Tôi đi tìm Hà Giang

Lượt xem: 399630
31/10/2018 0:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Nguyễn Nhân Ái

Công viên đá Đồng Văn, một công viên khát nước nhất trên hành tinh bởi mưa bao nhiêu đá cũng hút hết và không bao giờ có nước lũ chảy ra từ núi đá. Điều này giải thích cho việc những ngôi nhà sàn đơn sơ của người dân tộc được bao bọc bởi núi và núi nhưng không hề bị lũ quét.

 

 

 
Hoa tam giác mạch được trồng theo những triền núi, cứ chỗ nào có đất là có hoa, càng lên cao nhìn xuống, càng thấy hoa như mây trôi từ những thửa ruộng bậc thang, lẫn vào đá giống như những suối hoa buông thả từ chân mây xuống đến chân núi. Loài hoa mảnh như sợi tơ vương, trong sáng như tiếng cười và đôi mắt trong veo của lũ trẻ ngơ ngác nấp sau những vách đá nhìn du khách rồi thoắt cái chạy trốn lấp ló sau chiếc gùi trên lưng mẹ. Hoa mỏng hơn cả sương trên đỉnh núi Mèo Vạc, kiên cường bám vào vách núi cheo leo như chính cuộc sống của người dân nơi đây.
Có một Hà Giang trong ký ức như thế! 
Chiều chầm chậm trôi trên Phố Cáo, bên bậu cửa ngôi nhà có ba thế hệ cùng chung sống, bà cụ ngồi phơi nắng bên thềm, cô con dâu tuổi chưa tròn đôi mươi ngồi cho con bú tĩnh lặng như bức tranh sơn dầu. Vài ba đứa trẻ có khuôn mặt buồn bước ra từ đá với đôi mắt sâu thăm thẳm…Những ngôi nhà ngói vách đất nhấp nhô bừng lên trong nắng xuân và tô điểm bởi rờm rợp hoa đào trước đây đã thay thế bởi bức tường xây vội bằng gạch và lợp mái tôn lổn nhổn thô kệch. Dạo này, nhiều người Kinh chen vào Phố Cáo xây dựng nhà cửa để bán hàng, và để cho khách ở trọ. Phố Cáo ngày xưa chỉ còn là vết tích, chút nắng cuối ngày bừng lên hắt những mảnh sáng cuối cùng lên các vạt đồi, bên bờ tường đất còn sót lại. Sự tĩnh mịch bủa vây lấy không gian, rải rác trên các triền núi, chiếc gùi của người gieo hạt cho mùa ngô xuống núi như cõng cả bóng đêm trở về. Gió chiều bắt đầu thổi mạnh, sương đêm phả ra từ đá, cảm giác mênh mông buồn pha chút trống trải, những ngón tay tê buốt, lạnh lẽo len lén xiên vào da thịt lúc nào không hay. Điểm nhìn duy nhất còn sót lại là vệt mây hồng ửng lên phía chân trời nơi dốc đèo Thẩm Mã. 
 
 
 
 
 
 
Nuối tiếc tiếng cười trong veo như giọt nắng trên khuôn mặt ửng hồng của những chàng trai, cô gái H’Mông. Những đứa trẻ lưng đeo gùi hoa cải hôm nay tôi gặp không phải để giúp cha mẹ thu hoạch mùa mà tiếng cười ấy, những bước chân ấy để mua vui cho du khách chụp ảnh để lấy tiền. Bọn trẻ cười theo yêu cầu và theo đồng tiền chúng nhận được nên không còn vang lên trong trẻo giữa núi rừng âm vang. Nào Phố Cổ, nào chợ Đồng Văn… chẳng còn dấu tích nào như cái tên của nó, quán café cũ đã khoác lên mình lớp sơn ồn ào và dễ dãi, không gian quán láo nháo bởi tiếng sát phạt của một canh bài đang thời điểm gay cấn. Ý tưởng dựng lên một phố café cho du khách dừng chân cũng là một điểm nhấn du lịch nhưng chính cái sự giả cũ cẩu thả và hời hợt khiến mọi góc nhìn đều trở nên dở dang và giả dối. 
Nhớ lắm, hình ảnh những người phụ nữ H’Mông ở chợ Đồng Văn, những chị, những mẹ và những cô gái trẻ bộ váy thổ cẩm rực rỡ sắc màu và ánh mắt tươi vui xuống chợ mà cứ như đi hội. Nhớ những xâu quýt trong chiếc gùi mà lũ chúng tôi nghịch ngợm mua xong đeo lên cổ, cài lên đầu nhau như những chiếc vương miện được hái từ núi rừng.
Tôi đi tìm Hà Giang của tôi bằng một bình minh rực rỡ ở Cổng Trời, rồi trở lại ngắm dòng sông Nho Quế hiện lên dưới lớp sương bàng bạc với tâm trạng trống rỗng. Dòng Nho Quế vẫn còn đây nhưng không còn hoang dã như xưa, sông đã bị ngăn đập trở nên hững hờ, tù đọng giữa đồi núi chập chùng. Lang thang qua những ngọn đồi phất phơ hồn hoa cải cuối mùa, xuân đã cạn ngày dù nắng vẫn cứ vàng óng như rót mật. Giữa mênh mông xa vắng của khúc giao âm ngày cũ chợt thấy buồn mênh mang…
Liệu có xa xỉ lắm không khi tôi mong muốn Hà Giang giàu lên nhờ du lịch nhưng đừng đánh mất đi một Hà Giang với sự quyến rũ đặc biệt từ sự bí ẩn và hoang dã. Xin hãy bảo tồn một Hà Giang mộc mạc nguyên sơ với những bản, làng rêu phong cũ kỹ và nét văn hóa đã lên men làm say lòng du khách.
 
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 143