Nhà ông bà nội tôi, giống như những ngôi nhà truyền thống ở nông thôn thời ấy. Đó là một ngôi nhà cổ năm gian lợp lá cọ quay mặt về hướng Tây, có sân gạch rộng để trục lúa và phơi thóc những ngày mùa, bể nước mưa to trước sân, vườn cây ăn quả bao ôm quanh nhà. Phía trước nhà ao bèo thả cá, phía sau là ngõ xóm. Những dãy xoan ta, trồng thẳng hàng chạy từ ngõ vào sân rồi quây xung quanh khu vườn nguyện đứng làm phên dậu. Để rồi: Tháng ba nở trắng hoa xoan/ Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương (thơ Chế Lan Viên).
Mùa đông rét mướt, những cây xoan khẳng khiu gió bấc rung rẩy cành trên phông nền trời xám xịt. Ấy thế mà chỉ nghe “mùi xuân” là những cành nhánh tưởng khô khốc ấy bật mở những mầm xanh rồi một vài ngày thôi đã thành những chùm lá xanh um, hít hà khí xuân mát lành. Trong vườn rộng, dưới tán cây mít, ổi, na, nhãn, vải là những khóm cây dong, chóc, riềng, gừng, mùi tàu, khoai na… bốn mùa xanh tươi và luôn ríu ran tiếng chim. Sáng tiếng chim báo thức, chiều tiếng chim hát ca. Tiếng chim làm mềm nắng, tiếng chim làm ngọt mưa. Cái sân gạch là nơi trẻ con cả xóm hò hét trong những trận đá bóng bưởi; nơi những đêm hè mát rượi gió nồm Nam trải chiếu nằm nghe sáo diều vi vút và ngắm trăng sao. Tại sân này tôi đã học được ở ông nội kiến thức thiên văn đầu tiên trong việc xác định phương hướng bằng những chòm sao Thần Nông, Con Vịt, Gàu Sòng, Bắc Đẩu... Những hiện tượng thiên nhiên, vật lý có thể thấy ngay trên sân khi nghe bà tôi bảo: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng bay vừa thì râm hay “Mưa có bong bóng là cơn mưa dài”… Có lẽ đây là ngôi nhà yêu thích nhất với không gian yên bình đã in sâu vào tâm trí tôi.
Ba gian giữa rộng rãi liên thông, thực ra đó chỉ là gian ước lệ chứ có gì ngăn cách ra từng gian đâu. Phía sau là vách gỗ ván xẻ, bào nhẵn được ghép kín, phía trước là dãy cửa cánh lim lâu ngày lên màu đen sẫm, ở mỗi ô cửa có bốn cánh chân quay. Ngày thường mở hai cánh ra vào ở cả ba khoang, chỉ khi đi ngủ mới đóng lại và cài bằng then gỗ. Ngày có việc thì mở luôn cả bốn cánh hoặc tháo ra cả dãy gồm mười hai cánh cửa. Ngay chính giữa nhà, bàn thờ gia tiên gồm bát hương, bài vị. Dưới bàn thờ là chiếc tủ chè gỗ gụ, trang trí hoa mai và những con dơi, những bông hoa mai và cánh dơi chạm trổ tinh xảo viền phía trên cửa kính cánh lùa.
Phía trước tủ chè đặt một bộ bàn ghế ba nan dùng để tiếp khách. Hai bên kê hai gường đôi kiểu gường chân ngựa, có thành gường với những nan uốn lượn mô phỏng bình minh và hoàng hôn trang trí chữ thọ cách điệu. Hai chái nhà là hai buồng kín đáo. Bên gian buồng phía gường của ông bà nội có kê gường ngủ của các cô ngày chưa đi lấy chồng. Một bên buồng kia là nơi đựng thóc lúa, rương, hòm quần áo và của nả...
Ông nội tôi hay ngồi trầm tư nơi góc bàn uống trà buổi sáng sớm, bên cánh tủ chè cong khảm trai cảnh thần tiên thanh bình với bầu rượu, túi thơ và ông già đang câu cá. Ngồi đối diện là bố tôi với tập bài vở, soạn giáo án lên lớp. Ngày cô tôi đi lấy chồng, ba gian giữa được thông phong hết các cửa. Mở ra một khoảng không gian trang trọng nhưng gần gũi. Ngày ấy, thời chiến đám cưới được tổ chức vào buổi tối. Đoàn rước dâu đi trong ánh sáng mờ của trăng sao. Các tiết mục văn nghệ của trai thanh, gái giòn mừng hội hôn sôi nổi trong ánh sáng những ngọn đèn dầu phòng không, có câu khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”.
Vậy đó, ba gian nhà giữa là trung tâm, nơi sinh hoạt của cả nhà, cũng là nơi sinh khí, vượng khí của ngôi nhà. Việc thờ cúng, tiếp khách, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí và kiêm cả chỗ chơi của trẻ con. Từ trong nhà bước qua ngưỡng cửa là hiên rộng, nơi bà tôi vẫn thường trải chiếu ngồi têm trầu hay may vá. Những lúc ấy chúng tôi thường được bà kể truyện Phạm Công - Cúc Hoa, truyện thơ dài mà bà thuộc nằm lòng từ khi nào. Trong mắt các cháu, bà nội như một vị Bồ tát hết mực yêu thương. Mãi về sau này tôi cứ vương vấn những ngày tháng và không khí ấm cúng: Nhớ những ngày trở gió heo may/ Kim chỉ, thềm hiên bà ngồi may vá/ Quanh quẩn sân nhà, nhỏ niềm vui thích/ Là mỗi lần bà gọi đến xâu kim. Chính tại khoảng không gian ấm áp này tôi và các em tôi lớn lên trong sự bao bọc, yêu thương của cả nhà. Bậu cửa là nơi chúng tôi vịn bám rồi chập chững những bước đi đầu đời. Những vuốt ve trìu mến khi ngoan ngoãn và cả mấy roi phạt khi mải chơi, dại dột trèo cây cao bắt tổ chim vành khuyên… Nói chung mọi sinh hoạt gia đình tôi đều ở đây, trong không gian chung. Nói một cách vĩ mô thì ở đây có cả đối nội và đối ngoại. Các cột lim trong nhà to bằng thân cây chuối hột, các cột đều được đặt trên đế cột bằng đá xanh đẽo nhẵn. Trong lòng nhà, ngoài diện tích kê bàn tiếp khách, gường còn chừa lại một không gian nho nhỏ trải vừa đủ chiếc chiếu ngồi ăn cơm và cũng là lối đi lại. Mỗi khi nhà có khách, các ông thì ngồi ghế uống nước chè tươi, đàm đạo thế sự, công việc ruộng đồng. Các bà, các chị ngồi hai bên gường đan len móc sợi và “tám” chuyện. Trẻ con vui đùa ngoài hiên rộng. Nhà ở, với thiết trí như thế đã tạo lên một không gian mở theo chiều ngang, rộng rãi và thoáng mát.
Bài trí, tiện ích, tiện nghi trong nhà cũng tạo sự gắn kết, yêu thương trong ấm áp tình cảm gia đình. Mọi sự giao tiếp đều diễn ra ở đây nên mọi tâm trạng buồn vui đều được chia sẻ, cổ vũ kịp thời. Tuy nhiên cũng có đôi chút bất tiện về không gian riêng tư, ngủ nghỉ...
Với tôi, không gian sinh hoạt chung có rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống gia đình. Khi có đất, xây nhà riêng ở thành phố tôi đặt yêu cầu với kiến trúc sư thiết kế. Gồm phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ còn có phòng sinh hoạt chung với bộ sofa bọc nỉ êm ái, kệ kê chiếc tivi màn ảnh rộng xem bóng đá và giàn âm thanh nghe nhạc. Trên tường treo tranh gò đồng cảnh cá chép vọng nguyệt. Sẽ giống như gia đình truyền thống Việt Nam, không gian sinh hoạt chung luôn phát huy những giá trị tốt đẹp trong đời sống gia đình đầy ý nghĩa. Vợ, các con và các cháu tôi đều rất thích phòng sinh hoạt chung. Chúng tôi vẫn bảo không gian sinh hoạt chung là nơi khởi đầu và cũng là nơi giữ ngọn lửa ấm áp gia đình.
Theo Kiến trúc & Đời sống số 220