Lăng Gia Long

Lượt xem: 402582
12/12/2018 0:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Hiền Phùng

Con đường đến lăng Gia Long vào tháng 7 lấp lánh trong nắng vàng với những bóng thông xào xạc, vi vu soi bóng xuống mặt hồ gợn sóng. Phong cảnh xanh tươi hòa với nét uy nghi của đồi núi xa xa. Nổi bật lên trên nền xanh là hai cột trụ cao vút báo hiệu đã đến khu vực lăng.

 

 

 
Vua Gia Long (1762-1820) là vị vua sáng lập triều Nguyễn, định đô ở Phú Xuân (Huế). Tháng 3 năm 1804 vua đặt quốc hiệu Việt Nam. Năm 1814 khi hoàng hậu mất, đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo thi công lăng mộ làm nơi yên nghỉ của vua và hoàng hậu. Năm 1820 lăng được xây xong. Lăng Gia Long còn gọi là Thiên Thọ lăng là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Toàn bộ khu lăng là một quần sơn với 42 ngọn đồi, núi lớn nhỏ. Tất cả nằm trong khu vực rộng hơn 28km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch - sông Hương. Tổng thể lăng chia thành ba khu vực.
 
 
 
 
Toàn bộ khu lăng là một quần sơn với 42 ngọn đồi, núi lớn nhỏ có diện tích rộng hơn 28km2 tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch - sông Hương
 
Chính giữa là lăng vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu nằm trên một quả đồi rộng và bằng phẳng. Lưng tựa 7 ngọn núi, trước có ngọn Đại Thiên Thọ án ngữ. Đối diện lăng mộ qua hồ sen là hai cột trụ biểu uy nghi. Trái phải đều có 14 ngọn núi làm “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Chân đồi là sân chầu với hàng thạch quan uy nghiêm. Tiếp đến là bảy cấp sân tế dẫn lên Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bửu Thành là các vòng thành kiên cố bao bọc mộ phần. Bửu Thành có hai cánh cửa bằng đồng, bước vào trong cửa gặp bức tường chắn, sau bức tường là hai ngôi mộ đá. Nhìn từ ngoài vào, mộ vua Gia Long ở bên phải có các cạnh và phần chân đế nhỉnh hơn một vài phân so với mộ Thừa Thiên Cao hoàng hậu nằm kế bên. Hai ngôi mộ đá được đặt sát nhau, đây là điều đặc biệt chưa từng có ở các lăng vua Nguyễn, khi cả án thờ và phần tẩm mộ có cả vua và hoàng hậu. Phía bên phải của lăng là khu tẩm điện, có điện Minh Thành làm trung tâm, nơi thờ vua và hoàng hậu thứ nhất. Bốn con rồng đá uy nghiêm ngậm ngọc, tay cầm hý cầu làm thành ba lối bậc cấp dẫn lên điện thờ. Bên trái khu lăng mộ là Bi Đình (nhà bia). Trong nhà bia lưu giữ một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh Đức Thần Công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha. Bia được chạm khắc tinh tế và sắc sảo, vẫn còn nổi nét chữ sau gần 200 năm.
 
 
 
 
Lăng Gia Long là bức tranh tuyệt vời về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan
 
Lăng Gia Long mang dáng vẻ nguyên sơ, là bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vỹ của cảnh quan. “Thế đất đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ núi đồi bao quanh” (thầy địa lý Lê Duy Thanh - con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) và “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi trong suốt mười nghìn năm” (học giả Léopold Cadiere). Nơi đây gợi lên những suy ngẫm về thành bại đời người và suy vinh của một triều đại.
 
 

 

 
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 147