Những bức tranh trên tường

Lượt xem: 8385
28/1/2023 19:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - NGUYỄN THỊ THU HẰNG (Buôn Ma Thuột)

Gần bốn chục năm trước, khi còn là một đứa trẻ, khi chưa được bay 13 tiếng sang Paris xếp hàng dài mua vé vào bảo tàng Louvre để nhìn ngắm nàng Monalisa của Leonardo da Vinci thì trong một căn nhà tập thể nhỏ xíu liêu xiêu, tôi đã được ngắm nàng.

 
Là mẹ tôi đã cắt từ tấm lịch treo tường ra ảnh bức họa nàng Monalisa (tranh của Leonardo da Vinci) và ảnh bức họa Người đàn bà xa lạ (tranh của Ivan Nikolaevich Kramskoi), nhờ bác thợ mộc gần nhà đóng cho hai cái khung gỗ và treo 2 bức họa lên tường. Thế là từ nhỏ tôi đã sống trong ngôi nhà có tranh. Ngoài sân thì hoa bìm bìm leo tím hàng hiên, leo lên cả mái và rủ xuống. Lúc ấy tôi không hề biết rằng tôi đã có tuổi thơ thật đẹp dù chúng tôi thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng mãi đến sau này tôi mới hiểu ra mình may mắn có được tuổi thơ êm đềm và ngọt ngào ấy, quá may mắn được làm con của một người phụ nữ có óc thẩm mỹ, dù trong hoàn cảnh nào cũng biết làm đẹp theo cách của mình. Mẹ tôi đan những chiếc áo len cho tôi và em trai, tự  may những chiếc rèm cửa hoa từ những mảnh vải ít ỏi mua được bằng tem phiếu ở cửa hàng mậu dịch.
 

Khi là sinh viên trọ học tại Hà Nội, tôi đã tìm cách chỉnh trang căn phòng trọ của mình bằng giấy bồi dán tường và tự vẽ một bức tranh bằng bột màu đi xin được từ bạn bè học trường kiến trúc, đóng trong cái khung giấy khen và treo lên tường. Sinh viên nghèo đi thuê nhà, tươm tất và có tranh, đôi khi còn mua hoa theo mùa về cắm nữa. Tuổi trẻ của tôi đỡ thiếu thốn hơn tuổi thơ một chút và nó cũng ngọt ngào không kém gì tuổi thơ. Tôi nhớ mình đã vẽ bức tranh bình hoa hồng trắng bằng một chiếc cọ cứng ngắc mua loại rẻ tiền nhất, vẽ như các cháu tiểu học vẽ, đơn giản như không thể có bức họa nào đơn giản hơn. Nhưng tôi ưng lắm, đi học về thứ đầu tiên nhìn ngắm là bức tranh ấy. Những tối mùa đông lạnh co ro trong chăn, tôi cũng ngước nhìn bức tranh ấy với bao nhiêu hoài bão về tương lai.
Sau này khi tôi bước chân vào một căn nhà lạ hay vào một văn phòng nào đó, thứ đầu tiên tôi dõi mắt tìm kiếm là những bức tranh. Và không phải lúc nào tôi cũng tìm thấy, ngay cả trong những căn nhà được đầu tư tốn kém. Một số căn nhà đầu tư tranh với ánh sáng chưa tương xứng với mức độ đầu tư nội ngoại thất. Với tôi (là suy nghĩ của riêng tôi thôi), căn nhà thiếu tranh giống như thiếu một nguồn sống nào đó, thiếu một sự biểu cảm như khuôn mặt thiếu đi nụ cười/ một cái nhăn nhó bất chợt/ một sự tĩnh lặng/ cái hào hứng/ nỗi đam mê tha thiết... Khuôn mặt có thể rất đẹp về tỷ lệ và chi tiết nhưng thiếu những biểu cảm bỗng chốc lại trở nên khó đoán biết và khó tiến lại gần hơn. 
Ai đó có thể không xinh đẹp nhưng cảm xúc trên khuôn mặt lại khiến cho họ đáng nhớ, đáng yêu hơn bao giờ hết. Ngôi nhà cũng vậy, có thể nó không đẹp theo chuẩn mới, nó cũ, nó nhỏ, nhưng dùng tranh và ánh sáng phù hợp, nhà lại ấm áp và gần gũi, tạo cảm xúc lấn át tất cả những nhược điểm trên khiến người ta yêu luôn cả cái sự cũ kỹ tỏa ra những ký ức về thời gian. Màu sắc của bức tranh cũng có thể sử dụng để cân bằng màu sắc trong nhà. Ví dụ như căn nhà màu xám, có một bức tranh tông vàng ấm sẽ xóa tan được cảm giác trầm và nghiêm túc. Bức tranh màu xanh sẽ xóa tan được cái cảm giác đơn điệu của mảng tường trắng, mang tới âm hưởng của một mùa hè dịu dàng. Hay một bức tranh tông màu đỏ cam khiến cho căn nhà thân thiện vui vẻ, rộn ràng.
Những bức tranh trên tường nhà sẽ mang lại cho ta điều gì?
Có thể chỉ đơn giản là một giây phút lắng đọng mà các thiền sư dạy ta chạm tới. Cái giây phút ngừng lại mọi suy nghĩ, không ước vọng, không mong mỏi, chỉ là nhìn ngắm những sắc độ trải dài trên bức vẽ. Xanh này, rêu này, cam này, tím này… Không nhận xét đẹp xấu, không tưởng tượng nội dung. Chỉ đơn giản là trộn tâm hồn mình vào những sắc độ sáng tối, để tâm trí hoàn toàn trở về với thực tại, nơi đây và bây giờ.
Có thể là hoài niệm về một vùng đất, một con người, một kỷ niệm đã có. Lúc này, tranh giống như một người bạn cũ bên nhau không cần nói. Cảm xúc không cần tới ngôn từ. Có khi chúng ta treo một bức tranh ở một chỗ hàng chục năm, hàng hai chục năm không đổi. Là nhắm mắt chúng ta cũng bước đến đúng nơi. Là một dấu mốc về vị trí trong nhà, thân quen đến độ nhìn thấy là yên tâm rằng mọi thứ vẫn an ổn như cũ.
Có thể là một chút thông điệp nhắc ta về con đường phía trước bởi ta hay quên và hay lạc lối. Tranh kéo ta về lại đúng con đường ta hướng tới, ví dụ như kế hoạch cuộc đời đặt chân lên 50 quốc gia, thì bức tranh về những vùng đất ta đã đi qua nhắc nhở ta tiếp tục thực hiện cuộc hàng trình. Hay bức tranh vẽ lên nỗi buồn trẻ thơ nhắc ta hãy đi đến những nơi còn khó khăn để giúp đỡ trẻ em nghèo… Vì cuộc sống dày đặc quá và ta quên mất mục tiêu đời mình nên bức tranh có thể nhắc nhớ những dự định ta đã vạch ra.
Tranh có thể là một chút vui vẻ mỉm cười khi đi làm về khi nhìn những bức tranh ngộ nghĩnh hài hước, cho ta vui một niềm vui miễn phí và dễ tìm. Phòng sinh hoạt chung hoặc trong bếp, cần lắm một bức tranh vui tươi.
 

 

Những bức tranh giúp cho căn nhà vui vẻ, ấm cúng và gợi nhớ
 
Tranh cũng có thể đem lại cảm giác sở hữu, sưu tập, giá trị, tài sản… với những người chuyên sưu tập tranh giá trị cao, duy nhất, đại diện cho một thời kỳ nào đó của hội họa hay của đời sống xã hội.
Cảm nhận về tranh thế nào nó phụ thuộc nhiều vào việc ta là ai và tâm trí ta thế nào. Cùng một bức tranh có thể đem đến xúc cảm mạnh mẽ cho người này nhưng lại là sự thờ ơ cho người khác. Có những họa sỹ tài ba đã kết hợp kỹ thuật vẽ điêu luyện với những cảm xúc, sử dụng những thứ dung dị của cuộc sống để đưa lên mặt tranh mà khiến ta ngẩn ngơ mãi không thôi. Phảng phất một cơn gió, một nhành hoa cũng khiến ta liên tưởng tới bức tranh ta đã từng ngắm ở đâu đó, kết nối ta trở về với những ký ức mỏng manh.
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, trong cuộc sống quá dày đặc, tranh là thứ gì đó kéo ta ra khỏi khối đông cứng ấy, làm loãng cục bê tông giữ chặt để ta có thể bay lên trong một số khoảnh khắc của ngày. Sau này tôi đã đi học vẽ, dùng cọ và màu để trốn khỏi những trói buộc chằng chịt của cuộc sống. Dù là người ngoại đạo còn non nớt nhưng tôi cũng vẽ tranh treo trong nhà, tặng bạn bè người thân và cả bán được một số bức. Những bức tranh giúp cho căn nhà vui vẻ ấm cúng và gợi nhớ. Những người bạn tôi treo tranh của tôi có lẽ vì sự quý mến tôi là chính chứ không phải vì giá trị bức tranh và một lần nữa tôi lại thấy ở tranh sự kết nối, đồng cảm với nhau giữa những người bạn.
Và tôi hoàn toàn không tưởng tượng được mình sẽ sống ra sao trong một ngôi nhà trên tường thiếu những bức tranh.
 
Theo Kiến Trúc & Đời Sống số 200