Bên cạnh đó, hiện trạng tủ giày được bao quanh một lớp tường, chiều rộng lớn làm cho khu vực bếp tối hơn cũng như thiếu liền lạc, nhóm thiết kế cũng đã đề xuất liên kết tủ giày và tủ lạnh thành một khối, xoay quanh yêu cầu chung là gọn gàng, nhưng sức chứa lớn hơn bằng tủ kịch trần.
Hệ bếp hiện trạng chữ L khi đổi qua tủ lạnh 2 cánh, cộng với những thiết bị như máy rửa chén, lò nướng thì diện tích tủ sử dụng không còn nhiều nên đã bố trí thêm 1 hệ tủ đối diện bếp, liên kết tủ đồ khô; bàn ăn và tủ pha chế kết hợp bàn thờ trên cao (bàn thờ có 2 cánh lam cửa lùa tạo sự đồng nhất trong thiết kế mà vẫn trang nghiêm). Như vậy hệ tủ đối diện bếp này vừa tích hợp nhiều công năng, vừa là điểm nhấn cho căn bếp, đồng thời thiết kế thêm bao cửa vòm ở giữa hai hệ bếp để tăng thêm thẩm mỹ cho khu vực này. Liên kết mọi thứ với nhau một cách tự nhiên, thu hẹp tầm nhìn ra khu vực kho và logia.
Chiều cao trần thô của phòng khách và bếp khoảng 2,95 mét, chủ nhà yêu cầu trần bếp có chiều cao là 2,6 mét, theo thiết kế để tạo hình tròn cho trần ở bàn ăn thì độ dày cần thiết là 0,3 mét. Tuy nhiên bên trên khu vực trần bếp có hệ thống đi nước cấp cho toàn nhà, để đạt được chiều cao bếp 2,6 mét mà vẫn giữ được thiết kế, nhóm đã phải đi lại hệ thống nước cấp để giữ được thiết kế trần tròn bo vuốt lên 3D và yêu cầu chiều cao bếp đạt 2,6 mét.
Căn hộ sử dụng những vật liệu thông dụng như gỗ công nghiệp, gỗ sồi tự nhiên, đá thạch anh, gạch... để tạo ra một không gian sống thư giãn. Điểm nhấn có thể kể đến là những đường cong được dụng nhiều trong thiết kế: Từ trần nhà đến các ô cửa sổ, vòm hành lang...
Ngoài ra chủ nhà muốn có một gương soi toàn thân ngay khu vực cửa ra vào. Khi bố trí mặt bằng thì không còn vị trí nào phù hợp hơn bên phải cửa, tuy nhiên lại vướng tủ điện, nhóm đã có giải pháp tủ gương, vừa bao che tủ điện vừa vẫn có một chiếc gương toàn thân ở đây.
Khi dùng vật liệu gỗ công nghiệp chủ đạo cho căn nhà, từ lúc lên ý tưởng thiết kế, nhóm đã quyết định sẽ sử dụng mã gỗ có bề mặt vân đơn giản nhất có thể, không có nhiều mắt gỗ, bề mặt không chênh lệch nhiều sắc độ màu, màu gỗ không quá sáng như màu gỗ sồi thường thấy nhưng không quá tối như màu gỗ óc chó. Hiện tại mọi người thường sẽ chọn dập nổi vân để tạo cảm giác sử dụng giống gỗ tự nhiên nhất có thể, tuy nhiên với lựa chọn đó cho căn hộ nhiều mảng gỗ như thế này có thể là “quá” và “nặng”, do đó mà gỗ nhẹ nhàng cả về màu và bề mặt, đã tạo được sự hài hoà. Các vật liệu phụ còn lại, nhóm thiết kế cũng lựa chọn theo tiêu chí trên.
Ngoài ra trong căn hộ này, nhiều đường cong được phát triển từ gợi ý của gia chủ. Chị Dương (chủ nhà) muốn có một ô cửa vòm lớn sau sofa cũng là mảng tường ngăn phòng ngủ nhỏ và phòng khách. Đôi ngũ thiết kế muốn “nhắc” lại đường cong đó ở nhiều vị trí khác trong nhà tạo sự thống nhất trong đường nét thiết kế.
Phần cong được nhắc lại nhiều nhất ở trần nhà. Đầu tiên là vòm ở hành lang lối vào các phòng ngủ như một đường hầm mở ra các phòng, ở gần khe rèm cũng có 7 mảng trần cong một cách có ý đồ, đó là tạo các khe đèn hắt led, đèn hắt (không thấy nguồn sáng) là một phần rất quan trọng trong thiết kế.
Dựa trên các đường cong để tạo những khe hắt đèn hợp lý, vừa là một lối trang trí vừa là công năng, ánh sáng căn hộ vào ban đêm khi không bật đèn downlight, chỉ bật đèn led là một sự thư giãn tuyệt đối, khi cả gia đình quây quần xem tivi, nghe nhạc, trò chuyện...
Thông thường chung cư có phòng khách và bếp thông nhau, đã có ô cửa vòm và nhiều đường cong ở trần phòng khách, thì phần trần của bếp nhóm muốn có một hình tròn trên trần nhà cho khu vực bàn ăn, hình tròn tượng trưng cho sự quây quần. Các cạnh tròn vuốt cong 3D là một công tác thi công khó, nhóm đã cố gắng đưa vào với kỳ vọng sau khi hắt đèn thì trần cho cảm giác hút mắt hơn...
Phần sàn cong cũng được lấy ý tưởng từ nhu cầu thực tế. Khu vực bếp với sàn gạch sẽ tiện lợi hơn cho sinh hoạt và vệ sinh, phòng khách và các phòng ngủ cần sự ấm cúng của sàn gỗ. Hơn nữa việc thay gạch toàn nhà là một khoảng chi phí lớn hơn nhiều so với sàn gỗ, công tác thi công đổi sàn gạch cũng tốn nhiều nhân công và thời gian hơn. Để cân đối tất cả điều đó nhóm đưa ra giải pháp chỉ thay gạch ở bếp, ban công và logia. Điểm tiếp giáp giữa hai vật liệu sàn gạch và sàn gỗ cần khéo léo để không bị chênh cao độ nguy hiểm cho người dùng và lợi dụng điều đó làm điểm thú vị cho sàn ở phòng khách và bếp. Chiếc nẹp inox được “may đo” riêng uốn lượn, chỉ một chi tiết nhỏ nhưng cần sự phối hợp của nhiều bên sàn gạch, sàn gỗ và thợ gia công kim loại... để hoàn thiện thiết kế.
Đơn vị thiết kế: IIN STUDIO
Địa chỉ: 58/44 Tân Cảng, P.25 Bình Thạnh, TP.HCM
Địa điểm: Bình Thạnh, TP.HCM
Nhóm thiết kế: Khánh Ni, Trúc Anh, Thanh Hiếu
Ở một số đồ nội thất có nguy cơ va quẹt gây nguy hiểm nhất là đối với trẻ nhỏ, nhóm cũng đã xử lý bằng những đường cong giúp đảm bảo an toàn
Theo Kiến trúc & Đời sống số 220