Hoa giấy Thanh Tiên

Lượt xem: 80859
2/2/2019 0:00 - Điểm đến
Tác giả: Kiến trúc & Đời sống - Nguyễn Bảo Ngọc

Huế mộng mơ không chỉ có các di tích lịch sử của cố đô và vẻ đẹp tuyệt vời của biển Lăng Cô hay dòng sông Hương thơ mộng, mà còn có văn hóa làng nghề truyền thống lâu đời, đặc biệt nhất là làng hoa giấy Thanh Tiên.

 
 
Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Làng nằm dọc bờ nam hạ lưu sông Hương, cách thành phố Huế 7km. Đây là làng nổi tiếng chuyên làm về hoa giấy. Hoa ở đây có hai loại, đó là hoa thờ cúng với đầy đủ màu sắc và hoa sen giấy có màu tím Huế thơ mộng, có mặt khắp các vùng miền. 
Làng hoa giấy Thanh Tiên đã xuất hiện cách đây hơn 300 năm. Nghề gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người dân xứ Huế. Người làng Thanh Tiên nghĩ ra việc làm hoa giấy, trước là để cúng thần linh, tổ tiên, sau là trang hoàng nhà cửa. Nghề làm hoa giấy từ chỗ chỉ cung cấp cho thị trường tại chỗ đã vươn ra khỏi lũy tre làng, tạo nên thương hiệu có giá trị và ý nghĩa cho sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên trong và ngoài nước. Hàng năm, hoa giấy Thanh Tiên được đem đi trưng bày ở các lễ hội như Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế, lễ hội sóng nước Tam Giang...
 
Hàng năm cứ mỗi độ tết đến, chúng ta đều bắt gặp những chông hoa giấy rực rỡ sắc màu được bày bán ở chợ làng quê và các chợ nơi phố thị
 
Dân làng Thanh Tiên chỉ tranh thủ làm hoa khi thời gian nông nhàn của mùa vụ. Đặc biệt, vào tháng giáp tết cổ truyền, hay các kỳ Festival là dịp bà con Thanh Tiên bận rộn với việc làm hoa nhất. Tháng giáp tết nhu cầu hoa cúng, hoa trang trí cửa nhà của người dân tăng, còn dịp Festival, Thanh Tiên là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Lúc đông nhất, làng hoa giấy Thanh Tiên có tới 30 hộ làm hoa. Với trí tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo léo, tài hoa, người dân ở đây đã mô phỏng các loài hoa tự nhiên như hoa bìm bìm (hoa loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ và đặc biệt là hoa sen.
 
 
Để làm được một cánh hoa thì đòi hỏi các nghệ nhân phải có đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ, các công đoạn gồm có: tre được vót nhỏ và phơi khô; giấy nhuộm màu; hoa và nhụy cắt tỉa một cách tỉ mỉ để khi lấy hồ dán sẽ tạo được một cành hoa hài hòa về màu sắc lẫn bố cục. Những cánh hoa và màu sắc được làm khéo léo tới từng chi tiết. Để có những nguyên liệu tốt và đầy đủ nhất, người dân phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong cả năm trời, từ việc chọn giấy, tạo màu, chặt tre, nhuộm giấy… 
Hoa giấy Thanh Tiên ở xứ Huế khác biệt so với hoa giấy ở các nơi khác. Mỗi cành bao giờ cũng có 8 hoa chính, ngoài ra hoa còn đẹp và khác biệt ở cách nhuộm màu. Người làm hoa không sử dụng hóa chất công nghiệp mà dùng các nhựa và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm theo kiểu gia truyền nên hoa giữ được màu sắc lâu bền.
Trải bao thăng trầm, làng hoa giấy Thanh Tiên đã trở thành một đại diện cho nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian vô cùng độc đáo và đặc sắc của người dân xứ Huế. Những nghệ nhân gần một đời người làm nghề này vẫn luôn gắn bó và muốn lưu giữ lại nghề truyền thống, muốn con cháu biết được nét văn hóa đẹp của người Việt trên vùng đất đầy màu sắc của làng nghề hoa giấy. Để giữ gìn được nghề của cha ông, bao thế hệ người dân của làng đã phải vượt qua những khó khăn và thay đổi của xã hội hiện đại để giữ lại hồn cốt của làng, nét văn hóa đặc trưng của xứ Huế. 
 
Hoa sen giấy Thanh Tiên đã được làm biểu tượng trong các lễ hội như Festival Huế, lễ hội sóng nước Tam Giang, các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật 
 
Theo tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 153