Đi qua tuổi thơ trong văng vẳng tiếng chuông chùa

Lượt xem: 8361
22/1/2023 14:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài NHÂN ÁI Ảnh NINA MAY

Hồi còn nhỏ, mỗi sáng thay vì tỉnh giấc bằng tiếng gà gáy thì tôi thường được hoặc bị đánh thức bằng tiếng mõ đều đều và tiếng tụng kinh ấm áp của bà tôi. Thói quen này trở nên thân thuộc đến nỗi sau này dù bà đã đi xa, nhưng mỗi khi vô tình nghe tiếng mõ là hình bóng bà lại hiện ra. Và thói quen đi chùa, tụng kinh của bà cũng đã truyền sang đến mẹ tôi, đến tôi.

 
 

 

 
Bà vốn cưng chìu tôi đến nỗi mấy lần bà giận cha tôi vì sự hà khắc trong cách cha giáo dục tôi, lúc nào bà cũng bảo cha, một đưa trẻ thích vào chùa như tôi là có cái tâm hướng thiện nên không cần quá hà khắc, bà nói nhất định sau này tôi lớn lên sẽ là người có tấm lòng nhân hậu, bao dung. Một lần tôi vô tình nghe được bà bênh khi cha định phạt tôi vì tội đi thả diều trên ngọn đồi phía sau chùa quên làm bài tập về nhà và bị cô giáo phạt… Tôi nhớ ngôi chùa ký ức ấy, dù sau này khi lớn lên mẹ cho chị em tôi đi rất nhiều ngôi chùa trong và nước ngoài. Những ngôi chùa nhiều màu sắc rực rỡ như ở Thái Lan hay cảm giác trầm mặc, điềm tĩnh như những ngôi chùa cổ ở Tokyo - Nhật Bản, mỗi lúc bước chân vào khuôn viên một ngôi chùa nào đó thì cảm giác sảng khoái tự tại của ngôi chùa ký ức lại len lỏi trong tôi. Ngôi chùa tuổi thơ, ngôi chùa trong ký ức ấy nằm vững chãi trên một quả đồi ngay đầu làng. Tôi vẫn thường thắc mắc với bà sao giữa cánh đồng làng lại có một quả đồi và sao ngôi chùa lại nằm ở trên đó, có phải người ta đã đắp quả đồi này để dựng chùa hay không? Bà nói rằng khi bà sinh ra, chùa đã ở đó từ lâu lắm rồi. Ngôi chùa chính là nơi an ủi cho tôi lúc nhỏ. Mỗi lần bị cha mắng tôi vẫn thường ra ngồi bên cái ao sen nhỏ phía sau chùa, dường như bọn ếch nhái ở đó cũng quen với sự hiện diện của tôi.
Đến khi tôi trở thành một sinh viên năm cuối, được đi du học, được đi đó đi đây, tôi được biết đến thế giới bao la rộng lớn thì mỗi khi có dịp đến những ngôi chùa, những địa điểm hành hương… thấp thoáng đâu đó trong đáy của chiếc cốc ký ức của tôi lại văng vẳng tiếng mõ tụng kinh và ấm áp hình bóng bà tôi với mái tóc trắng, khuôn mặt bừng sáng, giọng nói ấm áp và dịu hiền. Thêm vào đó là thấp thoáng bóng mẹ tôi bên cạnh bà, trẻ hơn với mái tóc đen dài như suối. 
Như bà nội ngày xưa, mẹ cũng thường dậy rất sớm để tụng kinh, và mỗi lần tôi trở về nghỉ hè hay thăm nhà thì mỗi sáng thay vì tụng kinh ở nhà, mẹ lại sang chùa kế bên nhà, hình như mẹ sợ làm tôi tỉnh giấc sớm.
Men theo miền ký ức, tôi nhớ lúc bé sống với bà ở quê, nhà tôi ở bên cạnh một ngôi chùa, và bây giờ, dù ở giữa thủ đô đông đúc không hiểu do tình cờ hay cố ý khi cha mẹ tôi mua nhà, mà cạnh bên cũng có một ngôi chùa. Sự gần gũi này khiến không gian sống của tôi trở nên ấm áp và bình an như cảm giác nguyên vẹn thời kỳ tôi còn ở cùng bà.
 
 

 

 
Cũng như bà, mẹ tôi là người mộ đạo, mẹ đặt niềm vui, lẽ sống vào những ngôi chùa. 
Tôi thường theo mẹ đi phóng sinh, khi thì tôi được tự tay thả rất nhiều cá, ốc xuống các hồ quanh Hà Nội hay mở cửa lồng cho những chú chim nhỏ bay đi… Rồi có một lần mẹ nói với tôi, mẹ không muốn đi phóng sinh vì mẹ chứng kiến cảnh có những người kéo lưới để bắt những con cá được phóng sinh để bán lại, hay thấy những chú chim nhỏ tội nghiệp không còn đủ sức bay vì bị nhốt trong lồng quá lâu.
Từ đó mẹ bắt đầu thay đổi cách làm việc thiện. Mẹ bảo rằng mẹ không phóng sinh nữa, thay vào đó mẹ bàn với sư phụ (tôi vẫn quen gọi sư thầy ở chùa là sư phụ) phát tâm nấu cơm chay tặng miễn phí cho tất cả mọi người muốn ăn cơm chay ở chùa.
Mẹ làm cơm chay ở chùa cùng sư phụ đã nhiều năm nay. Sư phụ là một người thông tuệ, hay giảng cho tôi về nhân tình thế thái, về cách ứng xử trong cuộc đời mỗi lần tôi theo mẹ sang chùa. Những lời giảng đạo lý nhà Phật được sư phụ diễn giải đơn giản và dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.
 Mỗi ngày rằm và mồng một âm lịch hằng tháng, mẹ cùng những phật tử phụ với sự phụ nấu vài trăm suất cơm chay. Tất cả đều tự tay sư phụ chuẩn bị nguyên liệu và nấu nướng, những phật tử khác cùng mẹ và tôi chỉ phụ nhặt rau và sơ chế. Hôm nay thực đơn trong mỗi phần cơm có canh bông tuyết (một loại canh được nấu từ nấm tuyết), nhìn bàn tay sư phụ lẫn trong rổ nấm tuyết trắng tinh tôi cứ ngỡ như sư phụ đang nghịch tuyết, khuôn mặt vô âu và bình an như trẻ thơ vậy. Sư phụ vừa làm, vừa trò chuyện với mọi người xung quanh với giọng nhẹ như gió thoảng. Tôi thường không để ý đến câu chuyện của mọi người mà chỉ chăm chăm để ý xem hôm nay có món gì. Bởi với tôi, món chay ở đây ngon hơn tất cả những nhà hàng tôi từng được mẹ dẫn đi ăn. 
 

 
Công việc của mẹ và sư phụ mỗi ngày một nhiều lên. Mẹ chăm lo cho gia đình chúng tôi bao nhiêu thì mẹ chắt chiu cho ngôi chùa bấy nhiêu. Từ tận trong sâu thẳm trái tim mẹ, tôi nghĩ ngôi chùa giống như căn nhà thứ hai của mẹ, mẹ quan tâm từ cây chổi quét sân đến cái chảo trong bếp hay lọ gia vị. 
Hôm nay là bữa phát cơm chay cuối cùng trong năm ở chùa. Tôi mới xa nhà có sáu tháng mà mẹ và sư thầy đã từ khi nào tăng số lượng từ 200 suất mỗi ngày lên tới 750 suất cơm, 500 suất ở chùa và 250 mẹ cùng sư phụ mang vào Viện Huyết học truyền máu trung ương, cũng ở ngay gần chùa Thọ Cầu (chùa ở số 19 Trương Công Giai, Cầu Giấy). Tôi nhớ trước đây mẹ vẫn thường bảo tôi đi ship cơm chay chỗ này chỗ kia, nhiều hôm mẹ và các vãi đưa cơm đến tận 12 giờ mới hết. Bây giờ với 500 suất cơm chay chỉ trong vòng 1 giờ đã hết, bởi như một thói quen, ngày rằm và mồng một mọi người gần xa đều về chùa để thưởng thức tài nấu nướng của sư phụ. Tôi thấy mẹ vui lắm, mẹ nói rằng nhà chùa phát tâm cơm chay là để mọi người hướng thiện và ăn cơm chay là một hành động bảo vệ môi trường sống, hướng thiện từ việc không cổ vũ sát sinh. Vẫn là những gương mặt thân quen, U Hương (mẹ ca sỹ Thanh Lam) chưa bao giờ bỏ sót thiện nguyện ngày nấu cơm chay nào dù U đã 80 tuổi và giọng cứ sang sảng, là cây hài của cả nhóm, và nếu được đề nghị U rất thích ngâm thơ cho mọi người nghe. Rồi chú Tiệp, người trông coi chùa dễ mến lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ mọi người với nụ cười hiền hậu, trên gương mặt còn hiền hơn cả nụ cười. Mỗi lần tôi về đều sang chùa cùng mẹ, và như tất cả những người mẹ trên thế gian này vẫn nghĩ tôi là một đứa trẻ, và có lẽ mẹ không biết rằng tôi đã tìm hiểu qua việc đọc để giải nghĩa về đức tin của bà, của mẹ, về Phật pháp và tôi thậm chí còn đang thực hành thói quen sống “chánh niệm” theo sự hướng dẫn và tư tưởng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Tôi nghe giảng pháp mỗi đêm. Và có lẽ tôi thấm nhuần đạo lý của nhà Phật từ trong tiềm thức, từ thói quen đi chùa của bà, từ sự từ tâm của mẹ, từ tiếng mõ trong ký ức đến hành động thiện nguyện của mẹ hôm nay. Tôi đi qua tuổi thơ trong văng vẳng tiếng chuông chùa, trong những câu kinh bà tụng niệm mỗi sáng với dòng sữa ngọt ngào từ trái tim bao dung của mẹ…
 

 
Trên chuyến bay dài từ Canada trở về Việt Nam, tôi vừa bảo vệ xong đề tài tốt nghiệp của mình với thành tích đủ để tôi tự hào về bản thân và với một lời mời công việc hấp dẫn, một thử thách công việc mà tôi đã từng ao ước được trải nghiệm. Năm nay tôi được về đón tết sớm hơn mọi năm, như bao nhiêu lần trong suốt 5 năm tôi học đại học và tiến sỹ, người đón tôi ở sân bay bao giờ cũng là mẹ. 
Phố đã vào đông, lũ bạn của tôi ở lại chơi xả hơi sau một thời gian dài căng thẳng vật lộn với kỳ thi, tôi đã lựa chọn giữa việc về quê giỗ bà với chuyến đi vòng quanh mấy nước châu Âu dịp Noel cùng mấy đứa bạn thân. Chắc hẳn mẹ sẽ rất ngạc nhiên xen lẫn với chút lo lắng khi thấy tôi hủy dự định đi chơi mà trở về sớm hơn dự kiến. Bởi mẹ đâu biết rằng tôi đã có một đêm cô đơn trong chính căn hộ của mình nhìn tuyết rơi ngoài cửa sổ. Tôi nhớ bà, nhớ mái tóc bạc trắng như cước của bà, và tôi nhớ vào dịp tết này cây đào trắng phía sau ngôi chùa nở như những bông tuyết trắng phau trên cây. Và chính trong khoảnh khắc ấy tôi biết mình nhớ bà, nhớ mẹ và nhớ Việt Nam đến thế nào.
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 200