Lan man nghĩ chuyện làm nhà

Lượt xem: 2508
18/9/2024 16:00 - Bạn đọc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài ĐINH HẠ Ảnh TL

Sau khi đi xem thầy tử vi nổi tiếng nhất vùng kết hợp cùng tra mạng google, thằng chú em vừa cùng xóm vừa trong họ quyết định làm nhà mới, phá bỏ hoàn toàn ngôi nhà cũ cha mẹ để lại. Suốt mấy hôm, chú tất tưởi lên nhờ tôi tư vấn quy cách làm nhà.

 
 
Không phải tôi tài giỏi gì nhưng ít ra cũng đã hai lần làm nhà dọc rồi nhà ngang rồi nên chú có sự tin tưởng. Nào là hướng hợp tuổi, vật liệu mua ở đâu, tổ thợ nào làm, công khoán hay công nhật... Đã trải qua tình cảnh ấy nên tôi hiểu được sự vất vả khi bắt đầu xây dựng một cơ ngơi cho riêng mình.
Cha ông xưa đã từng nói Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Cả ba việc ấy thật là khó thay. Làm nhà là một trong ba việc đại sự của đời người đàn ông nên những băn khoăn, lo lắng cũng là điều dễ hiểu. Khác với thành phố, có tiền thì mua chung cư, không có tiền thì thuê nhà trọ; ở nông thôn, đến tuổi dựng vợ gả chồng thì phải có cơ ngơi để tạo dựng cuộc sống riêng. Cũng khác với các vùng miền khác, miền Trung, đặc biệt là xứ Nghệ quê tôi, như đòn gánh gánh hai đầu đất nước, nơi rốn mưa chảo lửa, thời tiết khắc nghiệt nên làm nhà không thể sơ sài vài tấm tôn dựng tạm mà phải kiên cố để chống chọi với những gió Lào, gió bấc, những cơn bão thường xuyên đổ bộ. 
Như câu hát quê hương thường hát Sinh con trai ra đầu, chịu hương tàn nước lạnh đồng thời để duy trì dòng giống. Thế nhưng sinh con trai ra cũng là canh cánh nỗi lo khi xây dựng gia thất. Nhà nào khá giả thì không nói nhưng những nhà khó khăn thì để kiếm được mảnh đất cho con ở riêng thì quả là nan giải. Đất ngày càng chật, người ngày càng đông dẫn đến tình trạng dù ở nông thôn cũng tấc đất tấc vàng. Tình trạng cò đất, rồi những tay đầu cơ trong đấu giá đất ở cũng như những đồng tiền ngoại tệ gửi về làm cho giá trị đất thổ cư tăng chóng mặt. Thôi thì đành về anh em chia nhau mảnh đất hương hỏa cha ông để lại mà sinh sống, ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu.
Trở lại chuyện làm nhà cũng đủ kiểu cách. Nhà nào giàu có, đất rộng thì làm nhà gỗ ba gian bốn vì rồi có một gian xây lên gác để ngăn phòng. Nhà nào đất hơi chật thì xây nhà tầng để tận dụng không gian sử dụng. Nhà nào khó khăn thì làm nhà cấp bốn... Từ khi động thổ, đào móng đến lúc hoàn thiện công trình mất cả hàng tháng trời. Chủ nhà vừa phải sắp xếp lo công thợ, nuôi thợ rồi lo vật liệu rất vất vả. Những thứ phát sinh ngoài dự kiến luôn xảy ra trong quá trình xây dựng. Chính vì thế mà nhà xong thì chủ nhà thành con nợ là chuyện bình thường. Một năm làm nhà ba năm trả nợ là câu cửa miệng quen thuộc của quê tôi. Nhưng nợ có thể là vật liệu sơn gạch, cát đá, sắt thép, xi măng chứ công thợ thì phải lo đầy đủ. Ngày nay với giá cả leo thang thì công thợ cũng ngày càng cao. Chủ nhà có thể hợp đồng với thợ theo hai cách là khoán theo mét vuông của ngôi nhà hoặc làm công nhật. Nhưng dù cách nào đi nữa thì cũng quan trọng ở cái tâm và nhiệt tình của người thợ hơn là ở sự chênh lệch về giá cả. Không hiếm cặp vợ chồng trẻ, làm được nhà xong là đóng cửa lại dắt díu nhau ra Bắc vào Nam đi làm thuê để trả nợ. Đời xưa đã thế thì ngày nay cũng theo như vậy; thêm vào đó là sự khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung nên không thể làm nhà sơ sài được. Cho nên, đời người như ở quê tôi, có một cơ ngơi để sinh sống trở thành mục tiêu và cũng là gánh nặng lo toan nhất của một đời người.
 

Quê tôi cũng quan niệm “Sống cái nhà, già cái mồ”. Nếu ở tuổi trưởng thành lo gia thất thì khi về già lại canh cánh về nơi an nghỉ cuối cùng của mình. Vẫn biết rằng ở thời hiện đại, không còn những chuyện con cháu thuê thầy tìm đất phong thủy để chôn cất ông bà, cha mẹ khi qua đời mà an táng tại nghĩa trang theo quy định của làng xã. Thế nhưng ở quê tôi vẫn còn giữ tập tục hung táng và cát táng. Khác với dân thành phố thường hỏa táng xong là con cháu đưa hài cốt chôn cất vĩnh viễn luôn hoặc như người dân theo đạo Thiên chúa giáo cũng chỉ một lần an táng; dân quê tôi vẫn quan niệm chết chưa phải là hết mà còn phải qua hai giai đoạn. Thứ nhất là hung táng hình thức chôn cất thi hài sau khi qua đời. Gọi là hung táng bởi người xưa quan niệm “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ” nên khi một người qua đời thì người thân không thể chủ động được ngày tháng tốt hay đất đẹp để độ trì cho con cháu nên người xưa mới nảy sinh thêm hình thức cát táng. Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng. Thông thường thì sau ba năm khi đã mãn tang và trong nội tộc sạch sẽ (nghĩa là không còn người chết chưa mãn tang) thì người ta sẽ tiến hành cát táng. Tuy nhiên cũng tùy thuộc vào loại đất nơi nghĩa địa hung táng nhanh hay chậm phân hủy để người nhà có thể tiến hành công việc sau khi đã chọn được ngày tốt.
Nếu như làm một cái nhà Dương trạch đã khó thì chọn và làm nhà ở Âm phần cũng gian nan không kém. Làm nhà Dương trạch tùy thuộc vào khả năng tài chính, tuổi tác để tránh phạm vào các nạn Tam tai, Hoang ốc, Kim lâu... thì chọn ngày chọn đất Âm phần để có thế tả Thanh long, hữu Bạch hổ, tiền Chu tước, hậu Huyền vũ... cũng cốt mong sao để phù hộ cho con cháu được phúc đức, tài lộc, công danh... Như thế vòng nhân sinh của kiếp người luôn trải dài trong những lo âu dằng dặc. Một nét tâm lý chung dễ thấy đó là làm nhà cho kiếp người hữu hạn hay xây mộ cho cõi vô thường thì ai cũng phải ngày tháng đẹp khởi công, chọn kích thước hợp để xây dựng. Bởi suy cho cùng làm nhà để ở với mong muốn an cư lạc nghiệp; khi chết đi rồi cũng chỉ mong được mồ yên mả đẹp. Đó cũng là ước nguyện chính đáng của mỗi đời người...
 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 219