Những viên ngọc quý trước Kinh thành Huế

Lượt xem: 12570
14/11/2018 0:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Hà Thành

Kinh thành Huế (Kinh thành Phú Xuân) được vua Gia Long, người lập ra vương triều nhà Nguyễn cho khởi dựng từ năm 1805 và hoàn thành cơ bản vào năm 1832; tới nay đã hơn hai trăm năm tồn tại. Kinh thành là một phần quan trọng trong hệ thống kiến trúc ở cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa nhân loại.

 
Phu Văn Lâu
 
Qua những thăng trầm của lịch sử và thời cuộc, nhiều công trình kiến trúc đã không còn, nhưng vẫn còn đó nhiều kiến trúc tuyệt mỹ ghi dấu ấn đậm nét của một thời vàng son. Có những công trình tuy nhỏ mà vẫn hiện hữu qua năm tháng, thực sự là những viên ngọc quý tô điểm cho Kinh thành uy nghi trầm mặc của quá khứ, và cho cả thành phố Huế hôm nay.
 
Phu Văn Lâu
Phu Văn Lâu là một công trình kiến trúc có vị trí và vai trò quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích cố đô Huế. Phu Văn Lâu nằm phía trước Kỳ Đài - bên ngoài Kinh thành, trên trục thần đạo của Kinh thành và Hoàng thành. Mặt chính công trình nhìn ra phía sông Hương. Vị trí này xưa kia là cạnh đường “quan lộ” (nay là quốc lộ 1A). Đây được coi như điểm chuẩn để tính đường lên rừng xuống biển, ra bắc vào nam từ Kinh đô Huế. 
Tại địa điểm này, từ đầu thời Gia Long nhà Nguyễn triều đình đã cho dựng một Bảng Đình (đình treo bảng). Đến cuối thời Gia Long, vào năm 1819 nó được thay thế bằng một công trình kiến trúc bằng gỗ hai tầng và đổi tên thành Phu Văn Lâu. Tên của công trình này đã nói lên chức năng của nó: “Phu” nghĩa là bày ra, ban bố; “Văn” là các loại văn bản của triều đình như chiếu thư, dụ chỉ; “Lâu” là lầu. Phu Văn Lâu là lầu dùng niêm yết các văn bản của triều đình, đặc biệt là nơi yết bảng các tiến sỹ đậu trong những khoa thi Hội được triều nhà Nguyễn tổ chức tại Kinh đô Huế. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi triều đình tổ chức các cuộc lễ khánh hỷ mang tính quốc gia có sự hiện diện của nhà vua, triều thần và dân chúng ở Kinh đô cũng như các tỉnh lân cận.
Phu Văn Lâu là một lầu gỗ hai tầng với 16 cột, trong đó có bốn cột giữa cao hai tầng; gồm tám bộ mái chia làm hai tầng mái, lợp ngói lưu ly. Tầng trệt hoàn toàn để trống, không có tường vách; bốn phía có lan can gạch bao quanh, phía trước và hai bên có bậc cấp lên xuống. Tầng lầu trên nằm trên bốn cột giữa được thưng vách gỗ với các ô cửa sổ ở phía trước và hai bên; xung quanh có lan can gỗ. Ở tầng lầu, phía trước, tại vị trí dưới mái và trên cửa sổ có tấm hoành phi đề ba chữ “Phu Văn Lâu”. Các bờ nóc, bờ quyết mái được trang trí tinh xảo bằng hình rồng, hình hoa lá theo lối khảm sành sứ.
Phía trước Phu Văn Lâu hướng ra đường cái quan - nay là quốc lộ 1A đi qua thành phố Huế, có hai khẩu súng thần công được thiết trí hai bên hướng vào giữa để tăng sự uy nghiêm. Đặc biệt trước đây nhà Nguyễn từng cho đặt hai tấm bia bằng đá Thanh hai bên, khắc bốn chữ “khuynh cái hạ mã” (nghiêng nón xuống ngựa) nhằm nhắc nhở thái độ, cử chỉ những người đi qua nơi chốn lễ nghi quan trọng này. Rất tiếc hai tấm bia này đã bị hư hại và biến mất sau năm 1975.
Là một kiến trúc ra đời sớm trong quần thể các công trình ở Kinh đô, lại nằm ở vị trí đắc địa, giữ chức năng quan trọng; cố nhiên Phu Văn Lâu là một công trình quan trọng trong cấu trúc Kinh thành Huế và được coi là gương mặt của Kinh thành. Tuy là một kiến trúc nhỏ nhưng Phu Văn Lâu là một công trình có giá trị thẩm mỹ - nghệ thuật cao, hài hòa với cảnh quan, là một điểm nhấn của không gian phía trước Kinh thành. 
 
Từ đầu thời Gia Long nhà Nguyễn triều đình đã cho dựng một Bảng Đình (đình treo bảng). Đến cuối thời Gia Long, vào năm 1819 nó được thay thế bằng một công trình kiến trúc bằng gỗ hai tầng và đổi tên thành Phu Văn Lâu
 
 
Nghênh Lương Đình
Nghênh Lương Đình là kiến trúc nằm ở vị trí đầu tiên trên trục thần đạo, phía trước Kinh thành và Phu Văn Lâu, sát bờ sông Hương.
Nghênh Lương Đình được xây dựng vào năm 1918 dưới thời vua Khải Định. Nơi đây trước kia có một kiến trúc tên là Lương Tạ được xây dựng dưới thời vua Tự Đức, là nơi để vua hóng mát. Công trình này đã bị hủy hoại bởi cơn bão năm Nhâm Thìn (1904). Nghênh Lương Đình là một kiến trúc nhỏ nhưng có giá trị cao về nghệ thuật và trang trí. Công trình là một ngôi nhà nhỏ với kiến trúc mở, bốn bề thoáng đãng, mặt chính nhìn ra dòng sông Hương, mặt sau nhìn về không gian rộng lớn trước Kinh thành, đúng như cái tên của nó: “Nghênh Lương” nghĩa là “đón luồng gió mát”. Đây cũng là bến thuyền dành cho vua ngự dạo sông Hương. 
Nghênh Lương Đình được xây trên một nền hình vuông mỗi cạnh dài 17,8m; cao 0,85m. Quanh nền có lan can xây gạch bao bọc, có hai hệ thống bậc thềm rộng phía trước và sau, đắp hình rồng. Mặt bằng ngôi nhà hình chữ nhật, chiều bắc - nam dài 15,7m, chiều đông - tây dài 10,4m; gồm nhà chính ở giữa và hai nhà với mái hiên kiểu vỏ cua trước và sau. Mỗi nhà vỏ cua nối với nhà chính bằng một máng xối.
Nhà chính là một kiến trúc kiểu phương đình theo dạng cổ lầu với hai tầng mái, có 16 cột gỗ: 4 cột giữa chống tầng mái thượng và 12 cột quân xung quanh chống đỡ phần mái hạ. Các hàng cột quân được gia cường bằng tường chịu lực xây gạch dày 30cm; các bức tường này cũng là tường bao che ở bốn góc công trình. Bốn mặt gian giữa đều để trống. Gian bên ở phía bắc - nam được trổ cửa vòm, còn gian bên ở phía đông - tây trổ cửa sổ hình chữ “thọ”. Chân tảng bốn cột giữa làm bằng đá Thanh, các cột quân kê trên chân tảng đúc xi măng. Nền nhà lát gạch hoa 20x20cm. Mái lợp ngói ống hoàng lưu ly. Trên bờ nóc đắp hình hồi long chầu mặt nhật, các bờ quyết trang trí hình giao.
Hai nhà vỏ cua có kích thước bằng nhau (10mx2,7m). Khung gỗ được kết cấu theo kiểu vì kèo chồng rường giả thủ, mái lợp ngói liệt. Bờ mái cũng đắp hình hồi long chầu mặt nhật; nhưng ở cuối các bờ quyết thì đắp hình chim phượng. Đáng chú ý về mặt mỹ thuật là các trang trí nội thất trên hệ thống vì kèo được chạm công phu, tinh xảo và sinh động với các đề tài bát bửu: tù và, quạt vả, phất trần, cái khánh, lẵng hoa, bầu rượu… Đặc biệt là các xà dọc các gian hai bên nhà vỏ cua được chạm hình rồng chầu cách điệu đầy thẩm mỹ.
Nhìn chung, cũng giống như Phu Văn Lâu, Nghênh Lương Đình là một kiến trúc mở, thoáng, hài hòa với cảnh quan và không gian phía trước Kinh thành, có sự kết nối uyển chuyển trên trục thần đạo từ Kỳ Đài, qua Phu Văn Lâu tới sông Hương và núi Ngự Bình phía nam Kinh thành. Công trình là một kiến trúc có giá trí nghệ thuật cao, như viên ngọc quý lấp lánh bên bờ sông Hương.
Hình ảnh Nghênh Lương Đình và Phu Văn Lâu được in trên mặt sau tờ giấy bạc mệnh giá 50.000 đồng hiện đang lưu hành, phát hành từ năm 2003.
  
 
 
Nghênh Lương Đình xây dựng vào năm 1918 dưới thời vua Khải Định. Nơi đây trước kia có một kiến trúc tên là Lương Tạ được xây dựng dưới thời vua Tự Đức, là nơi để vua hóng mát
 
 
Thương Bạc Đình
Là một kiến trúc nhỏ, xinh xắn nằm phía trước Kinh thành. So với hai công trình trên, Thương Bạc Đình ra đời khá muộn, vào năm 1936. Vị trí của Thương Bạc Đình là phía trước cửa Thượng Tứ mé trái Kinh thành, trong hoa viên bên bờ bắc sông Hương. Mặt chính công trình quay về hướng Kinh thành.
Thương Bạc Đình được xây dựng để kỷ niệm một cơ quan ngoại giao của triều Nguyễn được thiết lập từ lâu về trước. Nguyên nơi đây là Thương Bạc Viện được xây dựng từ thời vua Tự Đức - là nơi tàu thuyền ngoại quốc cập bến, buôn bán. Sau sự kiện thất thủ Kinh thành năm 1885, cơ quan này không còn tồn tại. Kiến trúc này đã trải qua nhiều lần thay đổi chức năng và chủ nhân. Tới năm 1936, nhận thấy các tòa nhà Thương Bạc Viện cũ đã xuống cấp, triều Nguyễn cho xây dựng Thương Bạc Đình ở vị trí hiện nay để kỷ niệm về một Thương Bạc Viện chỉ còn là phế tích.
Thương Bạc Đình do Nguyễn Văn Khả (1875-1964) thiết kế và tổ chức thi công. Ông là một nghệ nhân mộc - nề nổi tiếng dưới thời vua Khải Định và Bảo Đại. Ông từng được ban tặng danh hiệu “Đệ nhất xảo thủ”, được sắc phong “Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo” (hàm Tòng Thất phẩm vua ban) và được tặng nhiều bằng khen, huy chương về nghệ thuật.
Khác với Phu Văn Lâu và Nghênh Lương Đình là những kiến trúc gỗ truyền thống, Thương Bạc Đình được xây dựng bằng bêtông cốt thép là chủ yếu, một loại vật liệu mới mẻ du nhập từ phương Tây thời bấy giờ. Tòa nhà được thiết kế theo dạng cổ lầu, gồm hai tầng mái. Tầng dưới có mặt bằng hình bát giác, xây trên một nền vuông mỗi cạnh 15m. Ở tầng trên, mặt bằng thu lại thành hình vuông, bốn phía gắn hai chữ Hán “Thương Bạc” khảm sành sứ. Hệ khung kết cấu chính là bêtông cốt thép, còn hệ thống đòn tay, rui mái và diềm mái vẫn làm bằng gỗ. Nền lát gạch gốm vuông, xung quanh có tường thấp, bốn phía đều có bậc cấp để đi lên. Mái lợp ngói ống và ngói câu đầu trích thủy tráng men như nhiều cung điện khác ở Huế. Trên bờ nóc đắp hình hồi long chầu mặt nhật, còn các bờ quyết trang trí hình giao cách điệu. Đứng ở giữa nền tầng dưới nhìn lên, người ta thấy bốn phía trang trí hình hổ phù ngậm chữ “thọ”, phía trên trần là một hình hoa văn rỗng uốn lượn. Hai tầng mái của tòa nhà được chống đỡ bằng 10 cặp trụ tròn, xung quanh không có tường - vách. Toàn bộ công trình thoáng đãng và có nét khỏe khoắn kết hợp của cả cổ điển và hiện đại.
Phía trước công trình, cách một sân rộng, phía sát đường thẳng với cửa Thượng Tứ của Kinh thành có tam quan khá lớn xây bằng gạch và bêtông, trên trang trí bằng những hoa văn và chữ Hán khảm sành sứ. Công trình là một điểm nhấn đẹp trong hệ thống hoa viên ở bờ bắc sông Hương. 
Ba công trình tuy được xây dựng ở những thời kỳ khác nhau, với kiến trúc và chức năng khác nhau; song tựu trung lại, chúng đều là những công trình có giá trị thẩm mỹ cao, hài hòa với cảnh quanh thiên nhiên trước Kinh thành Huế, thực sự là những viên ngọc sáng lấp lánh bên bờ sông Hương thơ mộng. Hiện nay, cả ba không gian công trình này cũng là không gian tổ chức lễ hội và sự kiện văn hóa rất phù hợp; riêng ở Phu Văn Lâu và Thương Bạc Đình, cuối tuần đều diễn ra những chương trình hòa nhạc đường phố thu hút rất nhiều người dân và khách du lịch thưởng thức.

 
Thương Bạc Đình xây dựng năm 1936 để kỷ niệm một cơ quan ngoại giao của triều Nguyễn được thiết lập từ lâu về trước
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 144