhà tự hạ thấp độ cao vì cho rằng tầng 1 không cần cao. Hậu quả là phòng vệ sinh dưới gầm thang bị thấp, khi sử dụng bị “cộc đầu”.
- KTS thiết kế độ cao tầng nhà với cao độ H, chủ nhà tự ý nâng chiều cao các tầng, trong khi đó mặt bằng thang (số bậc) không thay đổi. Hâu quả làm mỗi bậc tăng chiều cao, đi rất mỏi.
- KTS thiết kế giếng trời cạnh phòng vệ sinh ở các tầng lầu, chủ nhà bỏ giếng trời, làm hết thành phòng vệ sinh cho rộng. Hậu quả phòng vệ sinh thiếu thoáng - sáng, bí và luôn bị ẩm ướt.
- KTS thiết kế tường đôi, nhưng chủ nhà tiếc diện tích nên xây tường đơn. Hậu quả là cột lồi ra trong phòng, nhìn rất xấu xí. Ngoài ra tại vị trí cửa sổ ở tường, tường không đủ chiều dày để lắp cả cửa, hoa sắt, rèm.
- KTS thiết kế ô văng cửa sổ, nhưng chủ nhà bỏ vì nghĩ là không cần thiết. Hậu quả là khi mưa bị nước mưa tạt, chảy vào trong nhà.
- KTS thiết kế logia để tạo khoảng lùi tránh nắng mưa và làm chỗ để cục nóng điều hòa nhưng chủ nhà tiếc diện tích nên xây hết thành phòng. Cục nóng điều hòa treo lơ lửng ở tường ngoài. Khi bảo dưỡng sửa chữa rất khó và nguy hiểm.
- KTS thiết kế sân thượng thoáng và có lan can. Chủ nhà sợ trộm nên quây kín hoa sắt. Sau một vài vụ cháy xảy ra gây chết người, chủ nhà sợ và lại bỏ hoa sắt, làm lan can để có đường thoát hiểm khi hỏa hoạn…
Có rất nhiều những trường hợp chủ nhà tự sửa thiết kế trong quá trình thi công như thế, và hệ quả tiêu cực đã xảy ra mà chủ nhà phải gánh chịu. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có những sự sửa đổi là cần thiết, làm thiết kế tốt hơn, do KTS thiết kế không hiểu ý chủ nhà, hoặc non tay hay không tính được trước các tình huống (vốn rất đa dạng trong cuộc sống) có thể xảy ra. Ví dụ, có trường hợp KTS thiết kế lan can cầu thang kính, không có tay vịn (để cho hiện đại, cho chất, cho ngầu), nhưng nhà có người già và trẻ con đi cầu thang rất bất tiện và nguy hiểm, nên chủ nhà phải bổ sung tay vịn. Có trường hợp cửa sổ tầng 1 KTS thiết kế chân thấp gần tới sàn, không hoa sắt vì nghĩ rằng tầng 1 thì an toàn. Nhưng thực tế đi vào sử dụng đã mấy lần trẻ em chơi ở cửa sổ ngã lộn ra ngoài sân, nên chủ nhà đành phải bổ sung hoa sắt. Lại có nhà có phòng vệ sinh trong phòng ngủ được thiết kế và thi công vách kính để cho rộng không gian, nhưng chủ nhà sử dụng mới thấy bất tiện và đành chữa cháy bằng cách dán đề can mờ lên… Những trường hợp sửa thiết kế như vậy không phải là hiếm, vẫn thường xảy ra. Có chủ nhà tham khảo ý kiến KTS, nhưng cũng có chủ nhà tự lẳng lặng làm mà không cần nói.
.jpg)
Để ít thay đổi và tiến trình suôn sẻ
Trong quá trình làm thiết kế, ít thay đổi, ít sửa đổi bản vẽ là điều mà KTS luôn mong muốn; và tất nhiên chủ nhà cũng vậy. Ngôi nhà được xây như bản thiết kế, đúng nhu cầu chủ nhà, đúng ý tưởng của KTS là niềm vui và hạnh phúc của cả đôi bên. Vậy làm thế nào để thiết kế không/ít thay đổi và tiến trình dự án diễn ra suôn sẻ?
Quá trình trao đổi thông tin và tư vấn ban đầu rất quan trọng. Chủ nhà cần phải suy nghĩ kỹ, thông tin đầy đủ các nhu cầu của mình với ngôi nhà cho KTS, cũng như khả năng tài chính. Chủ nhà phải hiểu mình muốn gì, và KTS cũng phải hiểu chủ nhà muốn gì? Từ đó có thể xây dựng một nhiệm vụ thiết kế chuẩn và chi tiết, là tiền đề cho thiết kế. Và nếu chủ nhà có yêu cầu về phong thủy cũng phải cung cấp sớm cho KTS để có thể làm hài hòa giữa phong thủy và chuyên môn kiến trúc. Cũng cần hiểu rằng không phải yêu cầu phong thủy nào cũng được đáp ứng hay ý tưởng kiến trúc nào cũng có thể được thực hiện. Vì thế hài hòa là sự cần thiết. Chủ nhà cũng cần có sự đồng thuận và thống nhất các giữa các thành viên trong gia đình để đặt đầu bài cho KTS.
Ở phía KTS, cần lắng nghe, thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của chủ nhà để đưa ra sản phẩm mà khách hàng cần. Cần có chuyên môn tốt, kỹ năng tư vấn, đàm phán và thuyết phục chủ nhà tốt; đôi khi cần cả sự cứng rắn và bản lĩnh để bảo vệ thiết kế, ý tưởng của mình (tất nhiên không làm tác hại, ảnh hưởng tiêu cực tới công trình và nhu cầu của chủ nhà). Hai bên cũng cần thống nhất và có nguyên tắc làm việc chung. Có thể chốt các phương án, kiến trúc, kỹ thuật qua từng giai đoạn, tránh trường hợp một bên cứ vẽ; bên kia cứ đi tham khảo, tìm hiểu, xin ý kiến và dẫn đến không ăn nhập, lệch pha nhau. Việc sửa đổi, nếu bắt buộc có thể làm biên bản, từ đó tính phát sinh chi phí thiết kế. Chủ nhà cũng cần tôn trọng KTS, nếu cần sửa đổi trong quá trình thi công phải xin ý kiến và giải pháp của KTS, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Việc thay đổi, sửa đổi thiết kế khi làm nhà là điều không mong muốn, không thể tránh, nhưng có thể giảm thiểu để đôi bên - chủ nhà và KTS cùng cảm thấy thoải mái và hài lòng khi đến với nhau, từ khi dự án bắt đầu bởi những nét vẽ trên giấy tới khi công trình xây dựng và hoàn thành.
Theo Kiến trúc & Đời sống số 217