Kiến trúc chùa Mulagandha Kuti Vihara
Tòa tháp chính của chùa Mulagandha Kuti Vihara mang kiến trúc giống với tháp Đại Giác (Mahabodhi) ở thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), nơi Đức Phật giác ngộ
Vườn Lộc Uyển có một tòa kiến trúc rất độc đáo, là ngôi chùa Mulagandha Kuti Vihara với lịch sử gắn liền với công cuộc phục hưng Phật giáo ở Sarnath. Theo sử liệu, từ thế kỷ thứ 6, khi có nạn giặc Hung nổi lên tàn phá khu thánh tích Vườn Lộc Uyển thì nơi này dần chìm vào quên lãng trong đời sống tâm linh của các Phật tử. Mãi đến năm 1891, Ngài Dharmapala dành tiền mua mảnh đất và dựng lên ngôi chùa, Sarnath mới được chú ý đến.
Vật liệu chính xây chùa là đá sa thạch hồng, ngoài chất liệu độc đáo, quý hiếm, còn là những nét chạm trổ tinh xảo, với hình bánh xe luân hồi như một chi tiết trang trí độc đáo trên các ô cửa sổ, bảo tháp. Giữa trường lang ngay lối vào chính điện là một đại hồng chung gây chú ý với khách hành hương, đây là món quà được hoàng gia Nhật hiến tặng.
Tiếp bước theo trường lang ấy, vào đến chính điện, cả một không gian Phật tích mở ra, nổi bật là những bức bích họa trong nội thất miêu tả cuộc đời Đức Phật với những biến cố quan trọng từ khi Ngài sinh ra cho đến khi nhập diệt với lối thể hiện hết sức sống động, tinh tế. Tác phẩm này do Kosetsu Nosu, một họa sỹ người Nhật, thực hiện liên tục từ năm 1932 đến 1936. Phần kinh phí thực hiện ban đầu được một phật tử người Anh là ông Broughton đóng góp, số tiền còn lại do hoàng gia Nhật Bản và các phật tử hai nước cúng dường, cùng với những khoản thu từ các cuộc đấu giá tranh của tác giả dùng để hoàn thiện công trình nghệ thuật độc đáo này.
.jpg)
Toàn bộ kiến trúc chùa Mulagandha Kuti Vihara được xây bằng chất liệu quý hiếm là đá sa thạch hồng
Các chi tiết trang trí, điêu khắc của chùa Mulagandha Kuti Vihara với hình ảnh bánh xe chuyển pháp luân, tượng trưng cho Bát Chánh Đạo trong giáo pháp nhà Phật
Ngay cạnh chùa Mulagandha Kuti Vihara là một công trình ghi dấu nơi bài kinh “Chuyển pháp luân” danh tiếng, khởi đầu sự nghiệp Hoằng pháp của Đức Phật, ra đời sau khi Phật thành đạo. Người bạn dẫn đường Razip cho biết: “Nơi đây có tên là Mrigadava, có nghĩa là Vườn Nai (Vườn Lộc Uyển), trước kia là một cánh rừng rập rạm với rất nhiều nai sinh sống. Tên gọi Sarnath bắt nguồn từ Sagangranat cũng có nghĩa là Vườn Nai, khu vực quan trọng nhất trong thánh tích này chính là bảo tháp Chánh Pháp (Dhamekh)”.
Nhà sư Huyền Trang người Trung Hoa khi sang Tây Thiên thỉnh kinh cũng đã từng choáng ngợp trước vẻ đẹp của Vườn Lộc Uyển, trong ghi chép của ngài có ghi vào năm 640 sau công nguyên, Sarnath kiêu hãnh tồn tại với những bảo tháp khổng lồ với 1.500 tu sĩ trong những tu viện rộng lớn.
Thánh tích Vườn Lộc Uyển, cùng bảo tháp Dhamekh dù không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng vẻ đẹp lưu lại từ những nét điêu khắc đầy tinh xảo trên nền đá ở các tháp Phật cũng đủ minh chứng một thời kỳ rực rỡ và nay trở thành điểm đến của người mộ đạo và cả những lữ khách yêu thích khám phá nét đẹp ngàn năm, được lưu dấu trên những mảng điêu khắc, xây dựng trong các công trình kiến trúc nổi bật ở Sarnath.
.jpg)
Bảo tháp Chaukhandi (Tháp Gặp Gỡ) đánh dấu nơi Đức Phật gặp lại năm anh em Kiều Trần Như sau khi Ngài thành đạo
Quanh bảo tháp Dhamekh còn rất nhiều các công trình kiến trúc lớn nhỏ khác, dù không còn nguyên vẹn nhưng vẫn lưu giữ được những đường nét và chi tiết điêu khắc tinh xảo
Các bức bích họa trang trí trong nội thất chùa Mulagandha Kuti Vihara miêu tả về cuộc đời Hoằng pháp của đức Phật
.jpg)
Bảo tháp Dhamekh là một khối kiến trúc hình tròn gồm 2 phần chồng lên nhau, cao đến 30m
Kết cấu kiến trúc phức tạp phần tháp chuông của chùa Mulagandha Kuti Vihara
.jpg)
.jpg)
Hai chất liệu chủ đạo xây nên bảo tháp Dhamekh là gạch nung và đá sa thạch, với rất nhiều chi tiết chạm khắc trang trí tinh xảo, miêu tả các hoa văn hình cánh sen, các đường kỷ hà rất sống động và tinh tế
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 124