Nếu tính từ khởi thủy, thì chùa được xây dựng từ thời nhà Đinh. Đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích
Chùa Thầy nằm ở chân núi Sài Sơn thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ - nay thuộc Hà Nội, được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng lại gồm 2 cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn tự) ở trên núi và chùa Dưới (Thiên Phúc tự). Theo thuyết phong thủy, chùa được xây trên thế đất hình con rồng, lưng tựa núi Sài Sơn, mặt quay ra hướng nam. Trước chùa có sân rộng nhìn ra hồ tạo thành hàm rồng. Xung quanh chùa có hai dãy hành lang, phía sau có lầu chuông, lầu trống. Từ sân chùa còn có hai cầu là Nhật Tiên kiều và Nguyệt Tiên kiều nối sang hai bên tạo thành hai râu rồng.
Từ trên núi cao nhìn xuống, chùa Thầy là một quần thể thống nhất về cảnh quan và kiến trúc với nét đẹp vừa lãng mạn, vừa cổ kính. Thường vào tháng 3, tháng 4, khi những bông hoa gạo nở đỏ rực góc sân chùa cũng là dịp để du khách đến đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một ngôi chùa cổ cũng như tham dự vào lễ hội đậm chất văn hóa tâm linh của một miền quê Bắc bộ.
Nếu có dịp, hãy đến chùa Thầy vào tháng 3, khi mùa xuân còn chưa cạn ngày, phảng phất vẫn còn mưa bay bay như là lưu luyến cả một mùa áo ấm. Bởi tháng 3 khi lúa đã trổ đòng đòng ở trên ruộng với làn sương mỏng phía xa xa chân trời thì cũng là lúc hoa gạo nở như ngọn than hồng thắp đỏ lửa trên bầu trời, xua đi không khí ảm đạm của mùa xuân miền Bắc.
Có một cây hoa gạo ở chùa Thầy, mọc ở sân chùa, tuổi thọ cũng đến vài trăm năm tuổi. Cây gạo đã già nua, nhưng lại vươn cao, tán xòe rộng ra để vào mùa lại bung lửa giữa trời cao. Cây đứng đó sừng sững như một nét chấm phá cho cả khuôn viên chùa vốn trầm ngâm, u tịch. Những bông lửa sà xuống mặt ao gối vào thủy đình - nơi diễn ra lễ hội chùa Thầy vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm - như một bức tranh thủy mặc giữa làng quê yên bình.
Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Hà Nội, và là nơi mà Thiền sư Từ Đạo Hạnh tu hành và thoát xác
Hội chùa Thầy diễn ra từ mồng 5 đến mồng 7 tháng 3 âm lịch hàng năm. Trong ngày hội chùa ngoài nghi lễ tôn giáo, đây cũng là nơi diễn ra trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian Việt Nam
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 146