Quyến rũ bằng sự cổ kính

Lượt xem: 12339
2/10/2020 10:00 - Thế giới kiến trúc
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Nguyễn Vinh

Inter City là khách sạn không đặc biệt về kiến trúc nếu nhìn từ bên ngoài. Vì nó chìm vào tổng thể một khối nhà màu vàng xỉn được xây từ thời thuộc địa Pháp. Nhưng Inter City lại đặc biệt vì sức cuốn hút bằng cảm giác ánh sáng, màu sắc, gợi xao xuyến hoài cổ từ bên trong.

 
Khoảng đón ánh sáng giếng trời giữa những hành lang
 
Trong tờ brochure giới thiệu inter city, người ta chỉ giới thiệu đây là “The best view of Mekong river” (có view tốt nhất để ngắm sông Mekong). Quả thế. Những cửa sổ khách sạn này hướng ra đại lộ Fa Ngum (Ban Wat Chan, quận Chanthaboly, thủ đô Vientiane) ven bờ Mekong nên nó đón gió và nắng trực tiếp hắt lên từ ngực sông bốn mùa phập phồng. Bên kia bờ là Thái Lan. Dòng sông chu du qua bốn quốc gia tính từ thượng nguồn, đến đây, mang quốc tịch Lào.
Nằm trên đại lộ thuộc “ranh giới mềm” của hai nước. Dãy nhà nơi Inter City toạ lạc đã chứng kiến nhiều giai đoạn phức tạp của lịch sử nước Lào. Và như thế, nó nuốt vào mình không gian của lãng quên phai nhoà và những giá trị lưu cữu.
Toàn bộ cái đặc biệt là nội thất của khách sạn này mang đến cho du khách cảm giác cổ kính. Với các khách sạn ở Vientiane thì điều này không lạ. Nhưng có thể nói, Inter City mang đặc trưng về lối khách sạn kiêm chốn sưu tầm và shop buôn bán đồ cổ. Đó mới là điều đặc biệt.
Khách đến Lào còn có thể kiếm tìm những tượng cổ xuất xứ từ Lào, Trung Quốc trôi dạt ở Morning Market, đường Samsenthai hay ở chợ đêm Luang Prabang. Nhưng cũng có thể ghé lại, hít thở mùi mộc mạc, màu cổ kính trên nước sơn hay vết sẹo thời gian trong khách sạn đậm nét hoài cổ thế này.
Một sảnh đợi với những mặt trống đồng giá hàng triệu USD là vật phẩm hiếm hoi của nền văn minh cổ Đông Dương, là những tượng Phật bị cắt đầu thời chiến tranh giữa Lào - Thái trong quá khứ mà người Lào vì tín ngưỡng và quan niệm riêng, không cho tái chế, nấu lại; là áo mão vua quan và các tộc trưởng được sắp đặt dọc những dãy hành lang qua các cửa phòng, có thể thấy những hoạ tiết cổ, những tượng gỗ cũ kỹ đã trượt qua dăm bảy thế kỷ, lắm phen thăng trầm.
Khách ngồi nghỉ ở dưới những giếng trời trong khi đợi bạn bè sửa soạn đi dạo phố, có thể tận hưởng trọn vẹn thứ ánh sáng được lọc qua những lớp gỗ nâu xỉn, những tượng Phật nằm thư thả, những phù điêu sót lại. Cả màu ánh sáng của ngày gắt gỏng nắng khi xuyên lọt xuống lớp giếng trời và ánh lên sắc vàng hoạ tiết, sắc son của tường cũ cũng trở nên huyền ảo, gợi nhớ vàng son một thuở.
Trong một bài báo của Phonesavanh Sangsomboun trên tờ Vientiane Times - nhật báo bằng tiếng Anh hàng đầu tại Vientiane - sáng ấy, chúng tôi được đọc thông tin Chính phủ Lào chỉ cho phép những shop này trưng bày, hạn chế không cho buôn bán đồ cổ rộng rãi như trước, để giảm nạn chảy máu cổ vật, thất thoát di sản.
Những mặt tượng thâm sì, sạm sụa và sứt mẻ đến từ nhiều vùng văn hoá khác nhau như là những diện mạo cụ thể nhất, hiện thân cho thời gian đã mất. Thời gian của một xứ sở bị quên lãng và nay được tìm thấy, bủa vây quanh ta sự sóng sánh lạ lùng của xúc cảm hoài niệm.
 
Không gian trưng bày những cổ vật giá trị như một bảo tàng thu nhỏ
 

 

Từ cổ kính đến hiện đại đều mang dấu ấn tâm linh. Những hoạ tiết gỗ cũ mô phỏng hoa linh thoại
 
Vientiane còn là đất của đồ cổ thu hút khách phương Tây khám phá
 
  
Góc trưng bày với chiếc đồng hồ quả lắc cũ có từ thời Pháp
 

 

Một phù điêu sống động và tượng âm binh bằng đồng cũ được trưng bày
 

 

Dấu ấn và tặng vật từ những cánh rừng LàoPhù điêu cổ gợi nhớ đất nước triệu voi xưa
 
thổ cẩm lào được trang trí cách điệu làm đường dẫn giữa những gian phòng thêm cảm giác mộc mạc nhưng huyền ảo
 

Phòng ngủ có view đẹp nhìn ra bờ sông Mekong

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 18