Hành trình yêu vườn những ngày mưa bão

Lượt xem: 2121
26/9/2024 8:00 - Nhà ở
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS NGUYỂN BẢO TIÊN HOÀNG Ảnh TL

Mùa mưa bão đến mang theo những cơn gió lộng và những trận mưa xối xả, khiến nhiều người lo lắng cây trồng sẽ mau chóng rời xa! Nhưng sự thật là, mùa mưa chẳng phải kẻ thù của khu vườn, đây chính là cơ hội để bạn thể hiện tình yêu và sự quan tâm đối với thiên nhiên, để dù trời có mưa to gió lớn, cây cối vẫn tươi tốt và khu vườn của bạn vẫn là nơi “chữa lành” đầy bình yên!

 

 
Bảo vệ cây trồng trước khi mưa gió “tấn công”
Đầu tiên, mùa mưa bão chính là thời điểm thực vật chịu nhiều tác động nhất, vì vậy chúng ta cần có sự quan sát kỹ lưỡng từ trước cũng như bảo vệ những người bạn cây của mình thật chu đáo.
Nếu trong vườn nhà có những cây leo hay cây lớn, bạn nên làm khung giàn chắc chắn để chúng bám trụ vững hơn và không bị gió quật ngã, đặc biệt nếu bạn có một khu vườn trên sân thượng - nơi rất dễ bị tổn thương bởi gió mạnh. Đối với các loại cây lớn hay cây bóng mát trong vườn, bạn có thể áp dụng các biện pháp gia cố chuyên nghiệp hơn tránh tình trạng gãy đổ gây nguy hiểm.
Nếu bạn có một khu vườn nhỏ xinh, chỉ cần dùng những cọc chống làm từ gỗ thừa, hoặc dây không co giãn để cố định thân cành, là đã giúp cây đứng vững trước gió mưa rồi. 
 

 

 
 
 
Chăm cây đúng cách vào mùa mưa
Bạn có biết rằng cắt tỉa cây trước khi mưa bão đến không chỉ giúp giảm độ ẩm, tránh nhiễm trùng mà còn là một cách để cây trông gọn gàng, khỏe khoắn hơn? Loại bỏ những lá già cỗi và nhánh khô héo, cây cối sẽ cảm ơn bạn! Điều này không chỉ giúp cây tránh ngập úng mà còn tạo điều kiện cho nước bốc hơi nhanh chóng khi mặt trời ló dạng, hạn chế việc phát sinh nấm mốc, nhiễm trùng hay sâu bệnh do ẩm ướt. Đối với những cây lớn, đừng quên cắt bỏ các nhánh yếu, kẻo chúng bị gãy trong cơn bão, gây nguy hiểm cho cả khu vườn và cả bạn nữa đấy!
Đừng quên che chắn cho cây trồng vào những ngày mưa lớn. Một tấm bạt hay áo mưa cũ có thể trở thành chiếc “áo giáp” tuyệt vời cho những chiến binh cây, hoặc sử dụng hẳn lồng bảo vệ cây chuyên dụng cho mùa mưa, không chỉ bảo vệ đất tránh tình trạng ngập úng và rửa trôi chất dinh dưỡng, mà còn giúp cây không bị thối rễ trong những ngày mưa liên miên.
 
 
Hãy yêu thương cả đất trồng và chậu cây
Khoảng cách giữa các chậu cây cũng giống như khoảng cách giữa con người khi trời mưa - nếu quá gần nhau, chẳng ai được khô ráo cả! Hãy nhẹ nhàng dịch các cụm chậu cây ra xa nhau một chút so với mùa nắng, tạo một khoảng cách nhỏ để đảm bảo không khí lưu thông tốt hơn và nước mưa có thể thoát đi dễ dàng. Đừng quên giữ cho khu vực quanh cây luôn sạch sẽ và thoáng đãng, tránh nấm mốc và hình thành rêu trong mùa ẩm thấp. 
Đất vào mùa mưa rất dễ bị ngập úng, do đó hãy giúp đất “thở” bằng cách dùng cào nhỏ hay nhánh cây để làm tơi đất, giúp tăng cường lưu thông khí và thoát nước tốt hơn. Bạn không cần phải xới tung cả khu vườn đâu, chỉ cần một vài lỗ nhỏ trên bề mặt đất đã đủ để mang lại sự thay đổi lớn rồi. Ngoài ra, tránh bước đi trực tiếp trên đất trồng khi đất ướt, nếu cần thiết, bạn có thể đặt một tấm ván lớn để tránh gây áp lực lên đất, giúp cây cối và chất trồng không bị nén chặt quá mức.
Đừng quên cung cấp đất dinh dưỡng cho đất bằng việc bón thêm phân, ưu tiên phân tan chậm vào mùa mưa, hạn chế bón đạm nhiều vì dễ gây đỗ ngã với các loại rau, bón vùi hẳn vào đất để tránh bị rửa trôi. Đồng thời bạn có thể trộn chất hữu cơ như cỏ cắt hay mùn lá với đất để giúp thoát nước tốt hơn.
 
 
Lợi thế mùa mưa cho khu vườn thêm sức sống!
Thay vì chỉ lo lắng về mưa bão, tại sao chúng ta không thử tận dụng nó để chăm sóc vườn thêm hiệu quả?
Nếu bạn yêu thích những bãi cỏ rộng rãi và xanh mướt thì mùa mưa là thời điểm lý tưởng để gieo hạt. Cỏ đậu phộng, cỏ ba lá, cỏ xuyến chi,… hạt giống sẽ nhanh chóng nảy mầm sau những cơn mưa nhẹ mà mang đến không gian tràn ngập màu xanh. Nhưng nhớ nhé, hãy chọn ngày mưa nhỏ để gieo, tránh những cơn mưa lớn có thể làm hạt giống bị trôi đi mất.
Những ngày mưa xen kẽ với nắng cũng là thời điểm lý tưởng để bạn “phơi mưa” cho các loại cây thảo mộc trong nhà như húng quế hay bạc hà. Chỉ cần một chút nước mưa, cây sẽ được cung cấp thêm độ ẩm tự nhiên, giúp chúng phát triển mạnh mẽ hơn và có hương vị đặc biệt hơn!
Tận dụng ưu thế của những ngày mưa để mang lại lợi ích cho khu vườn của bạn, tại sao không? Sử dụng xô, chai, lu, hay bất kỳ thứ gì để trữ nước mưa. Ông bà ngày xưa vẫn yêu quý nguồn tài nguyên vô tận này, khoa học cũng chứng minh nước mưa rất tốt cho cây trồng, giúp cây quang hợp tốt do chứa nhiều ni tơ hơn nước máy, và dĩ nhiên còn giúp bạn tiết kiệm kha khá chi phí nước tưới nữa.
 
 
Chăm vườn ngay cả khi bạn ở trong nhà
Bạn có thể lo lắng không biết liệu có nên trồng cây vào mùa mưa không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể! Miễn là bạn đảm bảo chậu cây thoát nước tốt và không bị đọng nước. Hoặc nếu muốn an toàn hơn, bạn có thể tận dụng những ngày mưa để gieo hạt các loại hoa, rau hay thảo mộc trong nhà, đợi khi cây con đủ cứng cáp thì đưa ra ngoài trời. Có rất nhiều loại thích hợp để bạn trồng lâu dài bên bệ cửa sổ, bàn bếp hay đơn giản là đến khi thời tiết quang đãng hơn thì mang hẳn ra ngoài vì hầu hết hoa cây thảo mộc và gia vị đều là cây ưa nắng.
Ở nhà vào ngày mưa và dành thời gian để làm vài món đồ trang trí chắc chắn là một lựa chọn tuyệt vời. Tô màu sơn ngoài trời cho những chiếc chậu cũ, vẽ nhãn tên trang trí cho cây, tái chế vài món vật dụng để ươm cây, đan macrame cho những chiếc chậu treo nghệ thuật hay làm một chiếc chuông gió cùng búp bê cầu nắng - những công việc không chỉ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian trong nhà mà còn tạo nên nét đặc sắc đáng yêu cho khu vườn của bạn. Vừa vui, vừa giúp khu vườn trở nên độc đáo hơn, thật tuyệt vời phải không nào?
Mưa bão không còn là nỗi ám ảnh nếu bạn đã sẵn sàng với những mẹo chăm sóc khu vườn đúng cách. Hãy nhớ rằng, mỗi cơn mưa đều mang đến cơ hội để cây cối phát triển, và bạn hoàn toàn có thể giúp khu vườn vượt qua mọi thử thách bằng tình yêu và sự chu đáo! Chúc bạn luôn vui vẻ và tận hưởng những giây phút tuyệt vời bên khu vườn yêu quý của mình, dù trời có mưa nắng thế nào đi nữa, hãy để mỗi ngày làm vườn là một niềm vui và sự gắn kết cùng thiên nhiên đầy thú vị!
 
 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 219