Qua những khúc quanh, biển xanh ngắt hiện ra không hề báo trước, đem lại một sự bất ngờ ngọt ngào. Trải hút tầm mắt là những bãi cát vàng bất tận “soi ánh nắng pha lê”, sóng nước xanh biếc xô bờ.
Điểm cao nhất ở Phú Quý là ngọn hải đăng trên núi Cấm thuộc xã Ngũ Phụng. Ngọn hải đăng cao 18m với độ cao 126m so với mực nước biển. Từ trên ngọn hải đăng phóng tầm mắt ra xa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp toàn cảnh của hòn đảo xinh xắn với những mái nhà nhấp nhô, những con đường uốn lượn, những chiếc quạt gió khổng lồ, những hàng dương xanh rì, những cánh chim chao lượn, những chiếc thuyền tấp nập trên biển và những hòn đảo phía xa xa ẩn hiện giữa biển trời xanh ngắt một màu. Khi mặt trời buông xuống, hoàng hôn hiện lên rực rỡ với những sắc cam đậm nhạt trên nền trời, khung cảnh hết sức ngoạn mục.
Một điểm cao khác là núi Cao Cát, nơi có ngôi chùa cổ Linh Sơn tọa lạc có độ cao gần 80m so với mực nước biển. Đây là ngôi chùa cổ kính với rừng cây đại thụ bạt ngàn, bao phủ Linh Sơn tự một màu xanh bát ngát. Chùa có bức tượng Phật Bà Quan Âm uy nghi trên đỉnh núi . Nham thạch núi lửa cộng với sự xâm thực bào mòn của gió đã tạo nên những rãnh vặn xoắn độc đáo cho Cao Cát. Từ trên đỉnh Cao Cát có thể phóng tầm mắt xuống cả một vùng không gian rộng lớn quanh đảo.
Biển xanh mênh mông bao bọc “ốc đảo” Phú Quý. Nơi đây đất như hòa vào làm một, cảnh sắc mang đậm nét hoang sơ của vùng biển đảo nhưng vô cùng hùng vĩ và tráng lệ. Khí trời mát mẻ cùng gió biển làm tâm hồn thơ thới, một cảm giác tĩnh lặng bình yên len lỏi nơi trái tim.
Phú Quý nằm khá xa đất liền, vì vậy mà không khí, cuộc sống trên đảo bình yên và rất giản dị. Phú Quý không có sông ngòi. Mùa mưa, nước chảy tràn trên mặt đất. Người dân trữ nước vào mùa mưa, mùa khô phải dùng nước ngầm, nước giếng. Cuộc sống dân đảo gắn liền với việc ra khơi, đánh bắt cá xa bờ. Lênh đênh trên biển trở thành niềm vui, sự hứng khởi của họ. Cứ mỗi buổi sáng sớm là tấp nập tàu cập bến sau những ngày đánh bắt xa bờ, là những thùng cá đầy được chuyển từ biển vào bờ. Mọi người như hoạt động hết công suất với nụ cười luôn nở trên môi. Cuộc sống vui vẻ, ấm áp.
Vùng biển quanh đảo Phú Quý nước trong và sóng cũng to. Bờ biển là bờ san hô nên rất thích hợp cho lặn ngắm và khám phá những điều thần kỳ dưới đáy đại dương. Những rạng san hô sặc sỡ đủ sắc màu cùng các sinh vật biển dưới làn nước trong ngần. Các bãi tắm nên thơ như Bãi Nhỏ - Gành Hang, Hòn Tranh, Mũi Mộ Thầy… nổi bật nhất là vịnh Triều Dương với dải cát uốn cong hình chữ S cùng lớp lớp sóng vỗ quấn quýt bên chân.
Vịnh Triều Dương nằm cách cảng Phú Quý chừng 1km là bãi tắm đẹp nhất trên đảo, với bờ cát trắng mịn, trải dài tít tắp, biển trong xanh và ít đá. Trên bờ là hàng dương, hàng dừa xanh mát.
Phú Quý không chỉ hấp dẫn bởi sở hữu nhiều bãi tắm đẹp với vùng nước trong vắt, nơi đây còn có nhiều danh thắng cùng các đền miếu cổ kính cho du khách khám phá
Từ vịnh Triều Dương đi tiếp sẽ đến Bãi Nhỏ - Gành Hang, là một bãi tắm hình lưỡi liềm nằm dưới chân núi, nước trong xanh, ít ghe thuyền và không khí trong lành, tĩnh lặng, xung quanh được bao bọc bởi những mỏm đá đủ hình thù kỳ dị nhô ra biển. Nước biển xanh lam hòa trong cảnh sắc đen thẫm của bãi đá kề bên tạo nên cảnh tượng thơ mộng hữu tình. Dưới chân núi có những gành đá nham thạch, dấu tích của những đợt núi lửa phun trào. Những mẩu đá xù xì, cứng như thép vốn là sự kết tinh qua hàng trăm triệu năm từ quá trình phong hóa. Đẹp nhất vẫn là những khối đá phiến được sóng biển và gió biển bào mòn, từng lớp, từng lớp xếp chồng lên nhau
Hòn Đen là nơi chỉ có toàn đá đen, người dân địa phương quen gọi là Hòn Nghiên hay Hòn Mực. Những tảng đá màu đen óng với đủ hình dáng được sắp xếp một cách ngẫu nhiên tạo nên một bức tranh sống động.
Hòn Tranh nổi lên giữa đại dương mênh mông, bao quanh bởi bốn bề sóng biển. Nhìn từ vệ tinh, Hòn Tranh như một con cá khổng lồ. Từ vịnh Triều Dương nhìn sang, Hòn Tranh quyến rũ bước chân bởi cát trắng phau, những đợt sóng nhẹ nhàng lả lướt vỗ bờ.
Phú Quý - nơi sắc trời sắc biển hòa vào nhau đẹp rạng ngời - quả thật là món quà tuyệt diệu giữa đại dương thăm thẳm.
Đảo đẹp nhất trong hệ thống đảo bao quanh Phú Quý là Hòn Hải (hay còn gọi là Hòn Khám) cách đảo lớn 35 hải lý về phía nam. Đảo có tên trên bản đồ quốc tế với tên gọi Poulo Sapate, Hòn Hải là đường cơ sở A6 để tính lãnh hải của Việt Nam trên biển Đông. Đảo có hình dạng là một khối đá khổng lồ mang hình chiếc hài, cạnh mọc thẳng đứng cao hơn 100m, có diện tích 46.000m2. Nhìn từ trên cao thì chẳng khác nào một con cá khổng lồ đang vùng vẫy giữa đại dương biển Đông mênh mông.
Để có thể đến và chiêm ngưỡng cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú này, chúng tôi khởi hành từ đảo Phú Quý, di chuyển bằng tàu sau hành trình 6 giờ vượt sóng gió sẽ đến được Hòn Hải. Sau mấy tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, đón bình minh lộng lẫy và bữa sáng đơn sơ của ngư dân... khối đá khổng lồ lộ ra trước mắt. Cảm giác xúc động và choáng ngợp khi giữa một vùng biển không bến bờ lại có một khối đá sừng sững đơn côi, rợp trời chim biển chao liệng.
Hòn Hải hoàn toàn khô cằn, không có nước ngọt, cây cối, nhưng lại là nơi trú ngụ của hàng vạn chim nhạn, mòng biển, bồ nông. Vào tầm tháng 6, tháng 7 mùa chim đẻ, bề mặt đảo đặc nghẹt trứng chim và phủ một màu trắng phân chim. Sự rối rít, nhộn nhịp của những loài này khiến hòn đảo xinh đẹp trở thành tổ chim khổng lồ giữa biển Đông. Giữa biển xanh bao la, thăm thẳm cùng những ngọn sóng tung bọt trắng xóa, trời xanh với những tầng mây trắng bồng bềnh, chim nhạn, hải âu, mòng biển bay cao vút từng đàn. Con người tự nhắc nhớ bầy chim mới là chủ nhân của hòn đảo. Hãy đi khẽ, nói khẽ... đừng làm phiền đến lũ chim sinh sản và yêu đương.
Hòn Hải được hình thành từ núi lửa phun trào hàng triệu năm trước, phần dung nham gần mặt biển gặp nước, hóa đá rắn chắc còn phần trên cao thì xốp và mềm hơn, nên thường xuyên bị bào mòn, thường có đá rơi, đá lở, nhiều vách hụt. Qua bao thiên niên kỷ, gió và sóng biển bào mòn đá, tạo nên hàng vạn đường gờ uốn lượn nhấp nhô quanh đảo như những nét vẽ mềm mại.
Một trong những công trình độc đáo nhất tại đây là đường hầm xuyên lòng núi đá dài 170m với 4 cửa nối từ gần mặt biển lên mặt đảo. Hầm được gia cố bằng bêtông cốt thép chống đá rơi và dư chấn. Cửa hầm nằm ở mặt sau của tòa nhà rồi kéo dài lên bề mặt đảo bằng 170 bậc thang. Từ miệng hầm đến mặt đảo có 240 bậc thang được đổ bêtông kiên cố nối lên chân ngọn hải đăng.
Ngọn hải đăng Hòn Hải độc lập giúp tàu thuyền hoạt động ngoài khơi tỉnh Bình Thuận định hướng và xác định vị trí của mình. Tầm nhận diện địa lý ban ngày là 26,5 hải lý, tầm chiếu sáng ban đêm là 24,5 hải lý.
Vào những ngày biển lặng trời êm, Hòn Hải hiện lên sừng sững “cô đơn lẻ bóng” giữa biển xanh mênh mông, cứ thế tồn tại qua bao tháng năm lịch sử, trở thành cột mốc đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam ở khơi xa.
Thời điểm đẹp nhất để du lịch đảo Phú Quý là từ tháng 12 đến tháng 6, vào khoảng thời gian này biển khá êm và trong xanh
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 150