Gánh hàng hoa, nét duyên Hà Nội

Lượt xem: 11796
12/11/2018 0:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Bài Nguyễn Nhân Ái ảnh Hiệp Đình Yến

Nếu như ai đó ví rượu vang như một bài thơ được cất giấu bên dưới cái nút bấc thì tôi lại nghĩ gánh hàng hoa Hà Nội giống như những vần thơ được gieo xuống bên trong chiếc rổ phía dưới đôi quang gánh. Và hiếm có địa phương nào hoa được người bán rong quẩy trên những đôi quang gánh, đội trên đầu, chở đi bằng xe đạp như ở Hà Nội. Phải chăng là một nét duyên?

 

 
Miền nào là miền nhớ không em?
Người chủ của chiếc quang gánh ấy như đếm cả mùa hoa trên đôi vai gầy. Này cháu, mùa loa kèn đến rồi đấy, này cháu gái, hôm nay cắm đồng tiền đơn đi, đồng tiền đơn duyên dáng hơn lại tươi lâu hơn đồng tiền kép, bao lâu nay mới có... Cháu đấy à, bác có hồng xác pháo đúng kiểu cháu thích đấy, cành mềm, ít lộc và thơm vì đêm qua trời nhiều sương. Hay, cúc họa mi đầu mùa bao giờ cắm cũng tươi lâu hơn vì được cắt bởi những cành chính trong một cây hoa, bác giải thích rất cặn kẽ. Hay cái kiểu chạy ra tận xe của bác chỉ  để dặn tôi là nhớ bỏ nhụy loa kèn khi nó nở kẻo nhụy hoa rớt xuống làm bẩn cánh hoa và mất hương thơm... Tôi vẫn thường bắt đầu tuần mới với những mẩu đối thoại mộc mạc như vậy với bà cụ bán hoa, và tôi thích cái cách cụ buộc từng bó hoa ấy, hay cách cầm bó hoa lên một cách nâng niu, trân trọng, cụ buộc hoa cũng rất tinh tế, cảm giác chỉ cần cầm về, lột lớp báo gói bên ngoài ra và cứ thế thả vào một chiếc bình gốm rộng miệng là đã có ngay một bình hoa đẹp. Lắm hôm cụ còn cho tôi thêm vài bông ngọc lan hay mấy bông hoa nhài để trong cái túi vải thắt nút màu nâu, loại túi mẹ chồng tôi vẫn dùng đựng tràng hạt hay quyển kinh khi bà đi lễ phật. Ý nghĩ khi về già tôi sẽ mở một cửa hàng hoa với shop hoa được bài trí như một đôi quang gánh mỗi ngày càng trở nên rõ hình hài... Tôi thường đếm thời gian bằng những mùa hoa, nhớ những lần gặp gỡ khi mở cánh tủ nhìn vào những bộ trang phục cho những lần hẹn hò nhiều dấu ấn. Tôi có kỷ niệm buồn vào mùa hoa bưởi, có những ngày vui khi cúc họa mi gọi mùa và có cả một trời kỷ niệm khi loa kèn ngập phố…
 
 
 
Hát khúc giao mùa
Những con đường như được thắp sáng, lòng nhẹ bẫng khi nhìn thấy những người mẹ tảo tần gánh cả bốn mùa trên vai. Hà Nội mùa này đang đẹp lắm đấy, lá rụng, lộc nhú, cúc họa mi vào mùa, có quá nhiều thứ mãn nhãn khiến lũ bạn bè chúng tôi nhất định phải hẹn hò bởi lý do, phố hát khúc giao mùa. Ở trên cao ấy, nhớ là đi ngược nắng nhé, cả ngàn vạn những lấp lánh được nắng mai đổ xuống hắt lên như trò chơi tung hứng. Từ cái nõn nà nhìn chỉ muốn cắn, muốn nhai và muốn xé ấy, non nõn như lộc biếc, phong lưu như ánh mặt trời, lấp lánh đuổi bắt quấn quýt không rời, bỗng thấy thèm một ly cà phê dưới nắng xuân kia, ngồi ngắm nốt nhạc ban mai di động nhảy múa trong nắng xuân, đó là những quang gánh chở mùa đỏng đảnh đi xuyên qua phố, là những chiếc xe đạp lúc lỉu hoa qua lại như những mẫu vẽ cho người họa sỹ đang ngồi âm thầm ở góc nào đó vẽ phố.
Hà Nội mùa này ngơ ngẩn vì hoa…
Chẳng có nơi nào người ta cắm hoa nhiều như người Hà Nội, từ quán cà phê vỉa hè đến quán trà hay những nhà hàng sang trọng, mùa nào hoa nấy. Thói quen tinh tế và dễ thương này của người Hà Nội công đầu thuộc về những chiếc gánh như thế, tiện lợi và giá cũng rất bình dân. Hà Nội dễ mua nhất là hoa, hình ảnh những chiếc quang gánh, những chiếc xe đạp nở hoa đã trở nên quá đỗi thân quen. Nó thân quen đến nỗi chỉ những người không sống ở Hà Nội khi đến mảnh đất này mới ồ lên ngạc nhiên. Mọi con đường, góc phố đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh làm mềm lòng người lạ, gánh hàng hoa hoặc những chiếc xe đạp chở đủ loại hoa khoe sắc rực rỡ như những bảng màu dựng dọc theo những con phố đông đúc người qua lại. Hà Nội có chợ hoa họp từ 3 giờ sáng ở Quảng Bá, những người bán hoa rong dậy từ khi trời còn tối, từ đây nào gánh, nào xe đạp và những năm gần đây có nhiều xe máy hơn tỏa đi khắp thành phố, vào tận từng ngõ nhỏ, từng ngôi nhà…
Gánh đã trở thành nét duyên xuất phát từ nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt của người Hà Nội, phố cổ vốn chật chội và rất ít chợ nên những người bán hàng rong đã gánh cả trách nhiệm ấy cho người dân phố cổ. Nếu bạn muốn biết người dân phố cổ Hà Nội phụ thuộc vào những chiếc gánh hàng rong thế nào chỉ cần bỏ ra 30 phút vào một buổi sáng ngồi uống cà phê nơi góc phố. Phố bỗng trở thành cái chợ quê di động, chỉ cần ngồi một chỗ thôi, bạn có thể mua được đầy đủ lương thực thực phẩm cho nguyên cả một ngày, sớm hơn là gánh quà sáng, nào xôi chè, nào các loại bánh trôi bánh chay rồi đến khoai luộc sắn luộc, tiếp đến là chị bán rau ngúng nguẩy đi qua, chị bán mía thong dong đi lại, rồi cô hàng cá đặt chiếc thớt xuống vỉa hè loang loáng con dao mổ cá, cả gánh tôm tươi nhảy tí tách và tiếp đến là gánh gia vị từ mớ rau húng láng, bạc hà hay củ hành củ tỏi... Tất cả đều đi qua, đi lại, đi tới đi lui, di chuyển trước mặt bạn như những con thoi. Quả thật là thú vị khi nhịp sống thành thị mỗi ngày một hối hả nhưng những chiếc quang gánh thì vẫn bắt nhịp được với sự thay đổi đến chóng mặt của phố thị, chiều về những chiếc gánh quà vặt như nộm bò khô, gánh bún riêu, bún ốc, bánh cuốn, đôi khi lại là phở, là ốc luộc nóng bỏng tay giữa mùa đông giá rét cũng gợi lên cả một miền nhớ, mà cái miền nhớ ấy mỗi khi bạn xa Hà Nội sẽ hành hạ bạn trở thành nhớ quay, nhớ quắt đấy.
Tháng Tư đi trong nỗi nhớ đong đầy, những tên phố dường như được trải lớp thảm màu vàng, phố vào mùa lá sấu rụng, điểm xuyết trên những con phố dài ấy là màu trắng tinh khôi của loài hoa tháng Tư, những xe hoa chở tháng Tư đi tỏa ra khắp bốn phố phường bạn sẽ cảm thấy như mình có lỗi khi không mang về nhà một bó hoa loa kèn trắng muốt hay quên gửi cho một người bạn ở xa một bó hoa vào mùa hoa như một thứ đặc sản nho nhã của Hà Thành.
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ bạn một điều, hãy cảm nhận về Hà Nội theo cách bạn tìm hiểu về một người con gái. Cảm xúc ấy sẽ đến từ từ, chầm chậm qua từng khoảnh khắc, nó ngấm vào lồng ngực, vào thói quen, vào hơi thở của bạn lúc nào không hay biết. Nó khác cách gây ấn tượng nhanh và gọn vào trực diện từng giác quan của bạn khi sắm vai một khách lãng du khi bạn đặt chân đến Sài Gòn. Và, nếu như ai đó ví rượu vang như một bài thơ được cất giấu bên dưới cái nút bấc thì tôi lại nghĩ gánh hàng hoa Hà Nội giống như những vần thơ được gieo xuống bên trong chiếc rổ phía dưới đôi quang gánh.
Tôi đã từng lang thang qua nhiều con phố các nước, trên những phố đi bộ hiện đại rực rỡ đèn hoa ở thành phố Tokyo hay Kyoto của Nhật Bản vẫn còn những chiếc xe kéo bằng sức người phục vụ cho khách du lịch hay trên một con phố cổ giữa thủ đô nước Ý hoặc đâu đó ở châu Âu vẫn bắt gặp những chiếc xe ngựa chở du khách như một sự bảo thủ về những giá trị trường tồn của truyền thống, của quá khứ và của lịch sử. Tôi vẫn tự hỏi tại sao những người làm du lịch Hà Nội vẫn loay hoay với câu hỏi, điểm nhấn của du lịch Hà Nội là cái gì? Hỏi rồi tôi tự trả lời: Tại sao Hà Nội không thể bảo tồn nguyên vẹn những con phố cổ với những gánh hàng hoa như một nốt nhạc duyên sống động?

  
 
Hoa trên những đôi quang gánh, lấp ló trên những chiếc xe đạp rong ruổi khắp đường phố Hà Nội
 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 144