Quen là thế, nhưng cuối một buổi chiều gần tắt nắng ghé thăm Bà Nài, tôi vẫn ngỡ ngàng trước minh chứng cho tình yêu giữa con người và đất trời nơi đây. Ôm sát đất mẹ, với lấy trời xanh, Bà Nài nhẫn nại gìn giữ cho thế gian những chuyện tình huyền thoại mà cũng rất đời thường.
Những tháp Chàm xuất hiện kéo dài dọc suốt dải đất Nam Trung bộ là chứng tích không phai về nền văn minh rực rỡ của người Chămpa xưa. Bà Nài có Po Sah Inư, vẫn đặc thù là những khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm với chất keo kết dính được tinh chế đặc biệt, phong cách Hòa Lai (*) càng cổ điển hơn, nhu mì hơn, thâm trầm hơn trong nền trời rực vàng của chiều tàn loang nắng. Ẩn hiện đâu đó bóng dáng công chúa Po Sah Inư và những vũ điệu thần tiên bất tử, thân hình uyển chuyển trên những bước chân mềm mại trong tiếng trống Paranưng và tiếng kèn Saranai. Tình yêu của con người trên đất, phả xuống đất, khao khát đất làm đất nở hoa, bông hoa đẹp Po Sah Inư như vươn lên trời cao tìm đến sự vĩnh hằng.
Po Sah Inư không độc chiếm Bà Nài mà chia sẻ vẻ huyền bí phương Đông đó cùng người bạn đến từ trời Tây: lâu đài của công tước Demonpensier, hay còn gọi là Lầu Ông Hoàng. Song, vẫn như xuyên suốt một ngôn ngữ câm lặng cô độc bao trùm các khối kiến trúc Đông và Tây đó, Bà Nài chắt chiu từng giọt hồi ức, bảo vệ chở che lên tất cả bằng rêu phong của thời gian. Không ai ở đây xa lạ với Lầu Ông Hoàng, một tọa thế án ngữ trước đồi khá phong trần, một tích hợp hình khối bêtông chắc khỏe, giản đơn vào thời đại nó xuất hiện nhưng không lấn lướt vẻ u tịch duyên dáng của Po Sah Inư, giữ cho mình vai trò là kẻ canh giữ bình yên bên trời đất mây gió.
Tòa lầu cao tuy hoang phế nhưng không mất đi niềm hy vọng về chốn kỳ ngộ
Con đường quanh co dưới chân đồi Bà Nài trở thành sợi dây nối kết công trình với tổng thể bao quanh. Như một lối kể chuyện dẫn dắt, con đường nhỏ không ngạt ngào hoa thơm cỏ lạ hay thu hút mọi ánh nhìn, mà nép một bên, vừa mạnh mẽ xuyên qua cái nắng oi bức nảy lửa như sa mạc giữa trưa, vừa thì thầm giản dị như một câu chuyện tình yên ả kể lúc hoàng hôn. Từng đôi nam nữ hôm nay vẫn đưa nhau đi về trên lối hoang sơ mỹ miều thuở nào. Có lẽ nhắc đến Lầu Ông Hoàng là nhắc đến nơi yên nghỉ: yên nghỉ của một thời đã xa các nền văn hóa hàm chứa Po Sah Inư, yên nghĩ tĩnh tại của biết bao kiếp người trong một nghĩa trang phía tây ngọn đồi. Và như thế, đồi Bà Nài trở nên một chốn âm dương hội ngộ theo đa tầng ngữ nghĩa văn hóa và lịch sử. Đó cũng chính là nét hấp dẫn của sự giao hòa giữa đất - trời, tĩnh - động, cái chết - sự sống...
“... Lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết...”
(Phan Thiết, Phan Thiết – Hàn Mạc Tử)
Văng vẳng đâu đây câu chuyện tình đi vào huyền thoại thật lãng mạn, hiền hòa, bình yên của đất trời, ru lòng người thi sĩ, chấp cánh cho hương vị tình yêu được thăng hoa. Vẫn in trên từng lối đi bên đồi Bà Nài dấu ấn mối tình của Hàn Mạc Tử và Mộng Cầm, say đắm mà tuyệt vọng, tràn đầy đến vỡ tan. Bà Nài đối với tôi đã trở thành tượng đài bình yên, tượng đài tình yêu đặc trưng của vùng đất này. Những cành cây mảnh mai lòa xòa phơi mình trong ánh hoàng hôn vàng rực, xa xa vọng đến tiếng sóng biển rầm rì khắc khoải mang theo vị mặn ký ức bao ngày tràn về.
Tôi lần bước xuống đồi trong hoàng hôn sắp tắt. Bà Nài ngỡ như chìm vào màn đêm tĩnh mịch nguyên sơ nhưng thực ra vẫn điệu đàng hứng trăng, vẫn thinh lặng để sớm mai lại đón bình minh mới với những câu chuyện tình yêu bất diệt của mình.
“Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng...”
(Hàn Mạc Tử)
(*) Một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa nửa đầu thế kỷ IX. Đặc điểm tiêu biểu là các vòm cửa nhiều mũi tròn trùm lên các cửa thật, cửa giả và các khám. Các cột ở khung cửa hình bát giác bằng sa thạch được trang trí bằng một đường các hình lá uốn cong. Khoảng cách giữa hai trụ ốp có trang trí hình thực vật. Bên dưới các trụ ốp là các hình kiến trúc thu nhỏ trong đó có hình người đắp nổi.
Thân thuộc đến hiển nhiên mà vẫn thật ngỡ ngàng, minh chứng cho tình yêu giữa con người và đất trời
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 144