.jpg)
Nội thất thông minh là gì?
Đồ nội thất thông minh là những sản phẩm nội thất được thiết kế đa chức năng hay tích hợp công nghệ để thay đổi công năng, cải thiện chức năng và nâng cấp tiện nghi trong không gian sống. Chúng có thể bao gồm các tính năng như:
- Tự động hóa: Các sản phẩm này có thể tự động điều chỉnh theo nhu cầu của người dùng, chẳng hạn như ghế sofa có thể điều chỉnh độ nghiêng hoặc bàn làm việc có thể thay đổi chiều cao tự động.
- Kết nối IoT (Internet of Things - Internet kết nối vạn vật): Đồ nội thất thông minh có thể kết nối với các thiết bị khác qua mạng internet, cho phép người dùng điều khiển hoặc theo dõi chúng qua smartphone hoặc các thiết bị thông minh khác. Ví dụ: Hệ thống đèn led có thể điều chỉnh ánh sáng qua ứng dụng di động, hệ thống rèm điều khiển từ xa…
- Tích hợp công nghệ: Nhiều sản phẩm nội thất thông minh tích hợp các công nghệ như loa Bluetooth, cổng sạc USB, hoặc màn hình cảm ứng… Ví dụ như gương thông minh có thể hiển thị thông tin thời tiết, lịch trình hoặc tin tức, bàn làm việc có cổng sạc USB…
- Tối ưu hóa không gian: Đồ nội thất thông minh thường có thiết kế đa chức năng, giúp tiết kiệm không gian và làm cho các không gian nhỏ trở nên tiện nghi hơn. Ví dụ: Giường ngủ có ngăn kéo lưu trữ hoặc bàn gấp gọn, sofa mở rộng thành giường ngủ…
- Cải thiện sức khỏe và sự thoải mái: Một số sản phẩm còn có tính năng hỗ trợ sức khỏe như ghế ngồi cũng là ghế massage, bàn làm việc có thể điều chỉnh tư thế ngồi đứng, hoặc đệm thông minh điều chỉnh nhiệt độ.
Khái niệm nội thất thông minh là khái niệm rộng hơn khái niệm nội thất đa năng mà ta vẫn thấy trên thị trường nội thất, với các đồ đạc có khả năng “biến hình” từ chức năng này sang chức năng khác hay có thể thu gọn. Nội thất thông minh có thể là các thiết bị trong nhà được thiết kế tích hợp với công nghệ cao, có nhiều tính năng và vận hành thông minh, kết nối internet và thân thiện trong giao diện sử dụng. Và như vậy, nội thất thông minh có sự chồng lấn với nhà thông minh.
Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, thì đồ nội thất thông minh cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đó. Công nghệ AI ngày càng được tích hợp vào các sản phẩm nội thất để tối ưu hóa sự tiện lợi và hiệu quả sử dụng. Ví dụ, các hệ thống điều hòa không khí thông minh có thể học thói quen của người dùng và tự động điều chỉnh nhiệt độ theo nhu cầu, tủ lạnh có cảm biến nhiệt độ và nhận dạng thức ăn để thiết lập nhiệt độ phù hợp… Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng vật liệu bền vững và thiết kế nội thất tiết kiệm năng lượng đang ngày càng gia tăng. Các sản phẩm nội thất thông minh không chỉ đẹp mắt mà còn thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của con người đến trái đất.
Đồ nội thất thông minh không chỉ làm cho chất lượng cuộc sống hàng ngày cải thiện mà còn nâng cao trải nghiệm và sự thoải mái trong không gian sống cho người sử dụng.
.jpg)
Thiết bị cũng là đồ nội thất
Có thể có ý kiến trái chiều về điều này, rằng thiết bị không phải là đồ nội thất. Nhưng thực tế cho thấy, ngoài những đồ nội thất truyền thống trong nhà, trong phòng như sofa, giường tủ, bàn ghế… thì sự hiện diện của các thiết bị là không thể thiếu. Ví dụ như tivi trong phòng khách, tủ lạnh, bếp nấu… trong phòng bếp, và điều hòa nhiệt độ ở nhiều không gian khác nhau. Các thiết bị ấy đều có vai trò và tác động vào không gian nội thất ở nhiều khía cạnh.
Thiết bị đã trở thành những thành phần nội thất tất yếu không thể tách rời. Chúng hiện diện khắp mọi nơi và thực sự chi phối, ảnh hưởng đến không gian nội thất, có thể tích cực, cũng có thể tiêu cực về mặt thẩm mỹ. Chính vì vậy, người ta càng muốn thiết bị mềm mại hơn, duyên dáng hơn, đẹp đẽ hơn để chúng là những thành phần nội thất, giao hoà cùng nội thất.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp các quảng cáo thiết bị như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hoà…; bên cạnh những lời giới thiệu về tính năng là những lời ca ngợi về mẫu mã, hình thức như “thiết kế tinh xảo”, “màu sắc nhã nhặn”, “hình thức độc đáo”… Điều đó cũng dễ hiểu bởi các nhà sản xuất biết rõ rằng, những thiết bị trong cuộc sống không đơn thuần là những cỗ máy kiểu công nghiệp và nó cần có sự gần gũi, thân thiện với con người. Và khi đó, một chiếc tivi có thể là một thứ đồ nội thất đáng để trưng bày, kể cả khi người ta không bật tivi; một chiếc tủ lạnh có thể làm điểm nhấn cho phòng bếp… Các hãng sản xuất thiết bị đua nhau đưa ra những mẫu mã mới bên cạnh những tính năng mới để cạnh tranh và tiếp cận sâu nhất đến người tiêu dùng. Và hơn thế, những thiết bị này càng ngày càng trở nên thông minh theo đúng nghĩa. Ví dụ như chiếc tivi, bây giờ trên thị trường khó có thể tìm thấy một chiếc tivi… không thông minh. Tivi thông minh (smart tivi) đã chiếm lĩnh ưu thể lớn và là mặt hàng phổ biến không cần phải bàn cãi.
Trong những năm qua, và hiện tại, nhiều hãng công nghệ trên thế giới đã nghiên cứu, sản xuất nhiều thiết bị - nội thất thông minh và có nhiều sản phẩm đã đưa ra thị trường và ứng dụng vào cuộc sống. Có thể lấy ví dụ như tấm thảm trải sàn cũng là loa nghe nhạc, loa âm thanh là một bức tranh, ghế ngồi cũng là chiếc máy massage, bàn ăn kiêm bếp nấu, đèn trang trí kiêm bộ phát wifi internet, gương 3D ảo giúp người dùng có thể “soi” để thử với các loại trang phục mà không phải thay ra mặc vào; các thiết bị gia dụng như điều hòa, bếp nấu, máy giặt, tủ lạnh… ngày càng thông minh hơn. Tất cả đều là sự thay đổi chóng mặt trong thời đại công nghệ số và internet. Ranh giới giữa đồ công nghệ và nội thất dường như bị xoá mờ.
.jpg)
Ưu - nhược điểm của đồ nội thất thông minh
Đồ nội thất thông minh có nhiều ưu điểm, mang lại nhiều lợi ích cho không gian sống, nhưng cũng có một số hạn chế cần cân nhắc. Dưới đây là những ưu và nhược điểm chính của đồ nội thất thông minh:
Ưu điểm
- Tiện nghi và tự động hóa, dễ dàng sử dụng: Đồ nội thất thông minh thường đi kèm với các tính năng tự động và điều khiển từ xa, giao diện thân thiện, giúp người dùng dễ dàng điều chỉnh các chức năng theo nhu cầu mà không phải tốn công sức.
- Tiết kiệm không gian bởi thiết kế đa chức năng: Nhiều sản phẩm thông minh tích hợp nhiều chức năng trong một sản phẩm, chẳng hạn như giường có ngăn kéo lưu trữ hoặc bàn ăn có thể gấp gọn, giúp tiết kiệm không gian và giảm sự lộn xộn.
- Tăng cường sự thoải mái, hỗ trợ sức khỏe: Một số sản phẩm, như ghế massage hoặc bàn làm việc có thể điều chỉnh tư thế, giúp cải thiện tư thế ngồi và hỗ trợ sức khỏe, giảm căng thẳng và mệt mỏi.
- Tiết kiệm năng lượng do tự động điều chỉnh: Các thiết bị thông minh có thể tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, chẳng hạn như đèn led có cảm biến chuyển động chỉ sáng khi có người, giúp tiết kiệm năng lượng, điều hòa nhiệt độ nhận biết thói quen người sử dụng để đưa ra nhiệt độ phù hợp, máy hút mùi tự tắt khi kết thúc việc nấu nướng.
- Tích hợp công nghệ mới, trải nghiệm công nghệ: Đồ nội thất thông minh thường tích hợp các công nghệ mới như IoT, AI, và cảm biến, mang đến trải nghiệm tiên tiến và tiện lợi cho người dùng.
- Tính cá nhân hóa cao: Nhiều sản phẩm cho phép người dùng tùy chỉnh các chức năng và thiết kế theo sở thích cá nhân, tạo ra một không gian sống phù hợp và độc đáo.
.jpg)
Nhược điểm
- Chi phí cao, giá thành đắt: Đồ nội thất thông minh thường có giá cao hơn so với các sản phẩm nội thất truyền thống do đa năng hay tích hợp công nghệ và tính năng tiên tiến.
- Phụ thuộc vào công nghệ, dễ rủi ro kỹ thuật: Sự phụ thuộc vào công nghệ có thể dẫn đến sự cố kỹ thuật hoặc hỏng hóc, và việc sửa chữa hoặc bảo trì có thể phức tạp và tốn kém. Các loại đồ nội thất biến hình do đa chức năng nên dễ có những hỏng hóc cơ học liên quan đến chất lượng phụ kiện. Khi có sự cố kỹ thuật phải phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp.
- Rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư: Các thiết bị thông minh kết nối internet có thể gặp phải rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư, vì dữ liệu cá nhân có thể bị đánh cắp hoặc lạm dụng nếu không được bảo vệ đúng cách.
- Phức tạp trong sử dụng, khó làm quen: Một số người dùng có thể gặp khó khăn khi làm quen với các tính năng công nghệ mới, đặc biệt là nếu không có kinh nghiệm với các thiết bị thông minh. Các loại đồ nội thất đa năng có thể khó khăn trong việc thao tác mở rộng - thu gọn, gấp xếp, chuyển đổi công năng cho người sử dụng.
- Cần thiết bảo trì và cập nhật: Đồ nội thất thông minh thường yêu cầu cập nhật phần mềm và bảo trì định kỳ để đảm bảo hoạt động tốt, điều này có thể gây bất tiện cho người dùng.
- Tuổi thọ ngắn, nhanh lạc hậu công nghệ: Công nghệ thay đổi nhanh chóng có thể khiến các sản phẩm thông minh trở nên lỗi thời tương đối nhanh, yêu cầu thay thế hoặc nâng cấp để theo kịp các xu hướng mới.
Nhìn chung, đồ nội thất thông minh mang lại nhiều lợi ích đáng kể, nhưng việc cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như chi phí, bảo mật và sự phức tạp trong sử dụng sẽ giúp chủ nhân không gian đưa ra quyết định phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình. Và cuối cùng, cần phải hiểu rằng, đồ nội thất thông minh là vật chất, chỉ làm cuộc sống tiện lợi hơn chứ không làm cuộc sống hạnh phúc hơn. Mà trong ngôi nhà ở (house), đồ nội thất chỉ là phương tiện, công cụ hỗ trợ cho cuộc sống; còn xây dựng một không gian sống tốt lành, một mái ấm gia đình (home) hạnh phúc thì phải cần tới bàn tay chăm sóc của con người và những giá trị tinh thần đem lại cho những thành viên trong gia đình ấy.
.jpg)
Theo Kiến trúc & Đời sống số 219