Tĩnh và động cho một chốn cư ngụ bình yên

Lượt xem: 2043
18/10/2024 9:00 - Tư vấn phong thủy
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài KTS HÀ ANH TUẤN Ảnh KHÁNH PHƯƠNG

Hàng triệu trái tim người Việt Nam trên cả nước cũng như thế giới đang hướng về đồng bào trong vùng chịu ảnh hưởng thiên tai ở miền Bắc và miền Trung. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học và nghiên cứu môi trường - quy hoạch - xây dựng đã nghiêm túc đúc kết kinh nghiệm, đặt ra những suy ngẫm, trăn trở trước vô số nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan tác động đến môi trường sống hiện nay, hướng đến các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác hại của thiên tai (mưa bão, lũ lụt, sạt lở…).

 
Trên tinh thần “ôn cố tri tân”, bài viết này tập trung đề cập đến đặc trưng của vùng đất Tây Nam bộ, một nơi xưa nay vốn được xem là “vùng trời bình yên” trước các thiên tai(*). Là nơi giao thoa, gặp gỡ, du nhập nhiều phong cách sống, nhiều quan niệm Đông-Tây kim cổ hòa trộn theo tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”, không câu nệ tiểu tiết…, không gian cư trú Tây Nam bộ mới nhìn thoáng qua ngỡ như dễ dãi xuề xòa, không nghiêm cẩn về phong thủy, ít chiều sâu về nề nếp... Thực tế “ngó vậy mà không phải vậy” bởi rất nhiều các tinh hoa hội tụ được chắt lọc và biến đổi cho phù hợp điều kiện địa phương, làm nên đặc trưng nếp nhà Tây Nam bộ mà hiện nay cần nhìn nhận khoa học, đúng đắn, từ đó xây dựng hệ thống tiêu chí khoa học cảnh báo các nguy cơ để ứng xử kịp thời trước các thách thức mới.
 
Kiểu nhà miệt vườn hiện đại với lối đi bên hông, kết hợp sân trồng cây kiểng khá phổ biến hiện nay với nhiều tiện dụng
 
Từ những đặc thù Địa Lợi - Nhân Hòa
Trong lịch sử khẩn hoang mở cõi về phương Nam, người Việt tiến xuống đồng bằng Nam bộ theo trục Cấn-Khôn (đông bắc-tây nam) vào lúc hoạt động giao thương ở khu vực Đông Nam Á khởi sắc. Cùng với yếu tố Thiên Thời đó, mạng lưới sông rạch dày đặc đã kết nối đồng bằng trù phú với các thương cảng như Hà Tiên, Sài Gòn, hình thành không gian làm ăn và thu hút dân cư nơi vựa lúa lớn hàng đầu của cả nước. Song khác với Thăng Long (Hà Nội) và Phú Xuân (Huế) vốn là trung tâm chính trị mở rộng thành trung tâm kinh tế, các thị tứ Nam bộ chủ yếu là trung tâm kinh tế với yếu tố “thị” có trước, rồi phát triển nên yếu tố “thành”. Các điểm dân cư nơi miệt sông nước, trên bến dưới thuyền tấp nập đề huề, phát huy từ giá trị truyền thống theo thời gian tích lũy kinh nghiệm dân gian trong ứng xử, được các nhóm đa sắc tộc di cư, đi khẩn hoang giao hòa cùng nhau, làm nên lối sống đặc thù gọi chung là “văn minh miệt vườn”.
Sau thuở ban đầu đất rộng người thưa, cư dân Nam bộ (Việt, Chăm, Khmer, Hoa...) hình thành và phát triển các quan niệm phong thủy trên tinh thần Nhân Hòa chung sống vì lợi ích cộng đồng, cụ thể như: 
- Hệ thủy lộ chính của Nam bộ đều mênh mang thẳng rộng, đan xen kênh rạch kết nối chằng chịt. Quan điểm chuộng thế đất “khúc tắc hữu tình” kiểu như “đường vô xứ Nghệ quanh quanh” hoặc lớp lang nghiêm mật như nhà vườn xứ Huế dần dần mai một, thay vào bằng cách chọn lựa cuộc đất “trước lộ sau sông, trước rạch sau đồng” để cư trú theo từng vùng địa hình địa mạo cụ thể sao cho thuận lợi, như vùng phù sa ngọt, đồng lũ kín, giồng duyên hải... thể hiện cách ứng xử tương hòa xứng hợp với tự nhiên. Sự phân bố nhà cửa hòa trộn các cặp khái niệm trước-sau, thủy-bộ, ruộng-vườn… giúp cư dân vừa “ăn theo” được lợi ích tự nhiên vừa giảm thiểu các thiệt hại khi xảy ra thiên tai.
- Không còn hình ảnh “cổng làng, cây đa, giếng nước, lũy tre” làm nên những cột mốc, ranh giới, cửa ngõ... có tính đóng, khép của một đơn vị cư trú làng quê xứ Bắc, mà là những nhà bên đìa, xóm ven kênh, nước lên thuyền lên, chim trời cá nước, ranh giới hành chánh mờ nhòa. Nơi tâm tánh con người phóng khoáng, chuyện câu nệ phong thủy cũng giảm bớt khắt khe, mang tính dung hòa, hiện tượng liên tưởng đồng âm khá phổ biến trong tập tục, như mâm ngũ quả thì “cầu dừa đủ xài sung”, trang trí hình con dơi cho “ngũ phúc lâm môn”…
- Không còn kiểu chọn thế đất theo quan niệm “Tả Thanh Long-Hữu Bạch Hổ”, đặt la bàn xét tỉ mỉ hai mươi bốn phương vị từng li từng tí nữa. Bởi địa hình bằng phẳng, sông rạch chiếm đa số, nên thay vào các cách chọn cuộc đất theo gò đồi núi non, long hổ tương phùng… thì dân nơi đất mới chủ yếu ngắm hướng dòng chảy, trông dòng nước lớn, ngó con nước ròng, nhìn nơi khẩn hoang mà lựa đất cất nhà. Các hoạt động sinh hoạt, buôn bán và kết nối - giao lưu cộng đồng với các cộng đồng khác trở nên thuận lợi hơn. Từ đó quan niệm “chọn đất cất nhà” không chỉ đơn thuần là lựa chọn vị trí xây dựng, mà còn phản ánh các mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên và xã hội, ưu tiên sự phát triển hài hòa của cộng đồng cư dân ở vùng Nam bộ.
 
Chọn lựa và xử lý vật liệu hoàn thiện không cầu kỳ, giản lược nhưng khá hiệu quả về thông gió, che mưa nắng
 
Đến các giá trị Phong Thủy cần nhìn nhận
Tuy nhiên, cung cách sống phóng khoáng cởi mở không có nghĩa là rời xa nghi lễ. Nhìn bà con ăn ở đề huề vậy mà vẫn thứ tự phân minh, Phong Thủy đất Nam bộ có sáng tạo biến đổi từ gốc tích phương Bắc tiếp biến thêm đa văn hóa cho hạp thủy thổ vùng đất phương Nam qua các đặc điểm sau:
- Nhà nhỏ hay lớn đa phần đều mộc mạc, giản dị, ít trang trí chạm trổ cầu kỳ. Nhưng nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đãi nên không gian nhà Nam bộ rất thoáng đãng, gần gũi bao cảnh chung quanh. Nơi ở luôn giao hòa Âm Dương, trong ngoài, lược bớt các ngăn chia phức tạp. 
- Ưu tiên cho không gian thờ tự, thậm chí đẩy chỗ sinh hoạt gia đình (như bếp ăn, phòng ngủ...) nép mé sau, viền cặp hông. Nơi thờ tự cao ráo phía trước thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn kính tổ tiên của cư dân khai phá đất mới không quên gốc gác xưa. Tính đa năng và tính tương tác của không gian thờ tự rất cao, hầu như khu vực này luôn diễn ra nhiều sinh hoạt chủ yếu của mọi gia đình.
- Coi trọng việc tiếp đãi khách khứa, hiếu hỷ, nên nhà nào cũng có hàng ba, hành lang rộng dài bao quanh, vừa giảm nắng gắt mưa tạt, vừa có chỗ đãi khách thoáng đãng. Bàn Thiên đặt ngoài vườn hoặc trước sân, bàn Thổ địa đặt trong gian chính, kết hợp với bàn thờ gia tiên, là các tín ngưỡng gia thần phổ biến, đóng vai trò chủ chốt trong không gian nhà Nam bộ (một số vùng có tiếp biến với văn hóa Khmer làm bàn thờ Thiên như ngôi miếu nhỏ, đặt trên đầu trụ cột trước sân).
Đặc biệt hơn cả, yếu tố “trong động có tĩnh” của bố cục nhà ở vùng đồng bằng Tây Nam bộ phản ánh một triết lý ứng xử mang tính thích ứng rất đặc trưng, không chỉ giúp hòa hợp lâu dài, mà còn ẩn chứa những quan niệm đáng đúc kết, rút kinh nghiệm cho tổ chức môi trường cư ngụ trong thời biến đổi khí hậu hiện nay. “Động”có thể hiểu là sự sống động, linh hoạt của không gian sống, như tiếng nước chảy, gió thổi, và sự thay đổi của ánh sáng tự nhiên. Trong khi đó, “tĩnh” là những góc yên bình, tĩnh lặng, an lành của ngôi nhà. Cấu trúc không gian mở linh hoạt cho phép ánh sáng và gió tự nhiên đi vào có kiểm soát, các khu vực sinh hoạt chung (như phòng khách, bếp) thường nằm ở vị trí kết nối với thiên nhiên, dương tính hơn, trong khi những góc riêng tư (như phòng ngủ) đặt ở những vị trí khuất và âm hơn. Việc sử dụng chất liệu tại chỗ như gỗ, tre, lá dừa, cừ tràm… tạo nên tính gần gũi, ấm cúng, gia tăng khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu. Sông ngòi kênh rạch đắp bồi phù sa, nhiều làng có nghề thủ công tận dụng triệt để tài nguyên, vật liệu từ môi trường tự nhiên. Đặc trưng Mộc này được Thủy sinh và sinh Hỏa, thuận theo tự nhiên, trên tinh thần có bù trừ, có vay trả, có che chắn nhưng không kín mít, có lối có hàng nhưng không thẳng tuột đơn điệu mà tiến thoái nhịp nhàng tùy điều kiện cụ thể.
Lũ về cho cá đầy sông,
Cho đồng nước nổi, cho bông điên điển vàng
.
 

 

Nhà đặc trưng Nam bộ ít câu nệ kiểu cách, lấy giao hòa thiên nhiên làm cốt lõi
 
 Phát huy các giá trị Phong Thủy trong thời đô thị hóa 
Trước các vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường ngày càng sâu sắc, kinh nghiệm điều tiết các yếu tố Phong (gió) và Thủy (nước) để dẫn khí lành lan tỏa và ngăn chặn khí xấu thâm nhập luôn mang giá trị kinh nghiệm quý báu, có thể tham khảo khi xây nhà hiện nay ở vùng đồng bằng Tây Nam bộ:
- Không nhất thiết phải chọn hình thế đất đẹp hay hạp tuổi, vì đất đai khi đô thị hóa ngày càng thu hẹp, điều kiện tự nhiên không còn như xưa. Nếu hướng nhà đất chưa hợp thì hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng các mảng che chắn, cây cối, nội thất nhằm giảm bất lợi. Người dân nơi vùng đất yếu và ngập lũ thường có sẵn ghe xuồng nhỏ, phòng trường hợp mực nước lũ dâng cao giúp di chuyển dễ dàng khi cần thiết, như câu Nước lụt thì lút cả làng/ Trên nhà thì lụt, dưới sàn thì ghe.
- Xác lập các phần chính yếu Môn (hệ cửa chính + cửa phụ), Táo (bếp) và Chủ (các phòng ốc của chủ nhân) trên cơ sở tôn trọng không gian thờ tự tâm linh, giữ sự giao đãi thân tình. Cách làm nhà truyển thống với lối đi lệch bên dẫn ra nhà sau, nối vào phần sinh hoạt bếp núc, nhà xe hoặc nhà phụ tách với nhà chính, không gian chính phụ tĩnh động rõ ràng… cần phát huy, tránh làm nhà “nén chặt” gây bức bối nội khí, ô nhiễm trong sinh hoạt.
- Ổn định phần chính rồi thì các yếu tố phụ trợ sẽ ráp nối, hoàn thiện dần tùy điều kiện kinh tế, nhưng luôn hợp thành chỉnh thể thống nhất. Các chi tiết như bình phong, non bộ, hồ nước, hàng ba... có thể kết hợp với công năng không gian đệm, giảm tác động ngoại cảnh vào nhà, kết hợp chất liệu hiện đại để chống mưa tạt, nắng chói…
- Phát huy tính thống nhất và phóng khoáng trong bài trí nhà miệt vườn Nam bộ. Đó là Cân bằng Khí giữa ngôi nhà và ngoại cảnh thông qua các lớp không gian đệm, Nổi bật Khí nhờ giữ trục chính, gian thờ, cửa nẻo trang nghiêm, đặt non bộ, đồ trang trí có chừng mực, lược bỏ chi tiết dư thừa, bổ sung mảng xanh lọc khí. Những cách thức này khiến nhà miệt vườn Nam bộ rất có giá trị về Phong Thủy - cảnh quan ứng dụng vào điều kiện hiện đại, đồng thời là nguyên tắc tổ chức không gian sống hài hòa môi trường đáng tham khảo trong thời biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay.
 
(*) Bão và lũ quét ít xảy ra ở Tây Nam bộ chủ yếu do vị trí địa lý xa đường đi của bão từ biển Đông; sự che chắn của dãy Trường Sơn; hệ thống sông ngòi và địa hình bằng phẳng, cũng như khí hậu ôn hòa của vùng này. Dù vậy, Tây Nam bộ vẫn phải đối mặt nguy cơ lũ lụt do mực nước dâng cao vào mùa mưa và lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về, nhưng thường không nghiêm trọng như các hiện tượng bão lũ ở miền Trung và miền Bắc.
 
Theo Kiến trúc & Đời sống số 220