Trong tiết trời dịu ngọt của những ngày giáp tết này, tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống mời bạn đọc cùng “nhâm nhi” những mẩu ký ức đầy màu sắc, mùi vị và thanh âm của những người con xa quê hay đang dịch chuyển trên chính quê hương mình. Đó là mâm cỗ rước ông bà chiều ba mươi giữa mùa hè bỏng lửa của xứ Úc, là bữa cơm đầu năm khi tuyết rơi ầm ả giữa trời Canada, là hũ thịt ngâm - mùi quê hương cũ của ngoại bên chái bếp, là mẹ - những ngày rộn ràng bánh mứt mới ra lò. Và cũng có thể là một buổi sáng cuối năm của đất trời miền Tây tinh khôi, thanh sạch, hai ông cháu khăn áo ra đồng, cung kính thắp lên một nén nhang cảm tạ đất trời… Tết là một nơi chốn, một mùi vị, một màu sắc, một âm thanh, một niềm nhớ, là nhà… Và cũng có khi, nói như người Anh, home can also be a person!
Và cũng có khi, là một người (mà ta yêu mến vô vàn)!
Giữa đất trời bao la - Lê Minh Nguyễn, Antwerp, Bỉ
Hồi còn nhỏ xíu, mỗi mùa hè và tết, chị được gởi về ông bà nội ở miền Tây. Và vui nhất, ngóng chờ nhất, là tết.
Những ngày giáp tết, gió chướng thổi lồng lộng đầy đồng, đầy sông. Nhà nhộn nhịp với bao nhiêu các giỗ tiên, giỗ chánh, quây quần chuẩn bị tết… Nhưng bánh trái ngon lành của bà nội vẫn không hấp dẫn đứa nhỏ bằng được đi cúng tết với ông nội.
Hai ông cháu cắp một cái giỏ đệm đựng vài thức giản dị, không được quên xị rượu, quần áo chỉnh tề dắt tay nhau ra ruộng. Rồi thong thả bày một mâm cúng đơn giản ngay bờ ruộng, để dâng lễ cho “Ông ruộng bà ruộng”. Ông nội quỳ xuống, gỡ cái khăn rằn quấn trên đầu quàng lên vai, trang trọng khấn lầm rầm hồi lâu… Sau đấy sẽ về nhà, xuống chuồng bò, biện một mâm khác cho “Ông bò bà bò”.
Còn nhớ ông nội chị chỉ đơn giản giải thích, đủ để một đứa nhỏ hiểu: Cả năm mình sống nhờ ruộng đất, trâu bò và ông bà, phải biết ơn…
Ký ức tuổi thơ, mãi đến giờ vẫn đọng lại rõ mồn một những sáng cuối năm tinh khôi, thanh sạch đấy, và đất trời bao la, và mình là một phần của cả thế giới xung quanh, với cỏ, với cây, đất đai…
Mãi sau này, được đi nhiều, biết nhiều hơn một chút, chị mới thật sự thấm thía cung cách bình thản, sống ôn hòa, trân trọng thiên nhiên cùng những thứ - từ nhỏ xíu nhất, xung quanh mình…
Những mẩu ký ức tết đấy, đi với mình cả đời…
Và sống một cách văn minh với môi trường, với thiên nhiên mà không cần đao to búa lớn, cũng là đây, phải không?
Tết ấm giữa mùa tuyết trắng - Khánh Phạm, Moncton, Canada
Năm nào tết Việt ở Moncton cũng có tuyết rơi ầm ả ngoài trời, có năm còn đổ cả bão tuyết. Anh chị cũng chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ như hồi còn ở nhà. Phần nào không đặt mua được thì mình sẽ tự làm cho có không khí đón tết. Rồi sáng mùng một, con cái được mặc áo dài, chụp một tấm hình kỷ niệm cả gia đình và cũng không quên “thủ tục” ba mẹ lì xì mừng tuổi cho các bạn nhỏ. Mấy bạn nhỏ vui lắm!
Và bữa cơm đầu năm, cả nhà sẽ cùng quây quần kể chuyện tết ở Việt Nam ngày trước. Bên này mình không được đi dạo phố, ngắm hoa hay đi thăm xuân, chỉ gọi điện về chúc tết người thân ở quê nhà. Xa xôi cách trở là thế, nhưng anh chị vẫn giữ lễ nghi, giữ một chút không khí ấm áp thiêng liêng của những ngày đầu năm sum vầy. Dù mọi thứ trông khá đơn giản vì người lớn vẫn phải đi làm và tụi nhỏ vẫn đến trường như mọi ngày.
Mấy năm vừa rồi, ảnh hưởng của dịch Covid, cộng đồng người Việt ở đây không tổ chức hội họp gì cả nên càng thấy nhớ nhà nhiều hơn vì không được giao lưu, giao tiếp với ai. Những năm trước, nhà anh có mời vài người bạn - cũng là dân nhập cư hay dân gốc Canada (vùng của anh ở còn lại khá nhiều cộng đồng người Canada gốc) ghé chơi, để chia sẻ thêm về một nét đẹp trong văn hóa Việt.

Mùi quê hương cũ - Trà Nhi, Penang, Malaysia
Sáng nay khi chạy bộ qua một góc rẽ khu phố nọ, tôi thấy một người phụ nữ tầm tuổi mình đi đi lại lại trông có vẻ vô thức, lại như đang tìm kiếm một cái gì đó rất mông lung, bèn dừng lại hỏi xem cô có cần tôi giúp gì chăng. Hóa ra cô là người Thái Lan, sang đây sống. Cô bảo cô đi ngang khu phố và bất chợt bắt gặp mùi thức ăn quê nhà không biết phát ra từ phía nào nên cứ lẩn quẩn không rời, cố tìm ra mùi hương quê cũ....
Tôi nhận ra mình cũng đã từng rất nhiều lần hành xử giống cô. Mà có lẽ rất nhiều người khi xa xứ đều vậy, ngẩn ngẩn ngơ ngơ dừng lại đâu đó trên đường để định vị một mùi hương. Đó có thể là mùi của ngoại, mùi của má, mùi giỗ chạp hay mùi những ngày giáp tết chốn quê nhà.
Thường trong suy nghĩ của nhiều người, mùi phụ nữ sẽ là mùi nước hoa hay son phấn nhưng mùi của ngoại hay của má đối với tôi xa xỉ hơn nhiều, bởi đó là mùi của những món ăn quê mà chỉ được nấu trong những dịp đặc biệt. Ừm, dung dị lắm mà xa xỉ lắm!
Quê tôi nghèo và ngoại tôi, dĩ nhiên cũng nghèo. Mỗi năm đến giáp tết ngoại sẽ kêu người đến mua con heo nuôi sau chái bếp bằng thức ăn thừa. Ông bác mua heo qua hôm sau sẽ quay lại nhà tôi trả tiền và “lại rọ” một miếng thịt heo. Ngoại sẽ đi dỡ ảng nước mắm của ngoại, múc ra một gáo rồi pha pha chế chế, nấu một nồi nước mắm đỏ au thơm lừng mùi quế, hồi, ớt khô. Rồi ngoại cắt miếng thịt heo “lại rọ” thành từng phiến dài dài, mang đi luộc với ít gừng đập dập. Thịt vừa chín tới thì vớt ra gác lên cái rổ tre cho thiệt ráo rồi bỏ vô hũ đổ nước mắm đã nấu vô ngâm. Trước khi đậy nắp ngoại còn tỉ mẩn thả vài trái ớt khô tự phơi từ mùa hè vẫn bọc trong túi lưới nhỏ treo trên giàn bếp.
Rồi bà sẽ cốc trên đầu tôi một cái, bảo: “Ba bốn bữa nữa ngoại lấy xắt ra cho má con mi cuốn bánh tráng nghe! Qua mồng hai nghe, chớ mồng một ăn chay á nạ!”.
Đầu tôi sẽ vẩn vơ nghĩ đến món ăn quý giá đó mấy ngày trời. Mỗi ngày đều đi ngang lấy tay rờ vô cái hũ rồi hít hít cái mùi mắm nhè nhẹ ngòn ngọt nồng nồng từ đó toả ra.
Ký ức ngày tết tuổi còn có ngoại đến giờ vẫn tươi nguyên như mới hôm qua...
Nên chẳng trách cứ mỗi năm đến mùa giáp tết tôi lại tẩn mẩn làm một hũ thịt ngâm, dẫu nỗi háo hức được ăn chẳng còn đầy như ngày bé dại. Có lẽ vì tôi sợ bắt gặp bản thân mình hoang mang như người phụ nữ Thái Lan hôm nay, khi đang lạc bước đâu đó ở một góc phố xứ người.

Tết xưa có mẹ - Đinh Phạm Tuấn Anh, Sài Gòn
Sáng, trong xóm, nhà ai đó mở nhạc xuân, lẫn trong những giai điệu rộn ràng, nghe trầm xuống khúc nhạc của bài “Mừng tuổi mẹ”.
Hồi đó, mẹ tôi thích bài hát này. Thỉnh thoảng mẹ ngân nga khi đang làm món này, món kia trong bếp. Có khi, ngồi đọc báo, ăn sáng, mẹ kêu tôi mở bài hát ấy cho mẹ nghe. Rồi mỗi lần tết đến, mẹ thường không quên nhắc “nhớ chép bài - mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi” cho mẹ. Có năm tôi lười, không tìm nhạc, mẹ hỏi, đành chống chế, “Con thấy bài đó đâu có gì hay đâu, buồn thiu”. Mẹ nói: “Mẹ thấy lời bài hát ý nghĩa, mày không thích nhưng mẹ thích, nên cứ chép cho mẹ nghe!”
Thật ra, cũng không hẳn tôi lười, cũng không hẳn bài hát không hay. Chỉ có điều, tôi không thích đoạn “Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi…”. Tôi sợ, một mai mình phải mồ côi!
Ngày còn mẹ, những ngày giáp tết gia đình tôi rộn ràng lắm. Thường, năm nào mẹ cũng làm mứt dừa, mứt mãng cầu… Lúc nhỏ, ở bên mẹ sẽ được mẹ cho nếm thử, cho ăn, những món mứt thành phẩm “vừa mới ra lò” còn nóng hổi, ngọt thơm.
Tôi thích nhất ngày mẹ gói bánh tét. Dì họ của tôi trong quê ra. Dì nào đến sớm thì lo chuẩn bị nguyên liệu nào là vắt nước cốt dừa, xào nếp, xắt thịt, hấp đậu, rồi bọc đậu xanh cùng thịt, ướp chuối chuẩn bị nhân bánh. Có lẽ năm nào cũng làm thành quen, nên tay các dì cứ thoăn thoắt như múa. Các dì vừa làm vừa nói chuyện, chọc ghẹo nhau, cứ ngỡ là không tập trung, vậy đấy, mà những chiếc bánh thon dài, đều đặn, như được nặn từ khuôn cứ lần lượt xuất hiện ở một khoảnh của ngôi nhà.
Có năm, mẹ giao chúng tôi canh nồi bánh tét. Mấy anh em ngồi đùa giỡn rồi cùng lăn ra ngủ. Bếp cạn nước khi nào không hay. Năm ấy, bánh tét nhà tôi xẻ ra ăn có mùi là lạ!
Mẹ tôi ra đi vào dịp tết. Những cái tết vắng mẹ sau này, chúng tôi cũng chuẩn bị nhưng không khi nào còn giống và đủ đầy như ngày còn mẹ! Bánh trái, mứt tết giờ đây chúng tôi đặt mua, hoặc các dì mang cho… Mỗi năm tết đến, nhà vắng vẻ, tôi càng thấm nỗi buồn của câu hát “Mồ côi tội lắm ai ơi…”. Tết thực sự đối với tôi không còn như xưa nữa bởi anh em chúng tôi cứ loay hoay kiếm tìm lại một cõi dịu êm xa thẳm - tết xưa, có mẹ!

Tết tha hương - Võ Mỹ Thiên Kim, Melbourne, Úc
Thấm thoát đã bốn cái tết xa quê hương...
Những ngày gần tết, tôi nhớ rất nhiều thứ! Nhớ lúc hớn hở đi chợ tết vào buổi tối cuối năm; nhớ lúc vội vã ra chợ sáng hôm ba mươi để mua cho đủ rau tươi, hoa trái cho ba ngày tết; nhớ cái không khí nhộn nhịp của người người nhà nhà cùng chăm chút chuẩn bị một cái tết đủ đầy. Tôi cũng nhớ lúc gia đình quây quần chúc tết sáng mùng một, con cái chúc tết ba mẹ, ông bà, nhận phong bao lì xì, rồi cùng nhau đi chùa hái lộc, đến viếng thăm chúc tết bà con, bạn bè.
Ở Melbourne, tôi may mắn sống không xa cộng đồng người Việt, nên cũng có những hoạt động như đi chùa, đi chợ tết, và mua sắm các món ăn truyền thống… Chợ tết ở đây chỉ là các tiệm trong trung tâm thương mại của người Việt, bày biện mứt, trái, hoa, và nhạc xuân tưng bừng. Dù rất bận rộn công việc, tôi cũng làm dưa món, dưa giá, cũng mua bánh tét, bánh chưng, cũng kho nồi thịt và cũng có mâm “ngũ quả” (dù nhìn rất lèo tèo, không được “xôm tụ” như những cái tết ở quê nhà). Trong hình là một góc nhỏ tết tại nhà - tôi chuẩn bị để cúng rước ông bà ngày ba mươi tết. Ở Úc, tết nhằm vào mùa hè nóng rẫy, hoa lá đã qua thời mãn khai. Tôi chỉ có thể cắt một vài loại hoa đang có trong sân nhà để tăng phần ấm cúng.
Rồi ngày mùng một tết, gia đình nhỏ cũng quây quần ăn bánh chưng, thịt kho tàu cuộn bánh tráng, rồi cùng đi chùa thắp nhang, cầu một năm mới bình an.

“Xa nhà rượu uống có say không?”(*) - Yên Lam, Lạc Dương, Lâm Đồng
“… Khi cầm không được, anh ngồi khóc
Ấy lúc em tôi đã tới nhà” Huy Cận
Ngày rời Việt Nam, tôi hãy còn trẻ lắm. À, mà trẻ là so với cái tuổi hiện tại tóc đã nhiều muối hơn tiêu thôi, chớ thiệt ra cũng đã tạm gọi là (công dân) trưởng thành. Còn “chín chắn”, tính sau!.
Nhiều thập niên trước, nhanh và hiện đại nhất, chỉ có telex. Người Việt xa xứ chỉ có nước ngậm ngùi trông về quê bằng vài quyển sách chắt chiu mua từ Paris, từ California, bằng bánh mì Thieng Heng quận 13 hay tô mì Tàu hao hao kiểu Chợ Lớn ở Little Sài Gòn. Ngày thường đã thế, thì tết nhất những năm đấy còn thấy buồn hiu hắt đến cỡ nào…
Còn nhớ tháng hai năm đó, xứ Flander lạnh đặc biệt. Cây cối chết sạch. Mặt hồ đóng băng, mấy con cá vàng ngày thường vẫn bơi lội tung tăng lăn đùng ra. Và cái chuông gió bằng cội tre già ông nội tôi dưới miệt vườn làm cho cháu cưng mang theo cũng đóng băng nốt, treo lủng lẳng cứng đờ dưới mái hiên. Cây “mai vàng” Forsythia giả mùa vừa rồi nâng niu hết sức để có bông chưng tết, cũng đã giã từ cõi đời. Người yêu hỏi, em muốn quà gì cho tết Nguyên đán, nghĩ tới nghĩ lui, “wishlist” mãi vẫn chỉ có một dòng vỏn vẹn: Về nhà ăn tết!
Năm trước đấy nữa, chẳng nhớ có việc gì mà tôi cũng không về Việt Nam đón tết. Ba mẹ xót con gái rượu ở xa xôi, bèn cử anh tôi vượt đại dương bay sang, mang theo bao nhiêu là quà. Gian nhà nhỏ ấm áp, đầy ắp một bàn, một nhà bao nhiêu tình yêu từ Sài Gòn gửi sang, nào hoa, nào sách vở, bánh trái… Lại nhớ anh tôi còn khệ nệ bê cả đại tiệc hột vịt lộn đông lạnh, đầy đủ rau răm, muối tiêu… Tết thật là lóng lánh rộn ràng!
Giờ thì chèo queo một mình, lủi thủi một mình đi vào đi ra. Giao thừa ở Sài Gòn, 6 giờ chiều bên này, tuyết bay trắng trời. Tôi nước mắt lưng tròng, rồi khai bút đầu năm bằng một lá thư đẫm nước mắt, gửi về nhà than thở kể lể nỗi lòng…
Sáng hôm sau, đã nguôi ngoai, ngồi bóc bánh chưng mừng năm mới, nhìn lại lịch (lịch đỏ chót mua ở khu phố Tàu mừng xuân), thì mới té ngửa, hôm qua mình… khóc lộn!
Hôm qua, mới là… 29 tết!
(Viết trên chuyến bay về nhà, ngày 17.12.2022)
(*) Thơ Nguyễn Bính
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 200